Tìm cách xử lý nợ xấu "tàu 67"

VIỆT NGUYỄN 30/06/2021 07:22

Nợ xấu khi ngư dân vay vốn của các ngân hàng thương mại trên địa bàn tỉnh để đóng tàu theo Nghị định 67 đã tồn tại dai dẳng lâu nay nên rất cần được gỡ khó.

Hàng loạt “tàu 67” là tàu vỏ thép vướng nợ xấu ngân hàng. Ảnh: VIỆT NGUYỄN
Hàng loạt “tàu 67” là tàu vỏ thép vướng nợ xấu ngân hàng. Ảnh: VIỆT NGUYỄN

Nợ xấu chiếm hơn 40%

Triển khai Nghị định 67, các tổ chức tín dụng trên địa bàn tỉnh đã ký kết hợp đồng, giải ngân hơn 719 tỷ đồng để ngư dân đóng mới 63 tàu, nâng cấp 2 tàu công suất lớn. Theo thống kê của Ngân hàng Nhà nước chi nhánh Quảng Nam, đến hết tháng 5.2021, doanh số thu nợ của các ngân hàng thương mại hơn 65 tỷ đồng. Đến nay, nợ xấu “tàu 67” hơn 258 tỷ đồng, chiếm 40,12%. 

“Tàu 67” khó càng thêm khó

Do vướng nợ xấu, hàng loạt “tàu 67” là tàu vỏ thép trên địa bàn tỉnh không được nhận hỗ trợ của ngân sách để duy tu, bảo dưỡng nên ngày càng xuống cấp. Không chỉ vậy, không duy tu, bảo dưỡng định kỳ thì tàu vỏ thép không được đăng kiểm, không đủ điều kiện ra khơi, phải nằm bờ, không có nguồn thu trả nợ nên nợ xấu càng thêm chồng chất, khó giải quyết. 

Hiện nay, Bảo Việt Quảng Nam - đơn vị thực hiện bảo hiểm “tàu 67” trên địa bàn tỉnh đã ngưng bán bảo hiểm theo Nghị định 67 với mức hỗ trợ 50% chi phí. Nhiều chủ “tàu 67” do sản xuất kém hiệu quả, không đủ kinh phí mua bảo hiểm thông thường nên sẽ không được bồi thường khi không may gặp sự cố khi đang sản xuất ở các vùng biển xa.

Có thực tế là hàng loạt “tàu 67” ở TP.Hội An, Duy Xuyên, Thăng Bình, Núi Thành nằm bờ do sản xuất kém hiệu quả. Một số “tàu 67” thỉnh thoảng đi biển xa bờ để chủ tàu nhắn tin về trạm bờ, làm thủ tục nhận hỗ trợ nhiên liệu với mức 400 triệu đồng/4 chuyến biển/năm, qua đó trả một phần nợ cho ngân hàng thương mại.

Ngư dân Trần Công Chi (xã Bình Minh, Thăng Bình) - chủ tàu vỏ thép QNa-94989 cho biết, đã chuyển từ nghề lưới rê hỗn hợp qua lờ lươn rồi sang lưới chụp nhưng sản xuất bấp bênh, chuyến đạt thì ít, chuyến lỗ tổn thì nhiều.

“Không thể sửa chữa lỗi thiết kế khiến con tàu mất cân bằng nên rất khó thao tác đánh lưới khi sóng cao. Nguồn lợi hải sản ở các vùng biển xa cạn kiệt dần; chi phí chuyến biển ngày một tăng lên... nên chúng tôi gặp nhiều khó khăn” - ông Chi nói.

Một khó khăn trong thu hồi nợ “tàu 67” là ngân hàng mặc dù phối hợp chặt chẽ với cán bộ phụ trách thủy sản ở các địa phương, các đầu nậu thu mua hải sản nhưng vẫn khó kiểm soát thu nhập của các chủ “tàu 67” bởi họ bán hải sản ở nhiều nơi.

