Nuôi tôm bền vững, bắt đầu từ con giống
Tín hiệu vui cho nghề nuôi tôm thẻ chân trắng trên địa bàn là Quảng Nam đã tự sản xuất, cung ứng tôm giống ra thị trường, xóa bỏ tình trạng phụ thuộc vào tôm giống ngoại tỉnh nhập về. Tuy vậy, còn cả chặng đường dài để tôm giống được sản xuất ở Quảng Nam đạt chuẩn an toàn dịch bệnh.
Khởi đầu thuận lợi
Từ nguồn vốn 60 tỷ đồng, Công ty TNHH Đầu tư thủy sản công nghệ cao Nam Mỹ (Công ty Nam Mỹ, Khu Sản xuất, kiểm định giống thủy sản Quảng Nam, thôn Phương Tân, xã Bình Nam, Thăng Bình) đã đầu tư 3 khu nuôi tôm bố mẹ, 256 hồ ương dưỡng tôm giống cùng các khu lắng nước, lọc nước, xử lý thức ăn cho tôm bố mẹ, tôm giống, khu xét nghiệm, khu sản xuất đông trùng hạ thảo để trộn vào thức ăn nuôi tôm...
Ông Hồ Văn Thu - Giám đốc sản xuất Công ty Nam Mỹ cho biết đã nhập 600 cặp tôm bố mẹ về từ Hawaii (Mỹ) để sản xuất tôm giống. Chất lượng của nguồn giống bố mẹ được kiểm soát chặt chẽ. Khi vận chuyển tôm bố mẹ xuống sân bay, Cục Chăn nuôi & thú y (Bộ NN&PTNT) đến lấy mẫu xét nghiệm, kiểm định chất lượng rồi mới cho vận chuyển về.
Khi về đến Quảng Nam, Chi cục Chăn nuôi & thú y vùng IV (TP.Đà Nẵng) đến kiểm định lần nữa rồi mới cho đưa vào sản xuất tôm giống. Trong suốt quá trình sản xuất giống, các post tôm liên tục được lấy mẫu xét nghiệm, kiểm định đảm bảo chất lượng mới cho xuất bán ra thị trường.
Ngày 12.6, 600 cặp tôm bố mẹ của Công ty Nam Mỹ đẻ lần đầu tiên. Đến ngày 18.6, trứng tôm được đưa vào sản xuất giống. Ngày 7.7, các post tôm giống đầu tiên được bán cho các nông hộ ở xã Cẩm Thanh (Hội An), xã Bình Hải (Thăng Bình).
Là một trong những hộ đầu tiên lấy tôm giống của Công ty Nam Mỹ về nuôi, ông Lê Trương Hà (ở thôn Thanh Đông, xã Cẩm Thanh, Hội An) cho biết: “Tôi nuôi tôm thẻ chân trắng trên 2 ao nuôi có diện tích 1.000m2. Nghe Công ty Nam Mỹ bán tôm giống, sau khi tìm hiểu kỹ, tôi quyết định mua 100 nghìn con tôm giống post 12 để nuôi. Giá cả phải chăng, chỉ tốn 12,2 triệu đồng, khá rẻ so với tôm giống của Việt Úc hay CP. Nếu vụ này nuôi tôm thành công tôi sẽ giới thiệu cho các hộ nuôi tôm khác đến mua giống về nuôi, kỳ vọng vụ mùa đạt”.
Ông Nguyễn Văn Quang - Giám đốc Điều hành Công ty Nam Mỹ cho biết, doanh nghiệp đạt quy mô sản xuất, cung ứng ra thị trường 2,1 tỷ con giống tôm thẻ chân trắng mỗi năm, đang mở rộng để có thể tăng lên 3 tỷ con giống vào năm 2022. Công ty Nam Mỹ đã ứng dụng công nghệ mới vào sản xuất tôm giống với quy trình khép kín thông qua nuôi cấy tảo thuần chủng trong hệ thống tuần hoàn, ương nuôi ấu trùng bằng công nghệ vi sinh, ứng dụng kỹ thuật sinh học phân tử để chẩn đoán, xét nghiệm bệnh tôm.
