Núi Thành mở lối mới cho nghề nuôi trồng thủy sản
Khác với trước đây, trong nuôi thủy sản nước lợ, đối tượng nuôi chủ yếu của nông dân huyện Núi Thành là tôm thẻ chân trắng, nay có thêm các đối tượng nuôi khác như tôm sú, cua, tôm rảo, ngao, cá rô phi đơn tính, cá bớp, cá chim vây vàng, cá măng, cá chẽm, rong câu chỉ vàng… Điều này bước đầu phá thế độc canh con tôm, góp phần cải thiện môi trường, hạn chế dịch bệnh và nâng cao hiệu quả kinh tế cho nghề nuôi trồng thủy sản nước lợ.
Trong nuôi trồng thủy sản nước ngọt, ngoài các đối tượng nuôi truyền thống như cá mè, trắm, chép… còn có nhiều đối tượng mới được nông dân Núi Thành đưa vào nuôi như cá chim trắng, trê lai, tràu lai, chép lai, ba ba, ếch Thái Lan… đem lại hiệu quả khá cao.
Ông Lê Văn Hiệp - Phó Trưởng phòng NN&PTNT huyện Núi Thành cho hay, cùng với đa dạng hóa đối tượng nuôi, người nuôi trồng thủy sản trên địa bàn huyện áp dụng nhiều hình thức nuôi phong phú như nuôi trong ao đất, nuôi lồng, nuôi hồ chứa thủy lợi, nuôi trong bể xi măng.
Đặc biệt là phong trào đầu tư nâng cấp ao đất vùng triều lên nuôi tôm thẻ lót bạt thâm canh cho năng suất và hiệu quả kinh tế cao; phong trào nuôi cá lồng bè với nhiều đối tượng nuôi mới có giá trị trong vùng quy hoạch bước đầu mang lại kết quả khả quan. Năm 2020, toàn huyện nuôi trồng trên tổng diện tích mặt nước 1.580ha, sản lượng đạt 8.200 tấn, trong đó sản lượng tôm 7.000 tấn.
Những năm gần đây, huyện Núi Thành chú trọng công tác chỉ đạo thời vụ nuôi tôm, phòng chống dịch bệnh, thẩm định phương án kỹ thuật nuôi tôm và xử lý môi trường. Đến nay, huyện đã thẩm định và cấp giấy xác nhận cho 338 cơ sở đảm bảo đủ điều kiện nuôi tôm thẻ lót bạt với tổng diện tích 67,6ha.
Phòng NN&PTNT huyện Núi Thành phối hợp với Công ty TNHH Tầm nhìn Chất lượng PROQ tư vấn, hướng dẫn xây dựng áp dụng quy phạm VietGAP cho cơ sở nuôi tôm thẻ chân trắng của ông Mai Văn Thanh (xã Tam Xuân 2) trên diện tích 7ha, gồm 14 ao nuôi, 3 ao lắng và 1 ao chứa bùn.
Qua mô hình đã giúp chủ cơ sở nuôi tôm thấy được những hạn chế để tiến hành cải tạo, nâng cấp cơ sở hạ tầng, đáp ứng yêu cầu VietGAP. Đồng thời biết cách quản lý thức ăn, cho ăn, chất lượng nước nuôi và sức khỏe tôm nuôi theo yêu cầu VietGAP.
Từ mô hình này, huyện Núi Thành cũng đã tổ chức tập huấn về “Quy phạm VietGAP trong nuôi trồng thủy sản” cho 180 chủ nuôi tôm ở các xã Tam Tiến, Tam Hòa, Tam Xuân 2. Qua đó góp phần giúp người nuôi tôm nâng cao kiến thức về nuôi trồng thủy sản thương phẩm, hạn chế các rủi ro về mầm bệnh và dịch bệnh lây lan trong cộng đồng vùng nuôi thủy sản.
Phòng NN&PTNT huyện Núi Thành còn xây dựng mô hình nuôi cá chim vây vàng bằng lồng bè cho hộ ông Hoàng Anh Thi (thôn Hòa Bình, xã Tam Hòa). Kết quả, ông Thi thu được 3 tấn cá chim vây vàng, thu lãi hơn 200 triệu đồng.
Phó Chủ tịch UBND huyện Núi Thành - Ngô Đức An cho biết, năm 2021 và những năm tiếp theo huyện chú trọng quy hoạch các vùng nuôi tôm sạch tập trung an toàn để làm cơ sở xây dựng thương hiệu tôm sạch Núi Thành đủ sức cạnh tranh trên thị trường quốc tế. Xây dựng và tổ chức triển khai phương án thành lập các vùng nuôi trồng thủy sản bền vững trên cơ sở ứng dụng quy tắc nuôi tôm có trách nhiệm theo tiêu chuẩn BMP/GAqP/CoC hoặc VietGAP.
Tổ chức tham quan, tập huấn, hội thảo, xây dựng các mô hình khuyến ngư nuôi trồng thủy sản, liên kết với các Viện, Trung tâm nghiên cứu, ứng dụng khoa học để chuyển giao các tiến bộ kỹ thuật, giống mới cho người nuôi trồng thủy sản. Huyện cũng tăng cường quảng bá, liên kết tiêu thụ sản phẩm nuôi trồng thủy sản, tránh tình trạng “được mùa, mất giá” như thường gặp trước đây.