Bảo vệ nguồn lợi thủy sản: Cộng đồng trách nhiệm

VIỆT NGUYỄN 30/03/2021 05:33

Mỗi năm, các ngành chức năng thả hàng chục nghìn con giống thủy hải sản xuống các lưu vực sông trên địa bàn tỉnh để tái tạo nguồn lợi, góp phần tạo sinh kế cho người dân. Để bảo vệ nguồn lợi rất cần cộng đồng trách nhiệm của người dân và địa phương.

Ngành chức năng thả tôm sú tái tạo nguồn lợi ở rừng dừa nước Bẩy Mẫu Cẩm Thanh vào sáng 24.3. Ảnh: VIỆT NGUYỄN
Ngành chức năng thả tôm sú tái tạo nguồn lợi ở rừng dừa nước Bẩy Mẫu Cẩm Thanh vào sáng 24.3. Ảnh: VIỆT NGUYỄN

Trách nhiệm của ngành chức năng

Mới đây, Chi cục Thủy sản Quảng Nam phối hợp với các ngành chức năng của TP.Hội An tổ chức thả 1,2 triệu con giống tôm sú xuống khu vực rừng dừa Bảy Mẫu (xã Cẩm Thanh, TP.Hội An) để tái tạo nguồn lợi thủy sản. Lượng tôm lớn có post 15 được ngành thủy sản mua và vận động đóng góp từ các cơ sở bán tôm giống trên địa bàn tỉnh. Nguồn con giống trên trước khi thả đều được thuần dưỡng, lưu giữ để thích nghi với môi trường mới.

Bà Phạm Thị Hoàng Tâm - Chi Cục trưởng Chi cục Thủy sản Quảng Nam cho biết, rừng dừa Bảy Mẫu Cẩm Thanh là khu vực gần cửa biển Cửa Đại, vốn có hệ sinh thái phong phú, đa dạng, nhất là các loài thủy sản có giá trị kinh tế cao như tôm sú, cá hồng, cá mú, cá dìa, cua càng xanh nhưng nay đã suy giảm nghiêm trọng do khai thác quá mức, nhất là khai thác kiểu tận diệt.

Thả tôm để phát triển nguồn lợi đồng thời nâng cao ý thức của người dân về bảo vệ thủy sản. Phục hồi, tái tạo, bảo vệ nguồn lợi thủy sản là việc chung, cần huy động sự chung tay của cộng đồng xã hội. Được biết, ngành thủy sản cũng phối hợp với các cơ quan chức năng thả 5 nghìn con giống cá hồng, cá bớp, cá dìa, cá chẽm, cua càng xanh xuống khu vực ven biển An Hòa (xã Tam Hải, Núi Thành) cũng với mục đích tái tạo, bảo vệ nguồn lợi thủy sản.

Nhiều người dân làm nghề đánh bắt thủy sản trên địa bàn TP.Hội An đã tham gia buổi thả tôm sú giống vừa qua. Ông Trần Văn Quang (ở xã Cẩm Thanh) cho rằng, trước đây do mọi người dùng lưới nhỏ để đánh bắt nên cá to, nhỏ đều mắc lưới. Nhiều người còn khai thác bằng xung điện, chất nổ, lồng bát quái Trung Quốc khiến nguồn lợi thủy sản bị tận diệt.

“Tôi thấy ngành chức năng thả tôm xuống quanh rừng dừa Bảy Mẫu là việc làm ý nghĩa nên tự giác tham gia bảo vệ  thủy sản và góp phần tuyên truyền, vận động người dân đánh bắt thủy sản đúng mùa vụ bằng mắt lưới to để tôm, cá, cua sinh sôi, tạo đa dạng sinh học và đem lại lợi ích cho môi trường tự nhiên và con người” - ông Quang nói.

Cuối tháng 2 vừa qua, Công ty CP Thủy điện Sông Tranh phối hợp với UBND huyện Bắc Trà My thả 150 nghìn con giống cá mè, trắm cỏ xuống lòng hồ thủy điện Sông Tranh 2 (xã Trà Đốc, Bắc Trà My). Đây là lần thứ 6 liên tiếp, công ty thả cá giống xuống lòng hồ với số lượng 400.000 con cá giống.

Ông Vũ Đức Toàn - Giám đốc Công ty CP Thủy điện Sông Tranh cho biết, qua theo dõi, nhận thấy các loại cá giống sau khi thả phát triển tốt bởi nhiều hộ dân đánh bắt được các loại cá mè, cá trắm cỏ có trọng lượng lên đến 10kg/con.

Cần chung tay bảo vệ

Ông Ngô Văn Định - Phó Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản Quảng Nam cho biết, trong năm 2020 và các tháng đầu năm 2021, đã tiến hành 15 đợt ra quân tuần tra ở các vùng sông của tỉnh, phát hiện nhiều trường hợp người dân đánh bắt thủy sản bằng xung điện, lưới giã điện, thuốc nổ, các ngư cụ tận diệt khác. Qua xử lý 31 vụ, đã xử phạt, nộp ngân sách hơn 226 triệu đồng.

Theo ông Định, thời gian qua, ngành chức năng đã cấp phát 5.000 tờ rơi, thực hiện chuyên mục bảo vệ nguồn lợi thủy sản 2 lần/tuần trên sóng các đài truyền thanh cấp huyện, đăng liên tục công tác tái tạo nguồn lợi trên website của ngành nông nghiệp để vận động người dân chung tay bảo vệ thủy sản.

“Kết quả thu được từ công tác tuyên truyền, vận động là có nhưng chưa đáp ứng kỳ vọng. Mong các cơ quan của tỉnh, huyện, xã cùng tiếp tục vận động người dân chung tay bảo vệ nguồn lợi bằng các hình thức hấp dẫn, nội dung phong phú, đa dạng” - ông Định nói.

Theo tìm hiểu của chúng tôi, các loại cá dìa, cá mú, cá hồng đã suy giảm nghiêm trọng ở các lưu vực sông trên địa bàn tỉnh, nhất là Vu Gia, Thu Bồn. Chi cục Thủy sản Quảng Nam cho rằng, đến nay, Luật Thủy sản đã quy định cán bộ cơ sở và các địa phương ven biển phải có trách nhiệm kiểm tra, phát hiện, xử lý các trường hợp khai thác thủy sản trái phép nên cần vào cuộc mạnh mẽ hơn.

Ở các khu vực Tam Tiến (Núi Thành), Tam Hải (Thăng Bình) có sự hiện diện của san hô, cỏ biển, các loài cá, mực, tôm quý nên cộng đồng dân cư cần vào cuộc với chính quyền cơ sở để huy động các nguồn lực từ huyện, tỉnh, qua đó thành lập mô hình đồng quản lý thủy sản. Theo đó, các cơ quan của tỉnh sẽ có các hình thức hỗ trợ phù hợp về phương tiện, tăng cường tuần tra, xử lý sai phạm trong đánh bắt thủy sản trái phép.

VIỆT NGUYỄN