Doanh nghiệp đầu tiên sản xuất tôm giống trên đất Quảng Nam

MỸ LINH - HOÀNG ĐẠO - HỒ QUÂN 07/10/2021 14:16

(QNO) - Những con tôm giống (tôm thẻ chân trắng) đầu tiên được Công ty TNHH Đầu tư thủy sản công nghệ cao Nam Mỹ (Khu sản xuất, kiểm định giống thủy sản Quảng Nam, xã Bình Nam, Thăng Bình) sản xuất, cung cấp cho người nuôi tôm Quảng Nam trong năm 2021 là một bước ngoặc lớn đối với ngành thủy sản tỉnh nhà. Từ nay, người nuôi tôm đã có nguồn tôm giống chất lượng, uy tín, giá cả ưu đãi… là tiền đề cho những vụ tôm thắng lợi.

 
 

Toàn cảnh Công ty TNHH Đầu tư thủy sản công nghệ cao Nam Mỹ. Ảnh: L.Đ.Q
Toàn cảnh Công ty TNHH Đầu tư thủy sản công nghệ cao Nam Mỹ.

“Có kinh nghiệm cung cấp con tôm giống cho các tỉnh miền Tây và nhận thấy tương lai thị trường rộng mở khi diện tích nuôi tôm phát triển tại các tỉnh miền Bắc và miền Trung, Công ty TNHH Đầu tư thủy sản công nghệ cao Nam Mỹ (Công ty Nam Mỹ) quyết định mở cơ sở sản xuất tôm giống ở khu vực miền Trung” - ông Bùi Văn Chẩm, Tổng Giám đốc Công ty Nam Mỹ bắt đầu câu chuyện về hành trình mở rộng quy mô sản xuất.

Trước khi quyết định đầu tư tại Quảng Nam, Công ty Nam Mỹ đã cử đoàn khảo sát đi dọc các tỉnh Trung bộ để tìm kiếm nơi thích hợp. Và họ đã chọn Quảng Nam.

 

Theo ông Chẩm, Quảng Nam có diện tích nuôi tôm thẻ chân trắng lớn, vùng biển với nguồn nước sạch, nhiều khoáng chất rất phù hợp cho sự sinh trưởng, phát triển của con tôm. Tuy nhiên, bên cạnh những thuận lợi thì các yếu tố thời tiết khắc nghiệt, nắng nóng, mưa bão cũng là một thử thách.

 
Nam Mỹ chọn Quảng Nam làm nơi sản xuất tôm giống vì mảnh đất này hội tụ nhiều yếu tố thuận lợi.

Từ những ngày đầu xây dựng cơ sở, hạ tầng, Công ty Nam Mỹ đã gặp ngay thử thách khá gian nan: cơn bão số 10 năm 2020. Nhận tin báo từ nhân viên, ngay sau khi cơn bão đi qua ông có mặt ở Quảng Nam và gần như không tin những gì chứng kiến. “Đất Ninh Thuận - nơi chúng tôi sản xuất tôm giống luôn khá ôn hòa, chưa có cơn bão nào vào nên chúng tôi không dự lường hết hậu quả kinh hoàng của bão ở Quảng Nam. Hạ tầng chưa kịp hoàn thiện nên bão khiến hư hại rất lớn. Cũng may là đơn vị tư vấn thi công có tư vấn kỹ nên chúng tôi có phương án dự phòng, khắc phục rồi bắt tay đi vào sản xuất” – ông Chẩm kể.

Đội ngũ nhân viên Công ty Nam Mỹ. Ảnh: L.Đ.Q
Đội ngũ nhân viên Công ty Nam Mỹ.

Khó khăn không làm chùn bước tập thể Công ty Nam Mỹ. Cuối tháng 5.2021, công ty nhập 600 cặp tôm bố mẹ về từ Hawaii (Mỹ) để sản xuất tôm giống. Chất lượng của nguồn giống bố mẹ được kiểm soát khá chặt chẽ. Với kỹ thuật cho tôm bố mẹ đẻ tự nhiên, cùng với công nghệ tạo nguồn thức ăn đặc thù để dưỡng con tôm giống ngoại nhập, Công ty Nam Mỹ đã cho ra con giống khỏe mạnh tiêu chuẩn và siêu tăng trưởng, hợp với các vùng nuôi tôm tại Việt Nam.

