Tổ chức lại nghề cá theo hướng bền vững

VIỆT NGUYỄN 27/07/2021 09:54

Căn cứ vào Nghị quyết số 19/2016/NQ-HĐND ngày 19.7.2016 (Nghị quyết 19) của HĐND tỉnh về quy hoạch phát triển ngành thủy sản Quảng Nam đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2030, ngành thủy sản đánh giá các thành quả, điểm yếu để có định hướng, nhiệm vụ, giải pháp tái cơ cấu nghề cá đến năm 2030.   

Sản lượng khai thác hải sản toàn tỉnh vượt chỉ tiêu của Nghị quyết 19 đề ra. Ảnh: VIỆT NGUYỄN
Sản lượng khai thác hải sản toàn tỉnh vượt chỉ tiêu của Nghị quyết 19 đề ra. Ảnh: VIỆT NGUYỄN

Nhiều thách thức

Theo thống kê của Sở NN&PTNT, năm 2020, trên địa bàn tỉnh có 3.039 phương tiện khai thác hải sản, vượt kế hoạch đề ra theo Nghị quyết 19 là giảm phương tiện nghề cá còn 3.700 chiếc vào năm 2020.

Đáng nói hơn, trong khi số lượng tàu thuyền sản xuất ven bờ giảm mạnh thì số tàu công suất lớn, sản xuất xa bờ tăng lên, đến năm 2020 đã vượt con số kỳ vọng theo Nghị quyết 19 (là 750 tàu cá). Đến năm 2020, sản lượng khai thác hải sản toàn tỉnh đạt 91.500 tấn, vượt chỉ tiêu của Nghị quyết 19 đề ra (là 85.000 tấn). Giá trị sản xuất ngành khai thác hải sản năm 2020 đạt 2.700 tỷ đồng, vượt 200 tỷ đồng so với nghị quyết (2.500 tỷ đồng). 

Tuy nhiên, nghề cá vẫn đối diện nhiều thách thức. Trước hết là chi phí đầu vào (lương thực, thực phẩm, đá cây, xăng dầu...) ngày càng tăng cao; trong khi đó, do tác động xấu của đại dịch Covid-19, giá hải sản đầu ra của ngư dân lại giảm.

Theo khảo sát, đánh giá của Viện Nghiên cứu Hải sản (Bộ NN&PTNT), trữ lượng, nguồn lợi hải sản ở các ngư trường Hoàng Sa, Trường Sa ngày càng giảm dần. Nguồn lợi cá nổi - sản phẩm chính của nhiều nghề khai thác chủ lực Quảng Nam như lưới vây, lưới chụp, câu mực khơi phụ thuộc vào thời tiết, thay đổi thủy văn khiến cho sản lượng khai thác có xu hướng giảm dần. 

Mục tiêu nghề cá đến năm 2030 là nâng giá trị khai thác hải sản đạt 3.500 tỷ đồng với sản lượng đạt 95.000 tấn. Quảng Nam lên kế hoạch tăng đội tàu khai thác xa bờ và viễn dương lên 1.000 tàu, giảm phương tiện sản xuất ven bờ còn 2.300 chiếc; ứng dụng khoa học kỹ thuật tiên tiến vào nghề cá; xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu phục vụ quản lý, chỉ đạo, điều hành khai thác hải sản.

Cùng với sự chuyển dịch cơ cấu kinh tế, một bộ phận lao động nghề cá chuyển sang ngành dịch vụ, du lịch trên đất liền, lực lượng lao động mới bù đắp ít, số lượng tàu cá lại tăng nhanh nên tình trạng thiếu lao động nghề cá ngày càng trầm trọng.

Áp lực về lao động buộc các chủ tàu phải tìm đến những lao động ít có kinh nghiệm nghề cá hoặc lao động già dẫn đến nhiều hệ lụy về hiệu quả sản xuất, an toàn lao động. Đáng ngại hơn, rất hiếm có chuỗi liên kết khai thác - bảo quản - chế biến - tiêu thụ hải sản trên địa bàn tỉnh nên giá trị gia tăng của hải sản còn thấp.  

Chiến lược mới

Ông Ngô Tấn - Phó Giám đốc Sở NN&PTNT cho biết, UBND tỉnh giao nhiệm vụ cho sở thực hiện chiến lược tái cơ cấu nghề cá từ nay đến năm 2030 để phát triển bền vững, hiện đại.

Theo đó, để đưa nghề khai thác hải sản trở thành mũi nhọn trong kinh tế thủy sản, sẽ cơ cấu lại, có hình thức tổ chức sản xuất hợp lý, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả, nhất là khả năng cạnh tranh cao trên thị trường xuất khẩu. Định hướng nghề cá là gắn mục tiêu phát triển kinh tế với bảo vệ nguồn lợi, môi trường sinh thái, nâng cao thu nhập, mức sống của cộng đồng ngư dân, góp phần giữ vững an ninh trên vùng biển đảo của Tổ quốc.

Theo ông Nguyễn Quốc Dũng - cán bộ phụ trách thủy sản của UBND xã Tam Quang (Núi Thành), mô hình tổ, đội đoàn kết sản xuất trên biển phát huy hiệu quả, giúp ngư dân khai thác hải sản tốt, cần được nhân rộng. Hiện nay, vẫn có nhiều tàu ngắt liên lạc với trạm bờ khi sản xuất ở các vùng biển giáp ranh giữa nước ta với nước bạn. Vì vậy, ngành thủy sản cần có giải pháp giám sát hành trình tất cả tàu cá sản xuất ở các ngư trường. Ngành chức năng cần có cơ chế, chính sách hỗ trợ ngư dân trang bị hầm bảo quản tàu cá bằng vật liệu PU, có vậy mới đảm bảo được mục tiêu giảm tổn thất sau thu hoạch nghề cá dưới 10%.

“Mô hình đội tàu khai thác hải sản gắn với dịch vụ hậu cần, sơ chế hải sản, bán sản phẩm sau khai thác đã phát huy hiệu quả trên phạm vi cả nước. Quảng Nam cần khuyến khích, hỗ trợ ngư dân học hỏi, tiếp thu nhằm tăng thời gian bám biển, giảm chi phí đầu vào, nâng cao hiệu quả chuyến biển” - ông Dũng nói.

Bà Phạm Thị Hoàng Tâm - Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản Quảng Nam, cho biết đang tổ chức lại khâu quản lý tàu cá, nghề đánh bắt hải sản, mùa vụ khai thác, ngư trường để phù hợp với khả năng cho phép khai thác hải sản ở từng vùng biển, qua đó giảm cường lực khai thác, bảo vệ, duy trì, tái tạo phát triển nguồn lợi hải sản.

“Chúng tôi tổ chức lại hệ thống dịch vụ hậu cần nghề cá, xây dựng, phát triển các mô hình liên kết, liên doanh gắn với các khâu trong quá trình sản xuất, từ khai thác, bảo quản đến chế biến và tiêu thụ sản phẩm theo hướng chia sẻ lợi ích giữa ngư dân với các tổ chức, doanh nghiệp, bảo đảm tiêu thụ hải sản ổn định, nhất là xuất khẩu, nâng cao giá trị hải sản sau khai thác” - bà Tâm nói.

VIỆT NGUYỄN