Ngư dân Thăng Bình kiên tâm bám biển
Sản xuất xa bờ với nhiều nghề chủ lực, ngư dân huyện Thăng Bình không chỉ làm giàu từ biển mà còn trở thành những “cột mốc” giữ gìn biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc.
Làm giàu từ biển
Năng động chuyển nghề, ngư dân huyện Thăng Bình đã sản xuất hiệu quả với nghề mới là lưới chụp. Ông Bùi Thảo (thôn Duy Hà, xã Bình Dương) - chủ tàu lưới chụp có công suất 715CV cho biết, từ năm 2019 trở về trước, ông chuyên nghề lưới vây truyền thống. Từ năm 2020, sau khi tham quan, học hỏi nghề lưới chụp của ngư dân trong và ngoài tỉnh, ông đã mạnh dạn chuyển nghề. Trung bình mỗi chuyến biển trong năm qua, ông Thảo thu được 20 tấn hải sản, chủ yếu là mực các loại.
“Nghề lưới chụp có thể hoạt động ở cả ngư trường Hoàng Sa và Trường Sa. Khai thác hải sản đạt, mỗi chuyến biển trong năm 2020 tôi thu được xấp xỉ 100 triệu đồng, mỗi bạn biển được chia hơn 10 triệu đồng” - ông Thảo nói.
Theo ông Thảo, nghề lưới chụp khai thác hải sản ở tầng nước nổi quanh năm. Trên tàu cá QNa-95456, ông trang bị 250 đèn cao áp có công suất 1.000W/bóng. Sau khi dùng máy dò cá ngang và máy dò cá đứng để tìm luồng hải sản, tàu bật điện để dụ mực, cá. Sau đó, chủ tàu và 8 thành viên dùng 4 tăng gông ở các mạn tàu để bung lưới căng ra 4 phía. Đèn được tắt dần, ngư dân thả lưới, dồn cá, mực vào các túi lưới rồi thu lưới quăng lên tàu.
“Nghề lưới chụp thao tác giản lược hơn lưới vây nên chúng tôi cần ít lao động hơn, lại có thể đánh bắt hải sản liên tục, giảm chi phí, chuyến biển ít ngày hơn nên hải sản tươi hơn, bán được giá” - ông Thảo cho biết thêm.
Nhiều ngư dân Thăng Bình, nhất là địa bàn xã Bình Minh đã làm giàu từ biển nhờ nghề câu mực khơi, lưới vây. Điển hình như ngư dân lão luyện của nghề câu mực khơi Lê Đức Rý (thôn Bình Tân, xã Bình Minh). Từ chỗ chỉ đánh bắt hải sản được chăng hay chớ ở vùng biển ven bờ, ông Rý đã tiếp cận chính sách hỗ trợ của Nhà nước để vay vốn ngân hàng, đóng 2 tàu công suất lớn câu mực khơi ở ngư trường Trường Sa.
Khai thác hải sản hơn 20 năm qua, ông Rý đã nhiều lần bỏ chuyến biển để cứu trợ, lai dắt tàu cá bị nạn của ngư dân trong và ngoài tỉnh về bờ an toàn. Nhiều bằng khen, giấy khen của các cơ quan tỉnh, huyện biểu dương ông Rý về thành tích làm giàu từ biển và góp sức cứu hộ, cứu nạn trên biển.
Những “cột mốc” chủ quyền
Người dân xã Bình Minh luôn nhắc nhớ về các ngư dân Trần Công Tú, Trần Công Minh ở thôn Tân An là những người bám biển quanh năm, luôn túc trực trên các vùng biển xa của Tổ quốc để giữ gìn biển đảo. Chia sẻ về nghề, ông Tú cho rằng, đi biển rất cơ cực, luôn đối diện với rủi ro, bất trắc nơi đầu sóng ngọn gió. Khi đánh bắt hải sản xa bờ, ngư dân còn phải thường xuyên đối mặt với việc bị tàu Trung Quốc tấn công, phá hoại.
“Biển cả đã gắn chặt cuộc đời ngư dân của chúng tôi. Càng vất vả, hiểm nguy, chúng tôi càng được tôi luyện, can trường, thêm yêu Tổ quốc, quyết tâm làm giàu từ biển đi đôi với bảo vệ chủ quyền lãnh hải thiêng liêng” - ông Tú nói.
Chính vì vậy, trong những năm qua, ông Tú và các bạn biển đã vượt qua sự quấy phá, khiêu khích của tàu Trung Quốc, đều đặn vươn khơi, có mặt ở hầu khắp ngư trường Hoàng Sa, Trường Sa... để đánh bắt hải sản, là “cột mốc” sống trên các vùng biển đảo của nước ta.
Gắn bó với biển, mỗi lần ra khơi, nhiều ngư dân huyện Thăng Bình cho biết luôn tự hào vì đang làm chủ trên vùng biển quê hương. “Mỗi lần ra biển đánh bắt hải sản, nhìn những lá cờ Tổ quốc bay phất phới trên những nóc tàu cá, ai trong chúng tôi cũng cảm thấy tự hào. Biển quê hương giàu cá, mực. Tổ quốc có bình yên thì chúng tôi mới được đi biển, có sinh kế ổn định nên chúng tôi luôn giữ vững tâm niệm là phải góp phần giữ gìn biển đảo thiêng liêng” - ngư dân Trần Công Minh nói.
Ông Nguyễn Xuân Vũ - Phó Chủ tịch UBND huyện Thăng Bình cho biết, trên địa bàn hiện có 592 tàu thuyền, trong đó phương tiện có công suất 90CV trở lên là 133 chiếc. Các ngành chức năng của huyện đã hỗ trợ ngư dân thành lập 44 tổ, đội đoàn kết sản xuất trên biển để tương trợ, giúp đỡ lẫn nhau ứng phó với các sự cố do thiên tai và tàu nước ngoài gây ra. Rất đáng mừng là mỗi năm, sản lượng khai thác hải sản của ngư dân huyện Thăng Bình đều đạt hơn 15 nghìn tấn.
“Chúng tôi luôn hỗ trợ ngư dân thực hiện đầy đủ các quy định, thủ tục để được hỗ trợ nhiên liệu đi và về của chuyến biển cũng như hỗ trợ kinh phí lắp đặt thiết bị liên lạc có gắn định vị GPS. Thời gian qua, Thăng Bình đã đào tạo được 8 lớp thuyền trưởng, máy trưởng cho 287 ngư dân, 2 lớp đào tạo vận hành tàu vỏ thép cho 70 ngư dân và 1 lớp đào tạo thợ máy với 165 ngư dân tham gia” - ông Vũ nói.
Đánh bắt hải sản là nghề cha truyền con nối, có tự lâu đời của ngư dân huyện Thăng Bình. Nhờ nghề này, cuộc sống người dân khấm khá hẳn lên, nhiều hộ xây dựng nhà cửa khang trang, diện mạo thay đổi ở nhiều vùng quê biển.