Cơ sở vật chất Công ty Nam Mỹ được đầu tư khá hiện đại:

 

Với kinh nghiệm đã có từ trước, Công ty Nam Mỹ tiếp tục ứng dụng sản xuất tôm giống với quy trình khép kín. Tất cả đều nghiêm ngặt, từ công đoạn nuôi cấy tảo thuần chủng trong hệ thống tuần hoàn, ươm nuôi ấu trùng bằng công nghệ vi sinh, ứng dụng kỹ thuật sinh học phân tử để chẩn đoán, xét nghiệm bệnh tôm. Đặc biệt, công ty đầu tư tiền tỷ để xây dựng hệ thống xử lý nước theo tiêu chuẩn của Mỹ, lấy nguồn nước để sản xuất tôm giống ngoài khơi cách bờ khoảng 1km.

Hệ thống xử lý nước thải hiện đại được Nam Mỹ đầu tư. Ảnh: L.Đ.Q
Hệ thống xử lý nước thải hiện đại được Nam Mỹ đầu tư.

“Nguồn nước đảm bảo, phù hợp là một trong những yếu tố quan trọng giúp quá trình sản xuất tôm giống thành công và đạt chất lượng cao” – Tổng Giám đốc Công ty Nam Mỹ Bùi Văn Chẩm nhấn mạnh. Cũng theo ông Chẩm, sản xuất tôm giống hiện nay hầu hết đều sử dụng phương pháp truyền thống là cắt cuống mắt tôm mẹ nhằm kích thích quá trình lột xác, tăng khả năng chín muồi sinh dục và đẩy nhanh quá trình đẻ trứng của tôm. 

Song, theo các nhà khoa học, việc sản xuất tôm giống bằng cách cắt cuống mắt sẽ làm giảm số lần sinh sản và chất lượng của tôm. Vì vậy, Nam Mỹ đã chọn cách nuôi đẻ tự nhiên và đã thành công trong quy trình sản xuất, đạt hiệu quả cao. 

“Phương pháp này là một chuỗi đồng bộ từ việc lựa chọn tôm bố mẹ có nguồn gốc, sạch bệnh và đầu tư áp dụng các biện pháp kỹ thuật tổng hợp để tạo ra giống tôm thẻ chân trắng hạn chế lây nhiễm các bệnh đốm trắng, taura, đầu vàng, hoại tử cơ, hoại tử gan tụy... Do đó sức đề kháng, tỉ lệ sống và tốc độ tăng trưởng của tôm cũng cao hơn phương pháp cắt mắt” – ông Chẩm chia sẻ.

Kiểm tra chất lượng tôm giống. Ảnh: L.Đ.Q
Kiểm tra chất lượng tôm giống.

Thời gian sinh sản của 1 cặp tôm bố mẹ là 120 ngày, trong đó 30 ngày đầu sau khi nhập về, tôm sẽ được chăm sóc để phục hồi sức khỏe, tăng cường dưỡng chất để chuẩn bị sinh sản, 90 ngày còn lại là thời gian sinh sản của tôm, cứ 5 ngày/lần, hàng triệu con tôm được sinh sản sau quy trình này. Trứng thụ tinh sau 10 - 12 giờ sẽ nở thành Nauplius (kéo dài 1,5 ngày), tiếp đến là giai đoạn Zoae (kéo dài 3 - 5 ngày), Mysis (kéo dài 4 - 5 ngày) và giai đoạn Postlarva (kéo dài từ 9 đến 10 ngày).


