Cần nỗ lực hơn để gỡ “thẻ vàng” thủy sản
(QNO) - Sáng nay 13.7, Ban chỉ đạo quốc gia về chống khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo và không đúng quy định (IUU) tổ chức hội nghị trực tuyến toàn quốc đánh giá kết quả thực hiện trong thời gian qua, các giải pháp trong thời gian đến để gỡ “thẻ vàng” thủy sản do Ủy ban châu Âu (EC) phạt nước ta gần 4 năm qua. Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành - Trưởng ban Chỉ đạo chủ trì hội nghị.
Không ít bất cập
Ngày 23.10.2017, EC cảnh báo “thẻ vàng” đối với hoạt động khai thác IUU, đưa ra 9 khuyến nghị yêu cầu Việt Nam phải thực hiện để gỡ “thẻ vàng” thủy sản. Đến nay, cả nước đã triển khai đạt hiệu quả nhiều khuyến nghị, như Luật Thủy sản ra đời, thực hiện đã cụ thể hóa nhiều nội dung pháp lý.
Tuy vậy, nhiều bất cập vẫn tồn tại đến thời điểm này. Lắp đặt thiết bị giám sát hành trình (GSHT) tàu cá có chiều dài từ 15m trở lên ở 28 tỉnh, thành có nghề cá đạt 87,45% (26.915/30.778 tàu cá). Tại Quảng Nam, đến nay, số tàu đã lắp đặt thiết bị GSHT tàu cá là 630/724 tàu (87%).
Đáng nói hơn, tính từ cuối năm 2020 trở về trước, nhiều tàu cá trên phạm vi cả nước đã ngắt kết nối thiết bị GSHT khi đang sản xuất trên các vùng biển xa, ở Quảng Nam là 60 tàu cá. Theo bà Phạm Thị Hoàng Tâm - Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản Quảng Nam, đến nay, nhiều trường hợp tàu cá vẫn còn ngắt kết nối thiết bị GSHT, nhất là khi đã vượt quá ranh giới cho phép khai thác hải sản của nước ta.
Hội nghị đã phân tích nhiều nguyên nhân dẫn đến bất cập trên. Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến cho rằng, ý thức của thuyền trưởng, chủ tàu cá còn hạn chế. Việc vận hành hệ thống giám sát tàu cá từ Trung ương đến địa phương phục vụ cho kiểm tra, xử phạt hành chính chưa đảm bảo thông suốt, kịp thời, hiệu quả.
“Cơ quan quản lý tàu cá của các địa phương chưa thật sự nâng cao năng lực, phương thức quản lý. Công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho cộng đồng ngư dân còn hạn chế” - ông Phùng Đức Tiến nói.
Công tác truy xuất nguồn gốc hải sản từ khai thác (kiểm soát tàu cá ra vào cảng cá, bốc dỡ hải sản tại cảng, chứng nhận, xác nhận nguồn gốc hải sản) tại nhiều tỉnh, thành còn hạn chế, chưa đảm bảo độ tin cậy.
Quảng Nam có cảng cá An Hòa (xã Tam Giang, Núi Thành) đủ điều kiện truy xuất nguồn gốc hải sản nhưng chỉ tập kết các tàu câu mực khơi - xuất khẩu tiểu ngạch sang Trung Quốc, không phải truy xuất nguồn gốc hải sản. Trong khi đó, cảng cá Tam Quang (Núi Thành) - phục vụ hậu cần nghề cá cho cả khu vực duyên hải miền Trung - đã hoạt động nhiều năm nay nhưng chưa đủ điều kiện truy xuất nguồn gốc hải sản nên công tác này còn bỏ ngỏ.
Nhiều việc phải làm
Theo Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hồ Quang Bửu, Quảng Nam hiện có 83 tàu cá có chiều dài từ 15m trở lên nhưng lắp đặt máy thủy có công suất dưới 90CV, chưa trang bị thiết bị GSHT nên bắt buộc phải cải hoán trong thời gian đến. Ngành thủy sản của tỉnh đã yêu cầu các địa phương rà soát, đôn đốc các chủ tàu thuộc nhóm này lắp đặt thiết bị GSHT, thực hiện đăng kiểm, cấp giấy phép khai thác hải sản, đảm bảo các quy định theo Luật Thủy sản, đáp ứng được các điều kiện an toàn kỹ thuật tàu cá để sản xuất xa bờ an toàn.
Trong số 45 tàu cá của Quảng Nam có chiều dài từ 24m trở lên, có 11 tàu cá chưa lắp đặt máy GSHT là do “nằm bờ”. Khi đi vào sản xuất trên các vùng biển Hoàng Sa, Trường Sa trong thời gian đến, ngành thủy sản sẽ giám sát, buộc các tàu phải trang bị đầy đủ máy GSHT theo quy định.
Quảng Nam vẫn chưa thực hiện truy xuất nguồn gốc hải sản theo khuyến cáo của EC có nguyên nhân từ việc cộng đồng doanh nghiệp không có nhu cầu truy xuất nguồn gốc. Vả lại, cơ sở hạ tầng cảng cá Tam Quang chưa đáp ứng yêu cầu của Bộ NN&PTNT về công bố cảng cá.
Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành yêu cầu Quảng Nam cũng như các địa phương có nghề cá nghiên cứu ứng dụng công nghệ thông tin, xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu chung, kết nối giữa các đơn vị liên quan, tăng cường hơn nữa giám sát, truy xuất nguồn gốc toàn bộ chuỗi khai thác, chế biến, xuất khẩu hải sản đảm bảo tính hợp pháp, độ tin cậy của cộng đồng doanh nghiệp nước ngoài. Cùng với đó là ưu tiên nguồn lực, đầu tư, hoàn thiện cơ sở hạ tầng cảng cá để được Bộ NN&PTNT công bố mở cảng.
Trong năm 2020, lực lượng thanh tra chuyên ngành thủy sản phát hiện, bắt quả tang 32 vụ vi phạm của ngư dân, phạt tiền hơn 229 triệu đồng, thu 8 bộ kích điện, 7 bình ắc quy, 2 lưới giã điện. Trong 6 tháng đầu năm 2021, ngành chức năng bắt quả tang 17 vụ vi phạm, phạt tiền hơn 123 triệu đồng. Trong đó, văn phòng kiểm soát nghề cá tiếp nhận, xử lý 40 trường hợp tàu cá mất kết nối thiết bị GSHT, phạt tiền 70 triệu đồng.