Mặn mòi hương vị mực xà
Không đâu như làng biển Tam Giang (Núi Thành), toàn xã có 48 phương tiện khai thác xa bờ thì có đến 45 chiếc khai thác mực khơi. Mực xà khô mặn mòi mùi vị biển khơi là sản phẩm hàng hóa xuất khẩu đặc trưng, nhiều năm qua đã mang về những đồng tiền tươi cho ngư dân.
Vậy mà mở đầu câu chuyện, lão ngư Nguyễn Văn Thịnh (thôn Đông Xuân, xã Tam Giang) lại chê sản phẩm mực khơi. Ông nói, mực xà dậy mùi quá, mấy bạn biển vào bờ thường kêu bốc mấy con về ăn nhưng ông lắc đầu.
“Mặn lắm! Có khi phơi trên tàu gặp sương muối thì nặng mùi, mình ăn không nổi đâu. Công nhận bên Tàu họ chế biến giỏi thiệt. Mực của mình qua họ chế biến rồi đóng gói trắng tinh, thơm phức” - ông Thịnh chia sẻ.
Lão ngư Nguyễn Văn Thịnh là một trong những người chuyên nghề mực khơi đầu tiên ở Tam Giang. Ông nhớ lại, làng nghề mực khơi ở địa phương bắt đầu hình thành từ năm 1991 với khoảng mươi phương tiện.
Dấu mốc ấy được nhớ đến bởi sản phẩm mực khơi bắt đầu được tiêu thụ mạnh, nhiều tư thương gom hàng xuất khẩu với số lượng lớn. Giá mực khô lúc đó khoảng 50 nghìn đồng/kg, được xem là đột biến, thôi thúc nhiều ngư dân chuyển hẳn sang khai thác mực.
Ông Thịnh đóng tàu mới cũng vào thời điểm ấy, đến năm 2011 (thời điểm ông nghỉ biển, giao tàu lại cho con trai), ông thay tổng cộng 3 chiếc tàu, với công suất ngày càng lớn hơn để bám biển dài ngày.
Ông Hồ Văn Cũng (thôn Đông An, xã Tam Giang) cũng là người trong cuộc từ ngày làng mực xà Tam Giang hình thành.
“Cách đây mấy mươi năm ngư dân Tam Giang khai thác rất nhiều nghề, nhưng chủ yếu là lưới chuồn khơi. Ban đêm khi bủa lưới xong, rảnh rỗi anh em thường bỏ thúng xuống vịn mực cho vui.
Mực lúc đó rất nhiều, răm trên mặt nước như cơm sôi nhưng câu nhiều không biết làm chi, phơi trên ghe thì không có chỗ, làm chi có đá cây mà ướp, giá lại rẻ. Đến năm 1991, nhiều tư thương họ đến hỏi mua nên bà con mới dần thay nghề lưới chuồn, chuyển hẳn sang câu mực” - lão ngư Hồ Văn Cũng kể lại.
Gợi lại chuyện nghề biển từ khi làng mực xà Tam Giang hình thành, hai lão ngư Nguyễn Văn Thịnh và Hồ Văn Cũng sôi nổi hẳn lên, bởi có thể cuộc mưu sinh từ sóng gió trước đây đã in hằn nỗi khổ nhọc. Bám nghề ở ngư trường khơi nhưng phương tiện lúc ấy lại quá thô sơ, nên con người càng lẻ loi trước biển cả.
Ông Thịnh kể về chiếc thúng con của mình cùng cây đuốc bằng dầu lửa hắt hiu, phập phù với vẻ thấm thía mối hiểm nguy giữa biển khơi của một đời ngư phủ. Ông nói chiếc tàu lúc ấy chạy máy cũ hiệu Yanmar 2t của Nhật Bản (25CV), nhỏ như chiếc lá nhưng phải vượt sóng mấy ngày mới đến ngư trường.
Bây giờ nhiều ngư dân ở đây đã sắm tàu to, công suất máy hàng nghìn CV với nhiều thiết bị hiện đại. “Anh em tụi tôi giờ làm nghề bờ rồi, mừng cho con cháu có hướng làm ăn bài bản bằng nghề câu mực” - ông Thịnh tâm sự.
Nghề câu mực khơi ở Tam Giang lâu nay được nhiều người biết đến bởi đây là làng nghề đặc trưng, sản phẩm được xuất khẩu chủ yếu sang Trung Quốc. Giá mực khơi dù dao động theo thị trường nhưng trung bình khoảng 150 nghìn đồng/kg, đã tạo nguồn thu nhập đáng kể để người dân gắn bó với biển.
Ông Phạm Văn Châu - Chủ tịch UBND xã Tam Giang cho biết, năm 2021, sản lượng mực khơi khai thác được khoảng 12 nghìn tấn, trung bình mỗi lao động thu nhập khoảng 100 triệu đồng.
Ông Châu nói: “Dù ảnh hưởng dịch bệnh nhưng năm nay giá mực vẫn giữ ổn định. Sản phẩm mực xà của địa phương đã có thị trường từ lâu rồi. Dù cực nhọc nhưng hàng nghìn ngư dân làm nghề này có mức thu nhập khá, đó là lời giải hiệu quả cho bài toán kinh tế ở địa phương...”.
Một tín hiệu vui là sản phẩm mực xà ở Tam Giang giờ đây đã được một doanh nghiệp chế biến tại chỗ. Dù chỉ là bước đầu nhưng có thể kỳ vọng sản phẩm mực xà có được thị trường đa dạng hơn, với giá trị cao hơn...