Hiệu quả nuôi tôm 2 giai đoạn

VIỆT NGUYỄN 10/11/2021 07:25

Mô hình nuôi tôm qua 2 giai đoạn của một số hộ dân trên địa bàn tỉnh đã cho thấy hiệu quả kinh tế cao, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, có điều kiện để truy xuất nguồn gốc thủy sản. Quảng Nam khuyến khích cách làm trên vì mục tiêu phát triển thủy sản bền vững.

Đầu tư bài bản để có tôm sạch là hướng đi bền vững của nghề nuôi tôm Quảng Nam. Ảnh: VIỆT NGUYỄN
Đầu tư bài bản để có tôm sạch là hướng đi bền vững của nghề nuôi tôm Quảng Nam. Ảnh: VIỆT NGUYỄN

Đầu tư lớn - hiệu quả cao

Nuôi tôm nước lợ ở TP.Tam Kỳ không rầm rộ nhưng cho thấy điểm sáng. Trên diện tích 2,5ha ven sông Bàn Thạch, ông Nguyễn Nam (khối phố Phú Sơn, phường An Phú, TP.Tam Kỳ) đầu tư 1 ao ương tôm giống, 2 ao chứa lắng, 3 ao nuôi tôm thương phẩm, 1 khu xử lý nước thải.

Tôm giống post 12 được ông Nam đặt mua về bố trí vào ao ương nuôi giai đoạn 1 hơn 1 tháng rồi mới đưa sang ao nuôi thương phẩm để nuôi giai đoạn 2. Ở vụ mới thu hoạch, ông Nam thu được 10 tấn tôm cỡ 50 con/kg. Với giá bán 140 nghìn đồng/kg, ông Nam thu được 1,4 tỷ đồng, lãi hơn 200 triệu đồng.

“Trong hơn 1 tháng ương nuôi tôm giống, tôi chú tâm theo dõi, kiểm tra định kỳ 5 lần/ngày. Nước được xử lý trong ao chứa lắng rồi mới đưa vào ương nuôi tôm nên ít có biến động độ kiềm, pH... Sang giai đoạn nuôi thương phẩm, tôm phát triển nhanh nhờ có sức đề kháng tốt” - ông Nam nói.

Với cách đầu tư bài bản, mô hình nuôi tôm 2 giai đoạn của ông Nam đã cho thấy tôm sinh trưởng, phát triển tốt, năng suất, sản lượng đạt cao, bán được giá, thu được hiệu quả kinh tế lớn.

Ông Nguyễn Đình Toàn - Trưởng Phòng Nghiệp vụ thủy sản (Chi cục Thủy sản tỉnh) cho biết, đến thời điểm này, diện tích nuôi tôm nước lợ trên địa bàn tỉnh là 2.705ha (103% kế hoạch), sản lượng thu hoạch đạt 14.490 tấn (100% kế hoạch).

Hộ ông Phan Văn Triển (thôn Hòa Bình, xã Tam Hòa, Núi Thành) đầu tư 5 ao nuôi tôm thẻ chân trắng trên cát ở diện tích 12.000m2. Để khống chế dịch bệnh do môi trường nuôi tôm biến động, ông Triển đầu tư 1 ao chứa lắng, khu xử lý nước thải, 1 ao ương nuôi tôm giống và 3 ao nuôi tôm thương phẩm.

Mua tôm giống của cơ sở uy tín, áp dụng quy trình sinh học, dùng chế phẩm từ chuối, gừng, sả để tôm sinh trưởng nhanh và nhờ không dùng kháng sinh, hóa chất nên tôm nuôi của ông Triển đáp ứng các quy chuẩn khắt khe về an toàn thực phẩm.

Ở vụ tôm thu hoạch cách đây chưa lâu, ông Triển thu được 14 tấn tôm cỡ 40 con/kg, thu lãi hàng trăm triệu đồng. “Sau khi ương nuôi tôm giống giai đoạn 1 trong vòng 1 tháng, tôi chuyển sang nuôi tôm thương phẩm giai đoạn 2 hơn 2 tháng. Nhờ đầu tư kỹ nên tôi nuôi tôm mật độ cao, chăm sóc tốt, khống chế các yếu tố gây bệnh, tôm phát triển mạnh” - ông Triển nói.

Khuyến khích nhân rộng

Cách thức đầu tư mô hình nuôi 2 giai đoạn cho thấy sự vận động phù hợp với yêu cầu thực tế của nghề nuôi tôm trên địa bàn tỉnh. Chủ tịch UBND tỉnh Lê Trí Thanh cho rằng, Quảng Nam luôn khuyến khích các mô hình nuôi tôm đầu tư chuyên nghiệp.

Các hộ không nên dành hết quỹ đất để nuôi tôm thương phẩm, mà cần chia quỹ đất đầu tư ao chứa lắng, khu xử lý nước thải, bố trí các ao nuôi tôm giai đoạn 1, giai đoạn 2. Quảng Nam vận động được các doanh nghiệp lớn như Công ty Dương Hùng, Công ty Nam Mỹ đầu tư nuôi tôm công nghệ cao, áp dụng quy trình kỹ thuật hiện đại đem lại thành công lớn ít nhiều đã lan tỏa, nhân rộng khi các hộ nuôi tiếp cận, áp dụng.

“Không phải đầu tư hết quỹ đất để nuôi tôm thương phẩm là thu được nhiều tôm, mà phân bổ, đầu tư đất cho từng khu chức năng phục vụ nuôi tôm mới có tác động tương hỗ tốt giúp quá trình nuôi tôm thành công” - Chủ tịch UBND tỉnh Lê Trí Thanh nói.

Thực tiễn nuôi tôm qua 2 giai đoạn trên địa bàn tỉnh đã cho thấy điểm chung là hầu hết hộ nuôi ghi nhật ký, thực hiện các hồ sơ thủ tục liên quan đến quá trình nuôi tôm. Đó là cơ sở để thực hiện truy xuất nguồn gốc thủy sản phục vụ xuất khẩu.

Các hộ chú trọng chăm sóc, theo dõi trạng thái sức khỏe của tôm nuôi, các chỉ số môi trường cũng như đầu tư lớn về bảo quản thức ăn, giảm thiểu sử dụng chất cấm nên đảm bảo các quy định khắt khe về an toàn thực phẩm của thị trường, nhất là xuất khẩu sang EU để tận dụng các ưu đãi của Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - Liên minh châu Âu.

Ông Ngô Tấn - Phó Giám đốc Sở NN&PTNT cho biết, Quảng Nam rất khuyến khích các hộ, hợp tác xã đầu tư nuôi tôm 2 giai đoạn. Để giải quyết khó khăn về quỹ đất, Quảng Nam có cơ chế hỗ trợ các chủ thể nuôi tôm tích tụ, tập trung ruộng đất để nuôi tôm hàng hóa.

“Ngành nông nghiệp phối hợp với ngành tài nguyên - môi trường cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho các chủ thể nuôi tôm để thuận tiện trong đầu tư nuôi tôm 2 giai đoạn lâu dài cũng như thế chấp vay vốn đầu tư lớn” - ông Ngô Tấn nói.

VIỆT NGUYỄN