Công ty Nam Mỹ đang liên kết với Công ty Grobest Việt Nam để mua thức ăn nuôi tôm đồng thời thuận tiện cung ứng tôm giống ra thị trường. Hiện tại, ở Khu Sản xuất, kiểm định giống thủy sản Quảng Nam, Công ty CP Giống thủy sản Kim Hoàng đang phối hợp với Công ty CP Thủy sản Dương Hùng hoàn tất các công đoạn cuối cùng để sản xuất và cung ứng tôm giống trong tháng 8 này.
Nhiều việc phải làm
Chủ tịch UBND tỉnh Lê Trí Thanh cho biết, Quảng Nam đã tạo mọi điều kiện thuận lợi để giúp doanh nghiệp đầu tư, sản xuất tôm giống. Kỳ vọng của tỉnh là phát triển nghề nuôi tôm bền vững và tiền đề là sản xuất tôm giống sạch tại chỗ. Để nghề nuôi tôm thành công cần tổng hợp nhiều yếu tố, nhưng trước hết phải là con giống - điều kiện cần đầu tiên.
Con giống chuẩn, sạch bệnh, chất lượng thì nghề nuôi tôm có rất nhiều thuận lợi để phát triển bền vững. Trong điều kiện phát triển khoa học công nghệ hiện nay, các doanh nghiệp sản xuất tôm giống cần cải tiến quy trình sản xuất, quản lý sản xuất để đạt các tiêu chuẩn trong nước và quốc tế.
Công ty Nam Mỹ đang áp dụng các chuẩn BMP, VietGAP, Global GAP về sản xuất tôm giống sạch nhưng chưa đạt chuẩn an toàn dịch bệnh. Để đạt được tiêu chuẩn này, doanh nghiệp phải phối hợp với các đơn vị đầu ngành xây dựng chương trình giám sát dịch bệnh nghiêm ngặt với nhân sự, thiết bị, công nghệ được đầu tư bài bản hơn.
Ngoài việc đảm bảo 2 năm liền không có dịch bệnh, doanh nghiệp bắt buộc phải truy xuất được nguồn gốc sản phẩm, chủ động nguồn tôm bố mẹ chất lượng cao, đặc biệt, lưu trữ đầy đủ thông tin về thức ăn, con giống và các hoạt động sản xuất liên quan. Ông Hồ Văn Thu cho biết, sẽ đầu tư lớn hơn nữa trong thời gian đến để được công nhận chuẩn an toàn dịch bệnh.
Ở Khu Sản xuất, kiểm định giống thủy sản Quảng Nam đến thời điểm này, doanh nghiệp đã sản xuất, cung ứng con giống tôm thẻ chân trắng ra thị trường nhưng ngành chức năng vẫn chưa thể thực hiện kiểm định chất lượng tôm giống.
Theo quy định, Chi cục Chăn nuôi & thú y của tỉnh thực hiện kiểm tra các điều kiện về vệ sinh thú y, kiểm soát các yếu tố liên quan đến dịch bệnh nhưng chưa thực hiện được. Tương tự, Chi cục Thủy sản có trách nhiệm kiểm tra các quy trình sản xuất tôm giống nhưng các điều kiện về phòng xét nghiệm, chứng chỉ chứng minh năng lực của đội ngũ cán bộ còn thiếu.
Về vấn đề này, ông Ngô Tấn - Phó Giám đốc Sở NN&PTNT đề xuất UBND tỉnh trang bị phòng xét nghiệm, nâng cao trình độ của đội ngũ cán bộ để có thể kiểm định tại chỗ đối với tôm giống nói riêng, giống thủy sản nói chung, qua đó thay cho vai trò đang thực hiện của Chi cục Chăn nuôi & thú y vùng IV, giúp giảm chi phí, thuận lợi cho doanh nghiệp và người nuôi tôm.