Vụ chính khai thác hải sản: Ngư dân gặp khó

VIỆT NGUYỄN 01/04/2021 06:49

Ở vụ cá chính này (1.4 - 30.9), ngư dân Quảng Nam đối diện với tình trạng thiếu bạn biển và sản lượng khai thác khó đạt như kỳ vọng khi nguồn lợi hải sản ở các vùng biển xa ngày càng sụt giảm.

Ngư dân trong tỉnh chuẩn bị ra khơi khai thác hải sản vụ chính trong năm. Ảnh: VIỆT NGUYỄN
Ngư dân trong tỉnh chuẩn bị ra khơi khai thác hải sản vụ chính trong năm. Ảnh: VIỆT NGUYỄN

Thiếu lao động

Đầu mùa biển này, tàu làm nghề lưới vây có công suất 718CV của ngư dân Ngô Văn Điệp (thôn An Hải Tây, xã Tam Quang, Núi Thành) ra khơi với chỉ 5 bạn biển. “Vàng lưới vây của tôi có thể đánh bắt hải sản trong vòng 2km, thả sâu đến 200m, cần đến 15 lao động. Thiếu bạn biển, không có lựa chọn nào khác nên tôi ra khơi với chỉ chừng ấy lao động, khó còn hơn để tàu nằm bờ” - ông Điệp nói.

Khi sản xuất ở ngư trường Hoàng Sa, mặc dù các lao động hỗ trợ, phối hợp, thay phiên nhau thao tác mọi công đoạn nhưng tàu của ông Điệp khó phát huy hết năng lực khai thác. Mặc dù có tời kéo lưới nhưng thiếu lao động nên chỉ với công đoạn đưa cá lên tàu cũng gặp khó. Trước đây, tàu của ông Điệp có thể vây bắt được 15 tấn cá chỉ với 1 mẻ lưới còn ở nhiều chuyến biển đã qua, tối đa chỉ đạt 7 -10 tấn sau hơn 15 ngày bám biển.

Ở xã Bình Minh (Thăng Bình), đội tàu sản xuất xa bờ hiện có 57 phương tiện, chủ yếu hành nghề câu mực khơi và lưới chụp. Ông Lê Xuân Tới - Phó Chủ tịch UBND xã Bình Minh cho biết, với nghề câu mực khơi, vì cần đến 40 - 45 lao động cho chuyến biển mà trên địa bàn lại thiếu lao động nên nhiều chủ tàu phải vào Quảng Ngãi hay ra TP.Đà Nẵng mời gọi bạn biển đi câu mực. Nghề lưới chụp được ngư dân địa phương triển khai cũng từ nguyên nhân thiếu lao động đi biển. Nhiều tàu lưới vây đã được ngư dân cải hoán, chuyển đổi sang nghề lưới chụp vì lượng lao động ít hơn đến 2/3.

Ngư dân Ngô Văn Điệp cho biết, ra khơi vụ chính với nghề lưới vây chỉ có 5 lao động. Ảnh: VIỆT NGUYỄN
Ngư dân Ngô Văn Điệp cho biết, ra khơi vụ chính với nghề lưới vây chỉ có 5 lao động. Ảnh: VIỆT NGUYỄN

Theo ông Lê Xuân Tới, nghề cá địa phương “đặc biệt” ở chỗ, cha đóng tàu lớn để khai thác hải sản xa bờ nhưng lại hối thúc con theo học lớp đào tạo nghề để xuất khẩu sang Hàn Quốc đi biển.

“Chênh lệch thu nhập rất lớn, đi biển ở mình thu được trung bình vài triệu/tháng nhưng đi xuất khẩu phục vụ nghề cá nước ngoài thì thu được 40 - 50 triệu đồng/tháng. Trên địa bàn thiếu lao động nhưng bù lại nhiều gia đình ngư dân giàu lên nhờ cho con đi biển ở nước ngoài” - ông Tới cho biết.

