Hướng đến nghề cá ổn định, bền vững

NGUYỄN QUANG 10/01/2022 06:33

“Chương trình quốc gia phát triển khai thác hải sản hiệu quả, bền vững giai đoạn 2021 - 2030” sẽ được Chính phủ phê duyệt trong thời gian tới nhằm hướng đến mục tiêu phát triển nghề cá ổn định, bền vững.

Ngành thủy sản gắn công tác đăng kiểm với tuyên truyền ngư dân khai thác hải sản đúng quy định. Ảnh: VIỆT NGUYỄN
Ngành thủy sản gắn công tác đăng kiểm với tuyên truyền ngư dân khai thác hải sản đúng quy định. Ảnh: VIỆT NGUYỄN

Vì nghề cá thân thiện

Nội dung quan trọng của “Chương trình quốc gia phát triển khai thác hải sản hiệu quả, bền vững giai đoạn 2021 - 2030” do Bộ NN&PTNT xây dựng là chuyển đổi khoảng 5.000 tàu cá làm các nghề xâm hại lớn đến nguồn lợi, môi trường sinh thái sang các nghề thân thiện với môi trường, nguồn lợi, tiến đến chấm dứt nghề khai thác hủy diệt nguồn lợi, phá hoại môi trường vào năm 2030. Đây cũng là một trong những nhiệm vụ trọng tâm để giải quyết các bất cập của nghề cá Quảng Nam.

Toàn tỉnh hiện có 3.039 phương tiện đánh bắt hải sản, trong đó, số tàu cá sản xuất ở vùng khơi là 748 chiếc, vùng lộng là 697 chiếc còn lại vùng bờ lên đến 1.594 chiếc, chủ yếu là các tàu giã cào, pha xúc, lồng bẫy tận diệt nguồn lợi, tác động xấu đến môi trường, đa dạng sinh thái biển. Dấu hiệu đáng mừng là không ít chủ tàu cá theo các nghề tận diệt nguồn lợi đã chuyển nghề sang các hoạt động trên bờ.

“Các hoạt động du lịch, dịch vụ tê liệt trong thời gian qua do Covid-19 khiến sinh kế chúng tôi gặp rất nhiều khó khăn. Tuy vậy, chúng tôi vẫn tiếp tục nói không với nghề giã cào” - ngư dân Phạm Viết Thảo (khối phố Phước Trạch, Cửa Đại, Hội An) nói.

Theo Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến, không còn cách nào khác, phải có chương trình quốc gia bảo vệ, phát triển nguồn lợi hải sản mang tính chất tổng thể từ các vùng biển Hoàng Sa, Trường Sa đến tuyến lộng, ven bờ, nhất là đầu tư cho các khu bảo tồn biển để lưu giữ giống, nguồn gen, từng bước tạo “hiệu ứng tràn” cho nghề cá.

“Đến năm 2030, ngành thủy sản đặt mục tiêu phục hồi, tăng trữ lượng nguồn lợi thủy sản khoảng 5% so với giai đoạn 2016 - 2020, phục hồi 70% diện tích hệ sinh thái biển bị suy thoái trong các khu bảo tồn biển và diện tích được bảo tồn kỳ vọng lên hơn 0,5% diện tích biển Việt Nam” - ông Tiến nói.

Ông Ngô Tấn - Phó Giám đốc Sở NN&PTNT cho biết, nhiều tàu cá của tỉnh không đạt sản lượng sau chuyến biển. Nguyên nhân là trữ lượng hải sản ở các vùng biển suy giảm.

“Các giải pháp ngành nông nghiệp tham mưu UBND tỉnh triển khai trong thời gian đến là thả rạn nhân tạo để “làm nhà” cho hải sản, các loài thủy sinh ở; hỗ trợ ngư dân giảm các tàu lưới kéo, lên bờ hoặc chuyển sang các nghề thân thiện với môi trường, không hủy diệt và thí điểm cấm khai thác hải sản có thời hạn ở một số vùng biển” - ông Tấn nói.

Kiểm soát chặt tàu cá

“Chương trình quốc gia phát triển khai thác hải sản hiệu quả, bền vững giai đoạn 2021 - 2030” đặt mục tiêu đến năm 2022, tàu cá hoạt động vùng khơi hoàn thành lắp đặt thiết bị giám sát hành trình (GSHT) và thực hiện giám sát 100% hoạt động tàu cá trên biển; chấm dứt tình trạng tàu cá khai thác trái phép tại vùng biển nước ngoài. Đến năm 2025, chấm dứt tình trạng tàu cá khai thác bất hợp pháp, không báo cáo, không theo quy định (IUU).

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hồ Quang Bửu đã yêu cầu ngành thủy sản, các địa phương ven biển tập trung kiểm soát tàu cá, khắc phục các bất cập. Năm 2022 đã đến nhưng vẫn còn nhiều tàu cá xa bờ chưa lắp đặt GSHT. Cụ thể, toàn tỉnh hiện có 676 tàu cá dài từ 15m trở lên nhưng mới chỉ có 637 tàu hoàn thành lắp đặt GSHT (tỷ lệ hơn 94%). Trong năm qua, có ngư dân ở Núi Thành và tàu cá bị bắt giữ vì khai thác trên vùng biển nước ngoài.

Ông Ngô Đức An - Phó Chủ tịch UBND huyện Núi Thành cho biết: “Cùng với tuyên truyền sâu rộng tạo chuyển biến ý thức của ngư dân, ngăn chặn khai thác hải sản ở vùng biển nước ngoài, huyện đang chỉ đạo ngành thủy sản, các địa phương phối hợp với lực lượng Biên phòng, Cảnh sát biển kiểm soát chặt tàu cá trước khi xuất bến, sản xuất trên biển, xử phạt nặng nếu sai phạm”.

Chương trình đặt mục tiêu đến năm 2025 hoàn thiện số hóa cơ sở dữ liệu phục vụ quản lý khai thác hải sản. Vì vậy, nhiệm vụ quan trọng của tỉnh là tăng năng lực ứng dụng công nghệ số trong quản lý nhà nước về khai thác hải sản. Bên cạnh đó, đến năm 2025, giám sát 100% tàu cá và sản lượng hải sản vùng khơi bốc dỡ tại cảng cá, áp dụng hệ thống truy xuất nguồn gốc hải sản điện tử.

Về điều này, ông Ngô Tấn cho biết, nghề cá Quảng Nam sẽ áp dụng hệ thống truy xuất nguồn gốc hải sản từ nhật ký khai thác, hệ thống quản lý tổng hợp ở cảng cá và hệ thống theo dõi tàu cá khi ra, vào cảng. Cùng với đó, hoàn thiện lực lượng kiểm ngư với các trang thiết bị, bộ quy tắc ứng xử phù hợp cho thực thi pháp luật.

NGUYỄN QUANG