Giá vật tư nuôi tôm tăng cao

NGUYỄN QUANG 23/06/2021 07:11

Người nuôi tôm nước lợ trên địa bàn tỉnh đang bước vào vụ nuôi mới và khá lo lắng về hiệu quả kinh tế khi giá vật tư đầu vào tăng cao.

Người nuôi tôm đang lo lắng khi giá vật tư đầu vào tăng cao. Ảnh: VIỆT NGUYỄN
Người nuôi tôm đang lo lắng khi giá vật tư đầu vào tăng cao. Ảnh: VIỆT NGUYỄN

Đồng loạt tăng giá thức ăn

Đi dọc đường Thanh niên ven biển vào những ngày này sẽ thấy rất nhiều hộ dân ở các xã Tam Thanh (Tam Kỳ), Tam Tiến, Tam Hòa, Tam Hải (Núi Thành) cải tạo ao nuôi, thay thế hoặc sửa chữa hệ thống dẫn nước từ biển vào, sửa chữa máy quạt, khơi thông dòng chảy từ ao dẫn nước thải ra sông,... để bước vào vụ nuôi tôm thẻ chân trắng mới. Tuy nhiên các chủ hồ nuôi thổ lộ rằng họ lo lắng khi giá vật tư tăng cao sẽ ảnh hưởng đến hiệu quả kinh tế nếu đến cuối mùa thu hoạch giá tôm không tăng so với hiện nay.

Ông Ngô Thế Khải (thôn Hà Lộc, xã Tam Tiến) cho biết, từ tháng 3 đến nay, giá thức ăn nuôi tôm tăng liên tục. Cụ thể, từ tháng 3, Công ty CP Chăn nuôi CP Việt Nam tăng 1.500 đồng/kg thức ăn cho tôm. Từ tháng 4, Công ty TNHH Grobest Industrial Việt Nam áp giá bán mới với tất cả sản phẩm thức ăn nuôi tôm ở mức cao hơn trước gần 1.500 đồng/kg. Tương tự, Công ty TNHH Tongwei cũng đã tăng giá thức ăn tôm từ tháng 5 với mức tăng hơn 1.500 đồng/kg.

“Bây giờ thức ăn nuôi tôm đều ở mức hơn 40 nghìn đồng/kg, trong khi đó, giá tôm đầu ra chỉ ở mức 80 nghìn đồng/kg. Còn bao nhiêu chi phí khác như công lao động, con giống, các loại thuốc nuôi tôm... cùng các vật tư nuôi tôm đầu vào tăng quá nhanh trong những ngày qua, e rằng nuôi tôm không có lãi” - ông Khải nói.

Một trong những bất cập khiến cho vật tư nuôi thủy sản tăng giá chóng mặt và không đảm bảo chất lượng là do trên địa bàn tỉnh thiếu chuỗi liên kết trong nuôi tôm. Nếu hình thành chuỗi liên kết nuôi tôm, bắt buộc doanh nghiệp sẽ cung ứng vật tư nuôi thủy sản với giá cả hợp lý, chất lượng đảm bảo để người nuôi tôm thành công rồi doanh nghiệp sẽ bao tiêu sản phẩm đầu ra, thu mua, chế biến tôm thương phẩm chất lượng, xuất khẩu ra nước ngoài hoặc cung cấp cho thị trường nội địa cao cấp.

Đáng lo về chất lượng

Một thực trạng khác đáng lo ngại về vật tư nuôi tôm là chất lượng. Mới đây, Chi cục Thủy sản tổ chức các đợt thanh tra, kiểm tra, xử lý trường hợp kinh doanh, buôn bán vật tư nuôi thủy sản không đảm bảo quy định. Theo đó, đã xử phạt 6 cơ sở với tổng số tiền 38,5 triệu đồng

Cụ thể, có 4 sản phẩm men vi sinh của 4 cơ sở không đảm bảo chất lượng, gồm sản phẩm men vi sinh CP Bio Plus của Công ty CP Chăn nuôi CP Việt Nam bán ở Tam Kỳ, sản phẩm men vi sinh Pro One của Công ty TNHH Visa bán ở Thăng Bình, sản phẩm men vi sinh Bon lis của Công ty TNHH Sando bán ở Núi Thành và sản phẩm men vi sinh Bio Zyme của Công ty TNHH Đầu tư Eco bán ở cơ sở thuộc huyện Núi Thành.

Ngoài ra, còn có 1 cơ sở bán sản phẩm vật tư nuôi thủy sản ngoài danh mục đăng ký và 1 cơ sở bán sản phẩm vật tư nuôi thủy sản chưa được Bộ NN&PTNT cấp mã số lưu hành. 

Ông Nguyễn Hữu Trường - Trưởng phòng Nuôi trồng thủy sản (Chi cục Thủy sản) cho biết, khi phát hiện các sản phẩm vật tư nuôi thủy sản không đảm bảo chất lượng, ngành chức năng đã yêu cầu cơ sở kinh doanh cấm lưu hành; với các lỗi khác, cơ sở phải khắc phục các sai phạm mới được tiếp tục kinh doanh trong thời gian đến.

“Vật tư nuôi thủy sản là yếu tố đầu vào, có vai trò rất quan trọng, tác động lớn đến sự thành công hay thất bại của vụ nuôi tôm. Chúng tôi sẽ tiếp tục tổ chức các đợt thanh tra, kiểm tra khác để xử lý các sai phạm, ổn định môi trường buôn bán vật tư nuôi thủy sản, bảo vệ người nuôi tôm” - ông Trường nói.

NGUYỄN QUANG