Hiện nay, công ty đã đi vào hoạt động với hạ tầng, nhà xưởng quy mô trên diện tích hơn 2,4ha, trong đó có 3 khu nuôi tôm bố mẹ, 256 hồ ươm dưỡng tôm giống cùng các khu lắng nước, lọc nước, xử lý thức ăn cho tôm bố mẹ, tôm giống, khu xét nghiệm, khu sản xuất đông trùng hạ thảo để trộn vào thức ăn nuôi tôm... Nam Mỹ áp dụng đồng bộ các quy trình kỹ thuật tiên tiến với máy móc, phòng thí nghiệm hiện đại cùng đội ngũ kỹ sư, công nhân tay nghề cao trong quá trình sản xuất tôm giống.

 
 

Công ty TNHH Đầu tư thủy sản công nghệ cao Nam Mỹ là doanh nghiệp tiên phong trong nuôi cấy nấm đông trùng hạ thảo ngay tại phòng thí nghiệm của công ty để làm nguồn thức ăn cho tôm, giúp tăng cường hệ miễn dịch cho tôm bố mẹ và tôm con. Đây cũng là một trong những doanh nghiệp cho tôm đẻ theo tự nhiên, giúp tôm giống có sức đề kháng tốt, tỷ lệ sống cao hơn cách cho tôm sinh sản hiện nay. Cùng lúc, doanh nghiệp áp dụng các chuẩn BMP, VietGAP, Global GAP về sản xuất tôm giống sạch nhưng chưa đạt chuẩn an toàn dịch bệnh.

Chất lượng tôm giống luôn được đảm bảo nhờ áp dụng các phương pháp nuôi kỹ thuật cao. Ảnh: L.Đ.Q
Chất lượng tôm giống luôn được đảm bảo nhờ áp dụng các phương pháp nuôi kỹ thuật cao.

Để đạt được tiêu chuẩn này, ngoài việc đảm bảo 2 năm liền không có dịch bệnh, doanh nghiệp bắt buộc phải truy xuất được nguồn gốc sản phẩm, chủ động nguồn tôm bố mẹ chất lượng cao, đặc biệt, lưu trữ đầy đủ thông tin về thức ăn, con giống và các hoạt động sản xuất liên quan. Nam Mỹ đang nỗ lực hoàn thiện các tiêu chí để được công nhận chuẩn an toàn dịch bệnh.

Cận cảnh tôm post trong quá trình nuôi. Ảnh: L.Đ.Q
Cận cảnh tôm post trong quá trình nuôi.

Theo ông Chẩm, để nuôi tôm thành công thì cần đảm bảo được các yếu tố con giống tốt, hạ tầng khu nuôi đảm bảo, người nuôi phải có kiến thức chuyên sâu về tôm và điều kiện môi trường thuận lợi. Khi người nuôi giỏi, hiểu được môi trường biến động như thế nào để có biện pháp phòng ngừa dịch bệnh, theo dõi chặt chẽ sự phát triển qua từng giai đoạn của tôm thì khi thu hoạch tôm sẽ đạt sản lượng cao.

Clip quy trình sản xuất tôm giống hiện đại:

Lứa tôm giống đầu tiên được xuất bán cho bà con nông dân các xã ven biển Quảng Nam như Bình Nam, Bình Hải (Thăng Bình), Cẩm Thanh (Hội An). Đến thời điểm này, tôm cũng gần đến ngày thu hoạch. Hầu hết khách hàng đều đánh giá cao chất lượng tôm giống, có tỷ lệ sống cao, tôm trưởng thành sớm đạt được kích thước yêu cầu. Cạnh đó, lựa chọn nguồn giống tại địa phương giúp người dân được kiểm tra trực tiếp con giống, quá trình di chuyển ngắn nên đảm bảo được chất lượng, sức sống của tôm.

Đến nay, Công ty Nam Mỹ đã sản xuất được hơn 2,1 tỷ con giống/năm, dự kiến sẽ nâng quy mô lên 3 tỷ con giống vào năm 2022. Đây là tín hiệu vui cho nghề nuôi tôm thẻ chân trắng trên địa bàn Quảng Nam, việc tự sản xuất, cung ứng tôm giống ra thị trường sẽ dần xóa bỏ tình trạng phụ thuộc vào tôm giống ngoại tỉnh nhập về.

