Tháo rào cản cho chuỗi liên kết nuôi tôm
Chuỗi nuôi tôm hàng hóa đang hình thành đã tạo động lực nâng cao hiệu quả kinh tế, tuy nhiên để nhân rộng rất cần tháo gỡ nhiều rào cản.
Đầu tư khép kín
Kỳ vọng nuôi tôm theo chuỗi của Công ty TNHH Đầu tư thủy sản công nghệ cao Nam Mỹ (Công ty Nam Mỹ) bước đầu thành sự thật.
Ngay khi sản xuất thành công giống tôm thẻ chân trắng ở Khu sản xuất, kiểm định giống thủy sản Quảng Nam (thôn Phương Tân, xã Bình Nam, Thăng Bình) hồi tháng 7.2021, Công ty Nam Mỹ đã đầu tư nuôi tôm thâm canh bằng công nghệ cao với nguồn giống do mình sản xuất ở thôn An Trân (xã Bình Hải, Thăng Bình) trên 26 ao nuôi.
Với nguồn lực dồi dào, Công ty Nam Mỹ đầu tư hoàn thiện hạ tầng ở vùng nuôi gồm điện, nước, hệ thống lắng, lọc, xử lý nước thải, các ao ương nuôi tôm giống trước khi sản xuất đại trà...
Công ty Nam Mỹ áp dụng nuôi tôm qua 3 giai đoạn. Tôm giống post 12 được ương nuôi mạnh khỏe, quen với môi trường nước trong vòng 1 tháng rồi đưa ra nuôi thương phẩm trong vòng 2 tháng.
Trong hệ thống ao nuôi lót bạt, Công ty Nam Mỹ sử dụng nhiều chế phẩm sinh học như chuối, sả, gừng, riềng để hạn chế các bệnh đường ruột cho tôm. Doanh nghiệp áp dụng công nghệ nuôi tảo, cấy tảo trong ao để giúp tôm sinh trưởng, phát triển tốt, ngăn chặn các yếu tố gây bệnh đột nhập ao nuôi. Thức ăn, thuốc, vật tư nuôi tôm đều được Công ty Nam Mỹ phối hợp với Công ty Grobest Việt Nam cung cấp.
“Khi thu hoạch tôm nuôi, chúng tôi sẽ đưa về nhà máy chế biến được đầu tư ở Bạc Liêu, Ninh Thuận, Hà Tĩnh, tạo các sản phẩm sạch để xuất khẩu. Chuỗi nuôi tôm càng khép kín thì hiệu quả kinh tế thu được càng lớn” - ông Quang nói.
Ông Trần Công Thành - chủ hộ nuôi tôm công nghiệp ở xã Tam Hòa (Núi Thành) cho biết, ông đã liên kết với Công ty C.P để tạo chuỗi nuôi tôm khép kín. Công ty C.P cung cấp tôm giống, vật tư nuôi tôm. Bằng nguồn lực của mình, thông qua Công ty C.P, ông Thành đã sang Thái Lan để tiếp cận công nghệ, kỹ thuật mới trong nuôi tôm, về áp dụng nuôi tôm sạch.
Theo ông, để thành công trong nuôi tôm, 2 yếu tố quan trọng nhất là tôm giống và môi trường nước. Về nguồn nước nuôi tôm, ông Thành sử dụng Chlorin và thuốc tím để xử lý ban đầu, sau đó lắng, lọc, làm sạch lần 2 rồi mới cho vào ao nuôi tôm thương phẩm. Ông Thành hiện nuôi tôm qua 4 giai đoạn bởi cho rằng, trong vòng 3 tháng phát triển, quá trình sinh trưởng của tôm diễn ra liên tục, phải thay đổi môi trường nước cho phù hợp.
Điều đặc biệt trong liên kết của ông Thành với Công ty C.P là doanh nghiệp chỉ mua tôm cỡ lớn, dưới 40 con/kg và sạch bệnh, đáp ứng các tiêu chí khó của thị trường châu Âu và Nhật Bản.