Ông Ngô Tấn - Phó Giám đốc Sở NN&PTNT cho rằng, có 2 mối lo lớn ở nghề cá Quảng Nam là thiếu lao động và lao động được đào tạo sâu quá ít. Mỗi năm, khi các cơ quan chức năng của tỉnh, huyện phối hợp với Trường Đại học Nha Trang tổ chức các lớp đào tạo thuyền trưởng, máy trưởng thì ngư dân ít mặn mà tham gia khi cho rằng bám biển quanh năm không có thời gian theo học.

Theo ông Ngô Tấn, lao động nghề biển đang ngày càng già đi. Lao động trẻ lại thiếu gắn bó với nghề biển vì rủi ro cao, thời tiết khắc nghiệt..., đó cũng là quy luật chung, nhiều tỉnh cũng vậy. Ngành tiếp tục hỗ trợ các địa phương động viên ngư dân bám biển đi đôi với đào tạo nghề để tránh tàu cá nằm bờ và cụ thể hóa chủ trương phát triển ngày càng chuyên sâu nghề cá.

Trữ lượng giảm sút

Tính toán phương án “cấm biển”

Bộ NN&PTNT đang tính đến các phương án “cấm biển”. Theo đó, yêu cầu các địa phương có nghề cá chấm dứt tuyệt đối các nghề khai thác hải sản hủy diệt như nghề lồng bẫy bát quái, nghề xiệc điện, xung điện... Các nghề lưới kéo, pha xúc cấm khai thác ở vùng ven bờ đến tuyến lộng, cấm đánh bắt trong mùa cá sinh sản. Từng bước sẽ có giải pháp để cấm khai thác một loài hải sản, cấm nghề, cấm khu vực, thời gian cấm... Khu vực cấm khai thác, khu bảo tồn bắt buộc ngư dân phải tuyệt đối chấp hành, thực thi pháp luật...

Bà Phạm Thị Hoàng Tâm - Chi Cục trưởng Chi cục Thủy sản Quảng Nam cho biết, trong nhiều năm qua, ngành thủy sản Quảng Nam phối hợp với Viện Nghiên cứu hải sản và Tổng cục Thủy sản (Bộ NN&PTNT) để điều tra, đánh giá nguồn lợi hải sản ở các vùng biển, nhất là các vùng biển Hoàng Sa, Trường Sa.

Theo đó, qua các năm, hải sản ngày càng có dấu hiệu giảm sút về trữ lượng lẫn chất lượng. Các loại hải sản chủ yếu hoạt động ở tầng mặt nước như cá cơm, cá chỉ vàng, ruốc..., sản lượng thấp, giá trị lại không cao. Trong bối cảnh biến đổi khí hậu khó lường, hoạt động dự báo ngư trường cũng rất khó khăn. Ngành chức năng sẽ tiếp tục hoàn thiện, nâng cao độ chính xác của công tác điều tra, đánh giá nguồn lợi, có dự báo thiết thực, hỗ trợ ngư dân sản xuất trên biển hiệu quả hơn.

Nhiều chủ tàu sản xuất xa bờ trên địa bàn tỉnh cho biết, những chuyến biển vừa qua đạt sản lượng thấp dù đã tìm mọi cách để nâng cao năng lực khai thác hải sản như đầu tư công nghệ dò cá mới, ngư cụ hiện đại. Mong mỏi của ngư dân trong vụ cá chính này là làm sao đảm bảo sản lượng khai thác ở mỗi chuyến biển, giảm chi phí sản xuất, ổn định đầu ra hải sản. Bà Phạm Thị Hoàng Tâm cho rằng, ngành chức năng sẽ hỗ trợ ngư dân hoàn thiện nhanh chóng, đầy đủ các hồ sơ, thủ tục để được nhận hỗ trợ nhiên liệu đi và về ở mỗi chuyến biển với mức hỗ trợ cao nhất là 400 triệu đồng/4 chuyến biển/năm.

VIỆT NGUYỄN