Đăng kiểm tàu cá, vì chuyến biển an toàn
Để tránh rủi ro khi sản xuất trên biển, ngư dân trên địa bàn tỉnh chú trọng thực hiện đăng kiểm tàu cá.
Vì chuyến biển an toàn
Bão liên tục xuất hiện trên biển trong những ngày này nên ngư dân neo đậu tàu cá ở các khu vực cửa biển Cửa Đại (Hội An) và An Hòa (Núi Thành) nghe ngóng thông tin thời tiết để chờ ngày vươn khơi đánh bắt hải sản.
Ngư dân Phạm Lào (khối phố Phước Hải, Cửa Đại, Hội An) - chủ tàu cá QNa-92468 có chiều dài 17m đến văn phòng thực hiện đăng kiểm tàu cá của Chi cục Thủy sản Quảng Nam ở Cửa Đại để thực hiện đăng kiểm cho tàu cá.
Ông Lào nói: “Để đảm bảo an toàn cho những chuyến biển dài, chúng tôi chuẩn bị ngư cụ đầy đủ, gia cố tàu, sửa chữa máy móc, máy phát điện, trang bị đài, máy báo thời tiết, hệ thống thông tin liên lạc tầm xa, tầm trung, tầm ngắn. Chúng tôi kiểm tra tàu cá bằng kinh nghiệm nên chưa an tâm, phải đưa tàu đi đăng kiểm dù chưa đến hạn để ngành chức năng kiểm soát, khắc phục mọi lỗi nhỏ cho tàu cá”.
Sau khi nộp hồ sơ, chưa đầy 10 phút sau, tàu cá QNa-92468 của ông Lào được 3 đăng kiểm viên tiến hành kiểm tra thân vỏ, máy móc, thiết bị, trang bị trên tàu cá. Mọi thứ đều ổn, tàu cá của ông Lào được cấp giấy chứng nhận an toàn kỹ thuật.
Nhiều chủ tàu cá cho biết, trong cơn bão số 5 và số 6 vừa qua, việc liên lạc giữa cơ quan chức năng ở đất liền với tàu cá hoạt động ngoài biển được duy trì thường xuyên. Ngư dân liên tiếp nhận được liên lạc của lực lượng biên phòng, ngành thủy sản về các vùng biển nguy hiểm do ảnh hưởng của bão, kêu gọi tàu cá chuyển ra xa khu vực nguy hiểm, về bờ hoặc điều tàu vào nơi tránh trú bão an toàn ở quần đảo Trường Sa.
Ở văn phòng thực hiện đăng kiểm tàu cá của Chi cục Thủy sản Quảng Nam bố trí tại thôn An Hải Đông (Tam Quang, Núi Thành), những ngày qua có nhiều ngư dân đến làm hồ sơ để thực hiện đăng kiểm cho tàu cá của mình.
Ngư dân Huỳnh Văn Tâm (thôn Trung Toàn, xã Tam Quang) - chủ tàu cá QNa-90363 có chiều dài 18m cho biết, để đảm bảo an toàn cho tàu cá hoạt động trên các vùng biển xa, ông đã thực hiện đầy đủ các giấy chứng nhận đăng ký tàu cá, giấy phép khai thác hải sản, đang đăng kiểm cho tàu cá để được ngành chức năng cấp giấy chứng nhận an toàn kỹ thuật.
“Đảm bảo an toàn cho hoạt động của tàu cá là bảo vệ tài sản của mình, bảo vệ an toàn cho các thuyền viên, bạn biển, thợ máy. Cùng với việc kiểm tra về vỏ tàu, máy tàu, cơ quan chức năng còn rất chú trọng kiểm tra trang bị an toàn cho người và phương tiện khi hoạt động trên biển, đặc biệt là về phao cứu sinh, thiết bị thông tin liên lạc” - ông Tâm nói.
Đồng hành, tiếp sức
Ông Trần Ngọc Hiếu - đăng kiểm viên Chi cục Thủy sản Quảng Nam cho biết, theo quy định, tàu cá được kiểm tra an toàn kỹ thuật khi ở dưới nước mỗi năm một lần, kiểm tra an toàn kỹ thuật khi ở trên đà hai năm rưỡi một lần, kiểm tra định kỳ 5 năm một lần.
Trong 9 tháng qua, Chi cục Thủy sản Quảng Nam đã đăng kiểm cho 700 lượt tàu cá của ngư dân trên địa bàn tỉnh. Đây là một trong những nội dung bắt buộc phải thực hiện theo quy định của Luật Thủy sản, góp phần chống khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định (IUU).
Nhờ tuyên truyền tốt nên hầu hết chủ tàu chấp hành đăng kiểm tàu cá khi đến hạn. Qua công tác tuyên truyền, ngư dân hiểu được rằng, thực hiện kiểm tra an toàn kỹ thuật tàu cá định kỳ là để bảo vệ an toàn con người và tài sản của họ khi khai thác trên biển. Còn chúng tôi luôn thực hiện nhiệm vụ với tâm thế đồng hành, tiếp sức ngư dân sản xuất an toàn, hiệu quả.
Một trong những nhiệm vụ bắt buộc trong đăng kiểm tàu cá có chiều dài từ 15m trở lên là kiểm tra, đảm bảo thiết bị giám sát hành trình (GSHT) vận hành tốt.
Ông Nguyễn Đình Toàn - Trưởng phòng Nghiệp vụ thủy sản (Chi cục Thủy sản Quảng Nam) cho biết, khi có bão, thông qua hệ thống GSHT, ngành chức năng xác định vị trí tàu cá trên biển để thông báo, nhắc nhở chủ tàu di chuyển đến khu vực an toàn.
Nếu chẳng may tàu bị hỏng máy phải thả trôi trên biển, GSHT xác định vị trí con tàu, kêu gọi các tàu cá khác gần đó đến lai dắt, hỗ trợ. Khi thực hiện đăng kiểm, các đăng kiểm viên luôn nhắc nhở chủ tàu cá phải bật đèn tín hiệu khi thời tiết trên biển có mưa to, sương mù để các tàu cá khác nhận biết, tránh va chạm xảy ra sự cố đáng tiếc. Đồng thời phân công thuyền viên cùng trực 24/24 giờ để kịp thời phát hiện những nguy cơ bất thường, xử lý kịp thời.