Vươn khơi mùa dịch bệnh
Khai thác hải sản trong mùa Covid-19 diễn biến phức tạp nên ngư dân Quảng Nam nghiêm túc thực hiện các biện pháp phòng tránh dịch bệnh; tuy vậy, hệ lụy giá hải sản xuống thấp khiến họ lo lắng.
Ứng phó dịch bệnh
Cảng cá Tam Quang (Núi Thành) những ngày này tấp nập tàu cá ra vào cảng nhưng ngư dân không lơ là phòng chống dịch bệnh. Sau khi cùng các bạn biển vận chuyển cá lên bờ, ngư dân Bùi Ngọc Dững (thôn Bình Trung, xã Tam Hải, Núi Thành) - chủ tàu cá QNa-91926 hành nghề lưới vây chia sẻ, qua thông tin được biết tình hình dịch bệnh Covid-19 khá phức tạp nên hầu hết ngư dân chấp hành nghiêm quy định về phòng chống dịch, kể cả lúc hoạt động trên biển cũng như khi vào đất liền.
Qua I-com, các tàu luôn hỏi năm thông tin về diễn biến dịch bệnh để chủ động sản xuất, bán hải sản, mua nhiên liệu, các nhu yếu phẩm khác cho chuyến biển tiếp theo. Nếu phát hiện các hiện tượng, tình huống khả nghi về dịch bệnh, sẽ thông báo ngay cho lực lượng biên phòng, chính quyền địa phương để ứng phó nhanh. Tại cảng cá Tam Quang, các quy định về khoảng cách, khử khuẩn, khai báo y tế, không tập trung, khẩu trang được các ngư dân tuân thủ.
Tương tự, mỗi ngày, tại cảng cá An Hòa (xã Tam Giang, Núi Thành), hàng chục lượt phương tiện và hàng trăm ngư dân ra vào mua bán, vận chuyển hải sản. Ông Ngô Văn Định - Phó Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản kiêm phụ trách cảng cá An Hòa cho biết, để thực hiện tốt công tác phòng chống dịch bệnh Covid-19, công tác tuyên truyền luôn được chú trọng. Chi cục phối hợp với chính quyền xã Tam Giang vận động ngư dân ký cam kết thực hiện chặt chẽ các biện pháp phòng chống dịch bệnh, trong khai thác hải sản không vượt quá ranh giới của vùng biển Việt Nam.
“Chúng tôi luôn phối hợp chặt chẽ với Đồn Biên phòng Cửa khẩu cảng Kỳ Hà để kiểm soát tàu cá trước khi cập cảng. Các tàu mang biển kiểm soát của TP.Đà Nẵng, tỉnh Quảng Ngãi - nơi có diễn biến xấu về dịch bệnh tạm thời không được cập cảng. Khi vào cảng, ngư dân phải khai báo y tế. Nếu xuất hiện trường hợp có dấu hiệu nghi ngờ, chúng tôi phối hợp với Trạm Y tế xã Tam Giang, lực lượng phòng chống dịch bệnh của huyện Núi Thành để lấy mẫu xét nghiệm hoặc cách ly” - ông Định nói.
Khó đầu ra
Qua mùa trăng, các tàu cá của ngư dân Quảng Nam lần lượt xuất bến, sản xuất xa bờ ở ngư trường Hoàng Sa, Trường Sa. Ngư dân Bùi Ngọc Dững cho biết, do ảnh hưởng dịch bệnh, giá hải sản xuống thấp chưa từng thấy. Giá cá nục, cá ngừ loại 1 chỉ được đầu nậu, tư thương thu mua với giá 30 nghìn đồng/kg, cá các loại 2, 3 rớt giá mạnh hơn, chỉ xấp xỉ 20 nghìn đồng/kg.
Cách ứng phó của ông Dững là ở chuyến biển tiếp theo sẽ cập bờ sau các tàu cá khác để hạn chế tình trạng cung quá cầu. Theo ông Dững, chuyến biển sẽ tăng từ 20 ngày lên 25 ngày, kỳ vọng sẽ thu được lượng hải sản cao hơn trước. Vì tăng thời gian bám biển nên công tác bảo quản hải sản phải chú trọng hơn, đá cây xay thật nhuyễn, hầm bảo quản vệ sinh thật kỹ, sơn lại để tránh xây xát cá, mực.
Ông Nguyễn Đình Toàn - Trưởng phòng Khai thác & phát triển nguồn lợi thủy sản (Chi cục Thủy sản) cho biết, trong 2 năm gần đây, sản lượng hải sản ngư dân khai thác được giảm thấp, trong khi đó do dịch bệnh nên giá hải sản đầu ra rớt giá khiến ngư dân khó càng thêm khó.
“Ngành thủy sản chỉ có thể giúp đỡ ngư dân hoàn thiện các hồ sơ, thủ tục để được nhận hỗ trợ nhiên liệu đi và về của 4 chuyến biển trong năm. Mong các địa phương ven biển rà soát khó khăn của ngư dân để đề xuất hình thức hỗ trợ ngư dân thiết thực, vượt qua khó khăn do đại dịch” - ông Toàn nói.
Bên cạnh khó khăn của ngư dân, doanh nghiệp chế biến hải sản cũng ảnh hưởng vì thiếu nguyên liệu chế biến. Ông Đoàn Tấn Vinh - Phó Giám đốc Công ty TNHH Thương mại Thuận Nhân Phát (xã Tam Quang, Núi Thành) cho biết, vì sản phẩm hàng hóa xuất khẩu nên chỉ có thể chọn lọc nguyên liệu thật tốt để mua.
Hiện tại, hàng hóa từ Quảng Ngãi và Đà Nẵng không dễ ra vào nên khó mua nguyên liệu. Trong khi đó, doanh nghiệp không thể tự tổ chức để mua hải sản của ngư dân khai thác được vì không thể mua hết hải sản bất kể loại 1, loại 2 hay loại 3. Đơn vị chỉ có thể mua hải sản tốt của đầu nậu nhưng rất khan hiếm vào thời điểm này.