Nắng nóng, tôm nuôi chết hàng loạt

NGUYỄN QUANG 27/05/2021 07:58

Nắng nóng gay gắt những ngày qua khiến tôm nuôi trên địa bàn tỉnh chết hàng loạt; ngành chức năng khuyến cáo nông hộ cẩn trọng, chăm sóc kỹ tôm nuôi để hạn chế thiệt hại, thua lỗ.

Nhiều diện tích tôm chết trong những ngày qua. Ảnh: VIỆT NGUYỄN
Nhiều diện tích tôm chết trong những ngày qua. Ảnh: VIỆT NGUYỄN

Thiệt hại nặng

Tôm chết hàng loạt trong nhiều ao nuôi tôm trên địa bàn thôn Quý Ngọc (xã Tam Phú, TP.Tam Kỳ) do thời tiết nắng nóng. Ông Trần Văn Thế (ở thôn Quý Ngọc) cho biết, tôm thẻ chân trắng đã nuôi được 2 tháng, gần đây đồng loạt ngoi lên mặt nước để thở, rồi chưa đầy tiếng đồng hồ sau là chết khi toàn thân đỏ hồng.

“Nếu tôm không chết đột ngột thì gần tháng nữa là tôi thu hoạch. Mấy vụ trước thua lỗ, hy vọng vụ này có thể trả nợ nhưng lại thất thu” - ông Thế nói.

Tôm thẻ chân trắng trong nhiều ao nuôi trên địa bàn huyện Núi Thành gần đây cũng chết đột ngột, nhiều nhất là tại các xã Tam Hòa, Tam Giang, Tam Tiến. Ông Lê Văn Hiệp - Phó Trưởng phòng NN&PTNT huyện Núi Thành cho biết, tôm chết hàng loạt do thời tiết quá nắng nóng, tôm bị sốc nhiệt.

Trong tháng 4 vừa qua, tại huyện Núi Thành có 30ha tôm bị các bệnh đốm trắng, hoại tử gan tụy cấp. Sau khi ngành nông nghiệp địa phương đề xuất hỗ trợ, Chi cục Chăn nuôi & thú y đã tham mưu Sở NN&PTNT hỗ trợ 1.500kg Chlorine để Núi Thành dập dịch, hạn chế lây lan trên diện rộng.

Những ngày qua, tôm thẻ chân trắng cũng chết nhiều ở các huyện Thăng Bình (xã Bình Dương, Bình Giang), Duy Xuyên (xã Duy Thành, Duy Vinh), TP.Hội An (xã Cẩm Thanh, phường Cẩm Nam). Thống kê của Chi cục Thủy sản, đến nay, đã có 83ha ao nuôi tôm xảy ra hiện tượng tôm nuôi chết hàng loạt.

Bà Hoàng Thị Kim Yến - Phó Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi & thú y cho biết: “Chúng tôi đã phối hợp với ngành chức năng của địa phương lập biên bản tại các ao nuôi có tôm chết, yêu cầu người dân đóng cống và xử lý ổ dịch”.

Cần xử lý tốt ao nuôi

Sau khi tôm chết hàng loạt, nông dân tiếp tục cải tạo ao nuôi để có thể tái sản xuất. Ông Trương Thế Vinh (thôn Vĩnh Nam, xã Duy Vinh, Duy Xuyên) cho biết, rất thận trọng khi nuôi tôm trở lại trên 3 ao có diện tích 9 sào. Sau dịch bệnh, tăng thời gian phơi ao nuôi tôm từ 10 ngày lên 20 ngày để diệt hết các yếu tố dịch hại.

“Cái khó nhất của nông dân nuôi tôm quy mô nhỏ là không đủ điều kiện mua tôm giống chất lượng trực tiếp tại các công ty mà phải qua trung gian là các đại lý phân phối thức ăn, vật tư nuôi tôm. Họ có cấp giấy kiểm dịch chất lượng tôm giống nhưng không đủ tin tưởng vì làm giả rất dễ” - ông Vinh nói.

Bà Hoàng Thị Kim Yến phân tích, do thời tiết nắng nóng kéo dài mà hầu hết ao nuôi tôm của nông hộ có độ sâu không đảm bảo, phần lớn chỉ khoảng 1,2m nên môi trường nước tăng nhiệt độ rất nhanh. Vì vậy, khi nuôi tôm trở lại, cần duy trì mực nước trong ao nuôi hơn 1,5m; tăng cường quạt nước giúp tạo ô xy, tránh hiện tượng phân tầng trong ao nuôi. Nông hộ cần nuôi tôm với mật độ vừa phải để dễ chăm sóc và quản lý. Cùng với đó là thường xuyên theo dõi các chỉ tiêu môi trường nước trong ao nuôi, tăng cường sức đề kháng cho tôm bằng men vi sinh, các loại vitamin, khoáng chất.

Ông Nguyễn Hữu Trường - Trưởng phòng Nuôi trồng thủy sản (Chi cục Thủy sản) cho rằng, tôm thẻ chân trắng là động vật thủy sản rất nhạy cảm với sự thay đổi của thời tiết, nhất là trong mùa nắng nóng. Vì vậy, nông hộ nên thả giống tôm nuôi khi nhiệt độ nước dưới 30 độ C.

Cho tôm ăn với khẩu phần hợp lý theo kích cỡ và mật độ tôm nuôi, khi nắng nóng cần giảm 15 - 30% lượng thức ăn và bổ sung thêm khoáng vi lượng để tăng hệ miễn dịch. Đồng thời kiểm tra, duy trì các yếu tố môi trường trong ngưỡng thích hợp để tôm sinh trưởng, phát triển thuận lợi.

Ông Ngô Tấn - Phó Giám đốc Sở NN&PTNT cho biết, thời gian tới, 2 nhiệm vụ quan trọng giao ngành thủy sản thực hiện là tăng cường giám sát và quan trắc, cảnh báo môi trường để hỗ trợ nông hộ nuôi tôm nước lợ ứng phó thích hợp với các tình huống.

NGUYỄN QUANG