Bà Vũ Thị Tố Nga - Phó Giám đốc BIDV chi nhánh Quảng Nam cho biết, ngay cả các chủ tàu “tàu 67” sản xuất đạt vẫn chây ỳ trả nợ. Có 2 cách xử lý tài sản bảo đảm (con “tàu 67”) là đề nghị cơ quan thi hành án dân sự kê biên, phát mãi hoặc thỏa thuận, giao chủ tàu tự bán tàu cá thông qua đấu giá nhưng đều không hiệu quả vì ngư dân không có nhu cầu mua. Sở dĩ ngư dân không mặn mà mua “tàu 67” cũ là do phải gánh toàn bộ dư nợ của chủ tàu cũ trong khi đó, giá trị của tàu cũ ngày càng đi xuống.

Gỡ vướng

Mới đây, Bộ NN&PTNT với dự thảo Nghị định về một số chính sách phát triển thủy sản đã đề xuất ngân sách nhà nước cấp bù toàn bộ lãi vay của chủ tàu cũ khi bàn giao “tàu 67” cho ngư dân khác để khuyến khích các chủ tàu mới mua lại các “tàu 67” cũ.

Chủ tàu mới sau khi nhận chuyển nhượng tàu cũ sẽ được chọn một trong hai phương án hỗ trợ từ ngân sách là chọn nhận hỗ trợ 1 lần sau đầu tư hoặc nhận hỗ trợ cấp bù lãi suất. Nội dung mới này được xem là cách hữu hiệu để gỡ nút thắt về việc không thể bán “tàu 67” tồn tại bấy lâu nay.

Về điều này, ông Phạm Trọng - Phó Giám đốc phụ trách Ngân hàng Nhà nước chi nhánh Quảng Nam cho biết, đang yêu cầu các tổ chức tín dụng khẩn trương tổng hợp danh sách các “tàu 67”, thông tin trên phạm vi cả nước để ngư dân nào có nhu cầu thì liên hệ để chuyển nhượng, mua sử dụng.

“Trung ương cần có cơ chế để Bộ Quốc phòng có thể tiếp nhận các “tàu 67” nằm bờ, chuyển đổi công năng sử dụng vì các mục đích liên quan đến quốc phòng. Đó là cách tháo gỡ khó khăn về nợ xấu “tàu 67”, thuận cho ngân hàng và tiện cho ngư dân” - ông Phạm Trọng nói.

Ông Nguyễn Quốc Dũng - cán bộ phụ trách thủy sản của UBND xã Tam Quang (Núi Thành) cho biết địa phương thường xuyên tuyên truyền, vận động các chủ “tàu 67” trả nợ ngân hàng vì con tàu được hình thành từ vốn vay của ngân hàng, Nhà nước cấp bù lãi suất chứ không phải cho ngư dân con tàu thông qua ngân hàng thương mại.

“Các ngành chức năng của tỉnh cần đề xuất với Trung ương có dự báo nguồn lợi trúng hơn, hướng dẫn để ngư dân sản xuất đạt hiệu quả. Ngành thủy sản cần du nhập nghề mới, giúp ngư dân tiếp cận, thay thế một số nghề sản xuất không hiệu quả” - ông Dũng nói.

Một số ý kiến cho rằng, các cơ quan trung ương cần sớm thống nhất cơ chế cho phép chuyển nhượng các “tàu 67” sang thực hiện hậu cần ở vùng biển xa bờ. Khi cho phép “tàu 67” chuyển sang thực hiện hậu cần thì các tàu này ra khơi bán dầu, cung cấp nhu yếu phẩm và vận chuyển hải sản về đất liền. Lúc đó chi phí của cả tàu đánh bắt và tàu hậu cần sẽ được giảm xuống, tạo ra lợi nhuận để các chủ tàu trả nợ ngân hàng.

VIỆT NGUYỄN