 

“Hai năm nay, dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp khiến công ty gặp rất nhiều khó khăn, dù vậy, Nam Mỹ vẫn giành sự quan tâm chia sẻ khó khăn cùng người dân với nhiều chương trình ưu đãi như bình ổn giá con giống, trợ giá cho người nuôi,... giúp bà con vượt qua đại dịch” – Tổng Giám đốc Công ty Nam Mỹ Bùi Văn Chẩm khẳng định.

Khách hàng tham quan quy trình nuôi tôm giống. Ảnh: L.Đ.Q
Khách hàng được tham quan quy trình nuôi tôm giống.

Dừng chân tại Quảng Nam, Công ty Nam Mỹ đặt quyết tâm phải tạo ra sản phẩm riêng cho ngành thủy sản địa phương. Việc sản xuất được giống tôm thẻ chân trắng ngay tại địa phương bước đầu thể hiện được quyết tâm đó. Từ việc chủ động được con giống, địa phương sẽ chủ động trong việc quy hoạch được vùng nuôi tôm thương phẩm, bà con nông dân an tâm nuôi trồng.

Cạnh đó, công ty cũng sử dụng 70% lao động địa phương tham gia làm việc tại khu sản xuất, được trang bị những kiến thức bài bản về con tôm. Từ đây, không chỉ tạo công ăn việc làm, mà còn giúp người dân chuẩn bị những kiến thức cần thiết để phát triển nghề nuôi tôm bền vững, đóng góp chung vào sự phát triển kinh tế địa phương.

 
Chủ tịch UBND tỉnh Lê Trí Thanh và đoàn công tác của UBND tỉnh kiểm tra tiến độ đầu tư sản xuất tôm giống của Công ty TNHH Đầu tư thủy sản công nghệ cao Nam Mỹ vào ngày 12.2.2020.
 

Theo ông Chẩm, nghề nuôi tôm mang lại hiệu quả kinh tế cao, nhưng cũng đi đôi với rủi ro lớn, do dịch bệnh, thời tiết... Vì thế, doanh nghiệp luôn mong muốn sự quan tâm nhiều hơn từ chính quyền địa phương, các ngành chức năng có sự đầu tư, quy hoạch hợp lý để bà con phát triển nghề nuôi tôm một cách bền vững. Công ty Nam Mỹ cũng mong được tạo điều kiện xây dựng mô hình vùng nuôi thương phẩm (mô hình thực nghiệm) để ứng dụng các sản phẩm đầu vào của ngành nuôi thương phẩm (con giống, thức ăn) giúp bà con nông dân dễ tiếp cận, có thể tham quan, tìm hiểu, học hỏi và ứng dụng vào việc nuôi trồng thực tế.

 
 Tôm thẻ chân trắng của nông dân thu hoạch đạt hiệu quả cao từ nguồn tôm giống của Công ty Nam Mỹ.

Năm 2020 và ước tính hết năm 2021, diện tích nuôi tôm trên địa bàn Quảng Nam xấp xỉ 3.000ha, trong đó, thâm canh nuôi tôm thẻ chân trắng trong ao nuôi lót bạt, vùng cao triều là 800ha, còn lại là nuôi tôm ở vùng triều ven sông.

Sản lượng tôm nuôi đạt 14.000 - 16.000 tấn/năm, giá trị kinh tế khoảng 1.400 - 1.600 tỷ đồng. Quảng Nam khuyến khích nuôi tôm VietGAP, nuôi tôm hữu cơ để đảm bảo sản phẩm sạch, đáp ứng các tiêu chí khắt khe của thị trường trong và ngoài nước.

Theo đó, kế hoạch đến năm 2030, diện tích nuôi tôm nước lợ toàn tỉnh đạt 2.800ha, trong đó nuôi tôm công nghệ cao khoảng 1.500ha; sản lượng nuôi tôm sẽ đạt 21.000 tấn/năm

 

.....................

Tác phẩm dự thi KHÁT VỌNG QUẢNG NAM

MỸ LINH - HOÀNG ĐẠO - HỒ QUÂN