Lúng túng giám sát hành trình tàu cá
Quảng Nam đang gặp khó về kiểm soát, xử lý tàu cá sai phạm trong khai thác hải sản khi điều kiện về vật chất, nhân lực, cơ chế... vẫn chưa đồng bộ.
Bị động
Luật Thủy sản 2017 (hiệu lực thi hành từ năm 2019) có nhiều nội dung cụ thể hóa các khuyến nghị của Ủy ban châu Âu (EC) về gỡ “thẻ vàng” thủy sản. Theo quy định, mọi tàu cá có chiều dài từ 15m trở lên bắt buộc phải lắp đặt, bật tín hiệu máy giám sát hành trình (GSHT) khi sản xuất ở các vùng biển xa.
Tuy vậy, nhiều tàu cá sản xuất xa bờ của ngư dân Quảng Nam đã tắt thiết bị GSHT, vượt quá ranh giới khai thác hải sản cho phép. Đáng nói, đến nay mới chỉ có 5 trường hợp bị xử phạt ở mức 20 - 30 triệu đồng/trường hợp.
Bà Phạm Thị Hoàng Tâm - Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản Quảng Nam cho rằng, ngành chức năng chỉ có thể xử phạt khi tàu cá của ngư dân Quảng Nam bị nước ngoài bắt giữ sau khi vượt quá ranh giới cho phép.
Trong khi đó, đến nay Quảng Nam vẫn chưa có tàu cá bị nước ngoài bắt giữ. Cụ thể, theo quy định, tàu cá bị mất tín hiệu GSHT khi đang hoạt động trên biển thì phải về đất liền sửa chữa trong vòng 10 ngày mới được tiếp tục đi biển, đánh bắt hải sản ở các vùng biển xa. Ngành chức năng chỉ mới xử phạt ngư dân theo quy định này sau khi đã nhắc nhở lần đầu.
“Bộ NN&PTNT cần chỉ đạo các đơn vị cung cấp máy GSHT trên tàu cá quản lý chặt chẽ hơn về chất lượng máy, hạn chế trường hợp máy mất tín hiệu không do tác động của ngư dân. Cùng với đó, ban hành cơ sở pháp lý rõ ràng hơn để xử lý các trường hợp ngư dân vượt quá ranh giới cho phép” - bà Tâm nói.
Cũng theo quy định của Luật Thủy sản, tất cả tàu cá có chiều dài từ 15m trở lên bắt buộc phải sản xuất ở vùng biển xa bờ. Tuy vậy, nhiều tàu cá theo nghề giã cào, lưới vây có chiều dài từ 15m trở lên của ngư dân Quảng Nam lại hoạt động chủ yếu ở tuyến lộng, thậm chí ven bờ.
Ông Ngô Văn Định - Phó Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản Quảng Nam cho biết, do tàu kiểm ngư đã bị hỏng nên không thể thanh tra, tuần tra, giám sát, phát hiện và xử lý nghiêm trường hợp vi phạm ngư trường, tuyến. Nhiều ngư dân theo nghề giã cào cho hay, họ không thể sản xuất xa bờ được vì đặc thù kéo lưới ở tầng đáy. Trong khi đó, các chủ tàu lưới vây cho biết, cá cơm không hoạt động ở các vùng biển xa bờ nên chỉ có thể đánh bắt ở tuyến lộng.
Đẩy mạnh tuyên truyền
Ông Lê Xuân Tới - Phó Chủ tịch UBND xã Bình Minh (Thăng Bình) - địa phương có nhiều phương tiện hành nghề lưới vây cho biết, đang phối hợp với ngành nông nghiệp của tỉnh, huyện cũng như huy động hội nông dân, các đoàn thể đẩy mạnh tuyên truyền, vận động ngư dân tuân thủ các quy định về ngư trường, tuyến đánh bắt.
Đối với các nghề khai thác hải sản xa bờ khác như lưới vây, câu mực khơi, lưới rê, lưới chụp, địa phương tổ chức tập huấn, tuyên truyền cho ngư dân về Luật Thủy sản và các quy định trong chống khai thác bất hợp pháp, không báo cáo, không theo quy định (IUU); đặc biệt, tập huấn kỹ năng dùng bản đồ để phân chia ranh giới cụ thể của các vùng biển Việt Nam giúp ngư dân không đánh bắt hải sản ở vùng biển thuộc nước bạn.
“Chúng tôi vận động các chủ tàu cá xa bờ ký cam kết không xâm phạm vùng biển nước ngoài để ngư dân ghi nhớ, thực hiện” - ông Tới cho hay.
Tại hội nghị trực tuyến toàn quốc về nghề cá được Bộ NN&PTNT tổ chức mới đây, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến cho rằng, để phát triển nghề cá bền vững phải khẩn trương kiểm soát, xử lý nghiêm tàu cá sai phạm, kiên quyết rút giấy phép, thậm chí cấm biển đối với tàu cá vi phạm nhiều lần.
Các chủ tàu cá bắt buộc phải lắp đặt thiết bị GSHT trên tàu; cơ quan chức năng phải kiên quyết không cho tàu cá chưa có GSHT xuất bến. Đối với nghề giã cào, cần đẩy mạnh tuyên truyền đi đôi với xây dựng lộ trình chuyển đổi nghề phù hợp.