Người nuôi thủy sản phải trả phí dịch vụ

VIỆT NGUYỄN 30/12/2021 08:44

Theo Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 (có hiệu lực từ ngày 1.1.2022), người nuôi thủy sản phải trả phí dịch vụ hệ sinh thái tự nhiên. Công tác tuyên truyền đang đặt ra cấp thiết để chính sách đi vào cuộc sống.

Người nuôi thủy sản sẽ phải trả phí dịch vụ hệ sinh thái tự nhiên. Ảnh: VIỆT NGUYỄN
Người nuôi thủy sản sẽ phải trả phí dịch vụ hệ sinh thái tự nhiên. Ảnh: VIỆT NGUYỄN

Nuôi thủy sản có trách nhiệm

Điều 138 Luật Bảo vệ môi trường quy định tổ chức, cá nhân sử dụng dịch vụ hệ sinh thái tự nhiên phải trả tiền cho tổ chức, cá nhân cung ứng giá trị môi trường, cảnh quan do hệ sinh thái tự nhiên tạo ra.

Theo đó, tổ chức, cá nhân nuôi trồng thủy sản phải chi trả tiền dịch vụ hệ sinh thái tự nhiên bằng hình thức trả tiền trực tiếp hoặc gián tiếp thông qua ủy thác. Tổ chức, cá nhân cung ứng dịch vụ hệ sinh thái tự nhiên phải sử dụng tiền thu được từ chi trả dịch vụ hệ sinh thái tự nhiên để bảo vệ, duy trì và phát triển hệ sinh thái tự nhiên.

Ông Trần Thanh Tân - hộ nuôi cá lồng bè ở hồ thủy điện Sông Tranh 2 (huyện Bắc Trà My) cho biết, chưa nhận được thông tin phải trả phí dịch vụ hệ sinh thái tự nhiên từ các ngành chức năng. Tuy vậy, một khi chính sách có hiệu lực sẽ tuân thủ quy định.

Ông Tân cho rằng, điều kiện đầu tiên của nghề nuôi thủy sản là cần môi trường nước ổn định, đảm bảo trong sạch để tránh dịch bệnh. Những người nuôi thủy sản thì phải có trách nhiệm giữ gìn, bảo vệ nguồn nước ở lòng hồ. Nếu các ngành chức năng thông tin cụ thể phải trả phí dịch vụ bao nhiêu thì người nuôi thực hiện.

Núi Thành là một trong những địa phương dẫn đầu toàn tỉnh về diện tích và sản lượng nuôi trồng thủy sản (1.400ha với sản lượng gần 8.000 tấn/năm).

Ông Lê Văn Hiệp - Phó Trưởng phòng NN&PTNT huyện Núi Thành cho biết, từ trước đến nay người nuôi thủy sản chưa phải thực hiện nghĩa vụ trả phí dịch vụ hệ sinh thái tự nhiên. Với lần đầu tiên áp dụng, không dễ để hầu hết người nuôi thủy đồng thuận.

"Đến nay chúng tôi chưa nhận được thông báo, thông tin nào của ngành nông nghiệp, tài nguyên - môi trường về việc trả phí dịch vụ hệ sinh thái nên không biết người nuôi thủy sản phải trả phí bao nhiêu. Nhiều vùng nuôi thủy sản trên địa bàn chưa xác định tổ chức, cá nhân cung ứng giá trị môi trường, cảnh quan hệ sinh thái tự nhiên nên chưa biết đơn vị nào sẽ nhận thu phí và quản lý phí đó ra sao để có thể duy trì, phát triển” - ông Hiệp nói.

Theo tìm hiểu của chúng tôi, đến thời điểm này, trên phạm vi cả nước mới chỉ có tỉnh Cà Mau thực hiện thí điểm chi trả dịch vụ hệ sinh thái tự nhiên trong nuôi trồng thuỷ sản. Chính sách này mới chỉ thực hiện tại quy mô nhỏ với một đối tượng nuôi tôm sinh thái.

Ông Ngô Tấn - Phó Giám đốc Sở NN&PTNT cho biết, thời gian tới, khi chính sách này triển khai trên phạm vi toàn tỉnh sẽ gặp không ít khó khăn, cần sự vào cuộc đồng bộ của ngành thủy sản, các địa phương, nhất là sự hưởng ứng của người nuôi trồng thủy sản.

Chú trọng tuyên truyền

Bà Lê Thị Tuyết Hạnh - Phó Giám đốc Sở Tài nguyên - môi trường cho biết, toàn tỉnh đang tập trung đẩy mạnh tuyên truyền Luật Bảo vệ môi trường, trong đó có nội dung về chi trả dịch vụ hệ sinh thái tự nhiên trong nuôi trồng thủy sản. Cái khó lớn nhất trong triển khai chính sách là thời gian có hiệu lực đến gần mà đến nay trung ương chưa có nghị định, thông tư hướng dẫn.

“Bộ Tài nguyên - môi trường đang xây dựng để trình Chính phủ dự thảo Nghị định hướng dẫn Luật Bảo vệ môi trường năm 2020. Khi có hướng dẫn cụ thể của trung ương chúng tôi sẽ phối hợp chặt chẽ với các sở, ngành, địa phương để triển khai sâu rộng trên địa bàn tỉnh” - bà Hạnh nói.

Ông Nguyễn Đình Toàn - Trưởng phòng Nghiệp vụ thủy sản (Chi cục Thủy sản Quảng Nam) cho rằng, chi trả dịch vụ hệ sinh thái tự nhiên trong nuôi trồng thủy sản là xu thế tất yếu.

Hiện tại, cả nước đang bắt tay thực hiện chủ trương nghề thủy sản có trách nhiệm vì mục tiêu phát triển bền vững. Điều cần kíp là các địa phương có nghề nuôi trồng thủy sản vào cuộc mạnh mẽ, phối hợp với các ngành chức năng để tuyên truyền, vận động hiệu quả, tạo hưởng ứng trong cộng đồng người nuôi trồng thủy sản.

Người nuôi trồng thủy sản nộp phí, đơn vị quản lý, cung cấp dịch vụ hệ sinh thái tự nhiên tiếp nhận nguồn phí, sử dụng để tái tạo, phát triển hệ sinh thái là phù hợp quy luật. Nhờ vậy hệ sinh thái sẽ không bị suy thoái và khi được tái tạo, phát triển sẽ phục vụ trở lại nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội của người dân nói chung, người nuôi trồng thủy sản nói riêng.

VIỆT NGUYỄN