Khó quản lý nghề giã cào
Nghề giã cào tận diệt nguồn lợi nhưng khó quản lý, khó chuyển nghề. Bất cập này khiến nghề cá Quảng Nam khó phát triển bền vững như định hướng.
Khó quản lý
Trên địa bàn tỉnh hiện còn 148 tàu giã cào được Chi cục Thủy sản Quảng Nam cấp phép trước đây. Từ năm 2015 đến nay, ngành chức năng không cấp phép cho các tàu hành nghề giã cào, nhưng thực tế là không ít ngư dân đã mua tàu giã cào ở Quảng Ngãi về đánh bắt hải sản không phép.
Số lượng không nhỏ tàu giã cào vẫn lén lút hoạt động trên biển do nguyên nhân từ việc toàn tỉnh không có trạm kiểm soát biên phòng ở vùng bãi ngang ven biển. Không phải xuất trình các loại giấy phép khai thác hải sản với ngành biên phòng, các tàu giã cào ngang nhiên đánh bắt hải sản.
Ông Ngô Tấn - Phó Giám đốc Sở NN&PTNT cho biết, nếu lực lượng thanh tra thủy sản của Chi cục Thủy sản phát hiện tàu giã cào hoạt động không phép sẽ phạt ở mức 80 triệu đồng, nhưng việc này hiếm khi xảy ra. “Thời gian gần đây, các tàu giã cào không phép có “tai mắt” khắp nơi, hễ lực lượng thanh tra, kiểm ngư tuần tra, kiểm soát là các tàu này nấp kỹ. Khi lực lượng chức năng rời đi, các chủ tàu giã cào lại tiến hành khai thác” - ông Ngô Tấn nói.
Chi cục Thủy sản Quảng Nam cho biết, cả 148 tàu giã cào được cấp phép đều có chiều dài từ 12m đến dưới 15m, theo quy định của Luật Thủy sản, các tàu này phải đánh bắt hải sản ở tuyến lộng, nhưng hiện vẫn đánh bắt ở vùng biển ven bờ. Trước đây, khi còn tàu kiểm ngư, đột xuất tiến hành tuần tra, kiểm soát, ngành thủy sản đã không ít lần lập biên bản xử phạt hoạt động trái phép của tàu giã cào nhưng ký giấy xử phạt xong rồi... để đó.
Bà Phạm Thị Hoàng Tâm - Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản cho biết, các chủ tàu giã cào khăng khăng không có tiền để nộp phạt ở mức từ 40 triệu đồng đến 80 triệu đồng nên xin bỏ qua, hứa sẽ không tái diễn. Không thể giữ mãi tàu của ngư dân, ngành chức năng đành nhắc nhở không được lặp lại sai phạm rồi cho qua.
Thực hiện 3 chuyến phối hợp tuần tra, kiểm soát trên biển với lực lượng biên phòng và bảo tồn biển Cù Lao Chàm (xã đảo Tân Hiệp, TP.Hội An) từ đầu năm đến nay, Chi cục Thủy sản đã xử phạt 19 vụ việc vi phạm của các tàu cá, gồm khai thác hải sản sai tuyến, ngư dân đi biển không có tên trong sổ danh bạ thuyền viên, viết số đăng ký tàu cá không đúng quy định...
Thế nhưng ông Nguyễn Văn Khánh - Phó Trưởng phòng phụ trách Phòng Thanh tra - pháp chế (Chi cục Thủy sản) cho biết từ đầu năm đến nay không xử phạt được tàu giã cào nào vì “họ né tránh rất giỏi”.
Chưa hỗ trợ chuyển nghề
Nghề giã cào được các cộng đồng ngư dân trên địa bàn tỉnh gọi là “hung thần” trên biển. Lưới của nghề này rất nhỏ lại thả sâu, kéo sát đáy biển nên không chỉ tận diệt hải sản mà còn phá nát ngư lưới cụ của các nghề khai thác hải sản khác.
Ông Lê Văn Hiệp - Phó Trưởng phòng NN&PTNT huyện Núi Thành cho biết, thay vì sản xuất ở tuyến lộng, hầu hết tàu giã cào đi vào khu vực biển ven bờ để đánh bắt hải sản vì thao tác lưới thuận tiện hơn. Đã nhiều lần, ngành thủy sản phối hợp với các địa phương ven biển trên địa bàn vận động ngư dân chuyển nghề nhưng không hiệu quả. “Hỗ trợ kinh phí giúp ngư dân theo nghề giã cào chuyển nghề thì cấp huyện không thực hiện được, trông chờ cả vào cấp tỉnh” - ông Hiệp nói.
Nhiều ngư dân theo nghề giã cào cho biết, lên bờ làm nghề khác thì không có vốn liếng; muốn chuyển sang nghề khác phải đầu tư lại ngư lưới cụ, cải hoán tàu cá quá tốn kém.
Ông Nguyễn Đình Toàn - Trưởng phòng Khai thác và phát triển nguồn lợi (Chi cục Thủy sản) cho biết, rất khó thực hiện đề án hỗ trợ chuyển nghề cho ngư dân theo nghề giã cào. Nếu hỗ trợ kinh phí cho 148 tàu đã được cấp phép thì vẫn còn tàu giã cào hoạt động ở các vùng biển Quảng Nam vì không thể kiểm soát hết các tàu giã cào không phép.
Cả nước đều có động thái giảm thiểu hoạt động của nghề giã cào nhưng chưa có tỉnh thành nào thực hiện đề án hỗ trợ kinh phí giúp ngư dân thôi hoạt động nghề giã cào vì quá khó triển khai. Định hướng nghề cá của tỉnh là phát triển bền vững, khai thác đi đôi với bảo vệ nguồn lợi.
Để hạn chế tàu giã cào tận diệt nguồn lợi hải sản ven bờ, trước mắt, ngành thủy sản tập trung tuần tra, kiểm soát trên biển hiệu quả hơn, phát hiện, xử phạt mạnh các trường hợp sai phạm để đủ sức răn đe. Về lâu dài, sẽ phải xây dựng đề án chuyển nghề thiết thực, phát huy hiệu quả trên thực tế.