Ngư dân lo vụ cá chính
Ngư dân trên địa bàn tỉnh đang đối diện với nhiều khó khăn trong vụ sản xuất chính (từ ngày 1.4 đến ngày 30.9) khi sản lượng đạt thấp, giá hải sản tụt giảm.
Nhiều tàu cá của ngư dân Quảng Nam đang thất thu trong vụ cá chính. Ngư dân Huỳnh Văn Tâm (thôn Trung Toàn, xã Tam Quang, Núi Thành) - chủ tàu cá QNa-90363 có công suất 718CV cho biết, chuyến biển 16 ngày ở ngư trường Hoàng Sa chỉ thu được hơn 7 tạ mực lá và 10 tạ cá dũa, bán được tổng cộng 100 triệu đồng, thu chỉ đủ bù chi. “Chuyến biển thứ 2 của vụ chính mất mùa. Chuyến biển đầu cũng thất thu. Sản xuất rất khó khăn” - anh Tâm nói.
Không chỉ lo lắng vì thất thu, ngư dân Huỳnh Văn Tâm còn đau đầu vì khó giữ chân bạn biển. Quen sản xuất bằng nghề lưới rê hỗn hợp với 10 lao động, anh Tâm phải kiêm thêm nghề câu tay khi thiếu bạn biển.
“Khi đủ lao động thì tôi đánh bắt hải sản bằng nghề lưới rê còn khi thiếu lao động thì tôi đi câu. Với những chuyến biển mất mùa liên tiếp, tôi chỉ mong được hỗ trợ dầu, chờ những ngày sản xuất đạt hơn” - anh Tâm cho biết thêm.
Ở huyện Thăng Bình, nhiều ngư dân cũng đang lo về vụ sản xuất chính. Những ngày qua, ngư dân Trần Công Thu (thôn Tân An, xã Bình Minh, Thăng Bình) - chủ tàu cá QNa-94664 phải đi bạn cho các tàu cá cùng địa phương vì thiếu lao động.
“Nghề lưới rê hỗn hợp ăn nên làm ra trong nhiều năm qua nhưng nay cầm cự sản xuất vì trữ lượng ngày càng ít. Một số chuyến biển trong vụ sản xuất chính chỉ thu được mực xà có giá trị kinh tế thấp, còn mực nang, mực ống, mực lá có giá trị kinh tế cao thì rất hiếm” - anh Thu nói.
Ngư dân đang đối diện với khó khăn kép, hải sản vừa mất mùa vừa mất giá. Hiện tại, giá cá nục loại 1 dao động ở mức 30 - 35 nghìn đồng/kg, cá ngừ sọc dưa 25 - 35 nghìn đồng/kg, các loại mực ống, mực nang, mực lá 100 - 150 nghìn đồng/kg.
Bà Tăng Thị Minh Tân - chủ cơ sở thu mua hải sản Ngọc Tuyển ở cảng cá Tam Quang (Núi Thành) cho biết, do dịch bệnh Covid-19 bùng phát, hải sản rất khó chuyển đến các đầu mối chế biến hải sản xuất khẩu ở Khánh Hòa, TP.Đà Nẵng, TP.Hồ Chí Minh nên giá giảm rất sâu. “Chúng tôi chỉ mong dịch bệnh được kiểm soát để sản xuất, chế biến, tiêu thụ hải sản lại đi vào nền nếp, tăng giá trở lại” - bà Tân nói.
Một khó khăn nữa, theo nhiều ngư dân từ khi phía Trung Quốc vô lý ban hành lệnh cấm đánh bắt cá ở Biển Đông, các loại tàu lớn ngang ngược xua đuổi, thậm chí tấn công tàu cá của ngư dân Quảng Nam. Ngư dân Phạm Quốc (thôn Đông Xuân, xã Tam Giang, Núi Thành) - chủ tàu lưới chụp QNa- 91574 có công suất 718CV cho biết: “Quá trình đánh bắt hải sản gián đoạn, nhiều khi dò tìm được đàn cá lớn hoạt động, đang đánh bắt thì phải vội vã thu lưới do tàu Trung Quốc ập đến”.
Ông Trần Quang Kiến - Chủ tịch Hội nghề cá Quảng Nam cho biết, đang phối hợp với các địa phương, các cơ quan thông tin, truyền thông của tỉnh để đẩy mạnh tuyên truyền ngư dân kiên tâm khai thác hải sản ở các vùng biển xa của Tổ quốc.
Khi ra khơi, ngư dân nên sản xuất theo mô hình tổ, đội đoàn kết sản xuất trên biển để kịp thời tương trợ nhau trước sự ngang ngược, manh động của tàu Trung Quốc. Các cơ quan chức năng của Nhà nước, lực lượng chấp pháp luôn đồng hành, tiếp sức, trợ giúp ngư dân vượt qua khó khăn trước mắt, chú tâm đánh bắt hải sản hiệu quả trong vụ cá chính này.