“Sau khi thu hoạch, nguyên liệu tôm thương phẩm được vận chuyển đến nhà máy chế biến ở tỉnh Thừa Thiên Huế, tạo sản phẩm xuất khẩu. Do quản lý chặt chẽ nên đến nay, chưa có lô hàng tôm nào bị nước bạn cảnh báo về chất lượng an toàn thực phẩm” - ông Thành nói. Với cách đầu tư trên, với 8 ao nuôi, mỗi vụ ông Thành thu được hàng tỷ đồng.
Liên kết và tạo quỹ đất
Nghề nuôi tôm trên địa bàn tỉnh hiện vẫn còn manh mún, nông hộ sản xuất riêng lẻ là chủ yếu. Ông Nguyễn Công Tạo (hộ nuôi tôm ở xã Bình Nam, Thăng Bình) cho biết, rất muốn kết hợp với các nông hộ trên địa bàn để thành lập hợp tác xã nuôi tôm nhưng các hộ dân không mặn mà vì sợ thiếu nhất quán trong quá trình tổ chức sản xuất.
“Nguồn lực của mỗi hộ dân nuôi tôm không đủ lớn để liên kết với doanh nghiệp, tạo chuỗi tôm nuôi. Tôi rất muốn liên kết tạo chuỗi tôm nuôi nhưng khi vay vốn, ngân hàng cho rằng phương án sản xuất tiềm ẩn rủi ro nên không cho vay” - ông Tạo nói.
Ông Dương Văn Hùng - Chủ tịch HĐQT Công ty CP Thủy sản Dương Hùng (Công ty Dương Hùng) đang liên doanh với Công ty Kim Hoàng sản xuất tôm giống ở Khu sản xuất, kiểm định giống thủy sản Quảng Nam đã kiến nghị và được UBND tỉnh cho chủ trương đầu tư nuôi tôm khép kín trên phạm vi 70ha ở khu vực Vũng Lắm (xã Tam Anh Bắc, Núi Thành) nhưng không thực hiện được.
Nguyên do là quỹ đất đã được quy hoạch vào mục đích phát triển kinh tế khác. Công ty Dương Hùng từng kỳ vọng vào chuỗi sản xuất nuôi tôm vì đã tự chủ nguồn tôm giống, đã có nhà máy chế biến thủy sản ở Bạc Liêu, Hà Tĩnh, Thừa Thiên Huế và có mối liên kết với các doanh nghiệp cung ứng thức ăn, vật tư thủy sản. Như vậy, cái khó để tạo chuỗi tôm nuôi còn ở chỗ quỹ đất.
Hiện Quảng Nam có đến hơn 2.000ha nuôi tôm nhưng nhỏ lẻ. Trong khi đó, quá trình tích tụ, tập trung ruộng đất để nuôi tôm hàng hóa còn nhiều trở lực do nông dân không mặn mà góp đất. Theo ông Dương Hùng, Sở NN&PTNT, Sở TN-MT cần phối hợp tham mưu UBND tỉnh đề xuất với trung ương sửa đổi cơ chế để khuyến khích nông hộ góp đất, tích tụ ruộng đất thành quỹ đất lớn để phối hợp với doanh nghiệp sản xuất tôm nuôi theo chuỗi.
Theo Chủ tịch UBND tỉnh Lê Trí Thanh, Quảng Nam khuyến khích, hỗ trợ thành lập các hợp tác xã, tổ hợp tác kiểu mới nên ngành nông nghiệp cần phối hợp với các địa phương tuyên truyền, vận động người dân phối hợp thành lập để có nguồn lực liên kết với doanh nghiệp, tạo chuỗi nuôi tôm hàng hóa. Một khi các hợp tác xã, tổ hợp tác đã thành lập, cần đào tạo, tập huấn nâng cao năng lực quản lý, tổ chức của đội ngũ cán bộ, phát huy vai trò liên kết sản xuất tôm nuôi theo chuỗi.