Bảo vệ nguồn lợi thủy sản ở Đông Giang
Cùng với vận động, tuyên truyền và nâng cao ý thức người dân trong việc chung sức quản lý, bảo vệ nguồn lợi thủy sản trên các con sông suối, Công an huyện Đông Giang tăng cường tuần tra, kiểm soát, qua đó kịp thời phát hiện và xử lý các vụ vi phạm về khai thác thủy sản.
Nâng cao ý thức
Nhiều năm trước, Đông Giang được mệnh danh là “thủ phủ” của loài cá niên, cá chình và aploo - một loại cá quý hiếm vùng Trường Sơn Đông. Trên khắp các con sông, khe suối - môi trường sống của các loài cá được bảo vệ và gìn giữ giúp lượng cá đặc sản nhiều vô kể.
Tuy nhiên, vài năm trở lại đây, môi trường tự nhiên không còn như trước, thậm chí ô nhiễm nghiêm trọng khiến nhiều loại cá quý hiếm dần biến mất. Một số người ý thức kém đã sử dụng thuốc nổ, bình điện chích cá một cách vô tội vạ, hủy hoại môi trường sống tự nhiên.
Thượng tá Nguyễn Thái Hà - Phó Trưởng Công an huyện Đông Giang cho biết, cùng với tăng cường công tác quản lý địa bàn, thông qua việc thường xuyên tuần tra, kiểm soát, lực lượng chức năng tổ chức các cuộc vận động, tuyên truyền nâng cao nhận thức của người dân về bảo vệ nguồn lợi thủy sản. Trong đó, phát huy vai trò của các già làng, trưởng thôn, người có uy tín trong bảo vệ môi trường, bảo vệ nguồn lợi thủy sản.
“Lồng ghép trong các cuộc họp với dân, chúng tôi thông tin về tình trạng ô nhiễm nguồn nước, khiến nhiều loài cá quý hiếm của vùng dần biến mất, thậm chí là tuyệt chủng. Qua đó, để người dân nhận thấy tác hại của việc gây ô nhiễm môi trường tự nhiên, cũng như việc khai thác thủy sản một cách tận diệt như lâu nay đã ảnh hưởng rất lớn đến nguồn lợi chung, từ đó có hướng bảo tồn, từng bước nâng cao ý thức bảo vệ tốt hơn trong cộng đồng” - Thượng tá Nguyễn Thái Hà chia sẻ.
Đặc biệt kể từ khi thực hiện chủ trương đưa công an chính quy về cơ sở, lực lượng đã bám sát địa bàn, giúp người dân nâng cao hơn nhận thức và trách nhiệm của bản thân trong việc bảo vệ môi trong sống.
Không chỉ tình nguyện giao nộp bình điện chích cá, nhiều vụ đối tượng lạ lén lút khai thác cá bằng dụng cụ cấm được phát hiện, xử lý kịp thời nhờ tin báo của quần chúng nhân dân và cộng đồng.
Giữ nguồn lợi tự nhiên
Trưởng thôn A Sờ (xã Mà Cooih) - ông Alăng Diên cho hay, trước đây, do chưa nhận thức đầy đủ nên tại nhiều thôn, người dân thường dùng xung điện để chích cá, trang trải cuộc sống.
Qua nhiều năm, số lượng cá ít dần, sông suối cũng không còn sạch như trước. Chính quyền địa phương siết chặt công tác quản lý, đồng thời tăng cường công tác tuyên truyền đến từng hộ dân. Nhờ đó, cá tại các con sông, khe suối đã bắt đầu tái đàn trở lại trong niềm vui của người dân địa phương.
“Trong các buổi họp thôn, chúng tôi thường xuyên quán triệt người dân không tự ý sử dụng điện để chích cá. Bởi đây là cách khai thác tận diệt, bây giờ có lợi trước mắt nhưng đến đời con cháu sau này, lấy cá đâu nữa mà ăn. Vì thế, chúng tôi vận động những hộ dân có bình điện, mang dụng cụ này đến công an xã để giao nộp” - ông Diên nói.
Để phục hồi cá tự nhiên, những năm gần đây, chủ hồ thủy điện A Vương liên tục thả đàn cá giống xuống lòng hồ, giúp tái tạo đàn cá và giữ môi trường nước trong sạch. Không dùng điện để chích cá nữa, người dân địa phương chuyển sang dùng cần để câu, dùng lưới để bủa, bắt về những con cá to cải thiện cuộc sống.
Để nguồn thủy sản tự nhiên được bảo vệ tốt hơn, chính quyền địa phương thành lập các tổ tự quản tại các thôn làm nhiệm vụ kiểm soát và quản lý địa bàn, không để tái diễn tình trạng người dân lén lút khai thác nguồn lợi thủy sản khác một cách đại trà, tận diệt như trước đây.
Nhưng khi ý thức người dân chuyển biến rõ nét thì dưới lòng hồ thủy điện, thỉnh thoảng bắt gặp cá chết nổi lềnh bềnh không rõ nguyên nhân. Câu chuyện ngay lập tức được báo cáo lên chính quyền xã, rồi huyện.
Sau khi xác minh và từ nguồn tin của nhân dân, lực lượng chức năng xác định, cá chết là do có người lén lút dùng bình điện để… chích trộm nên đã lên phương án mật phục.
Trung tá Trần Quang Tuyến - Trưởng Công an xã Mà Cooih kể, sau nhiều đêm mật phục, vào tối 21.7.2021, Công an xã và lực lượng dân quân đã phát hiện 3 đối tượng lạ mặt, dùng ghe máy và bình điện loại lớn để chích cá trộm. Tại hiện trường, lực lượng chức năng thu giữ 31kg cá các loại, trong đó có cá aploo quý hiếm, cá bống tượng, cá tràu, cá chép… Các đối tượng khai nhận, quê ở xã Đại Đồng (Đại Lộc), đã nhiều lần lén khai thác cá tại lòng hồ thủy điện.
Sau khi tịch thu toàn bộ tang vật sử dụng để chích cá, cùng số lượng cá vi phạm, lực lượng chức năng tiến hành xử lý vi phạm hành chính, phạt các đối tượng số tiền 3 triệu đồng và yêu cầu ký cam kết không tái diễn hành vi. Tới đây, đơn vị sẽ tham mưu, phối hợp với các địa phương giáp ranh lân cận để bảo vệ nguồn lợi thủy sản và tài nguyên rừng được tốt hơn.