Ứng phó với bệnh đốm trắng trên tôm nuôi
Ngành chức năng cảnh báo, với thời tiết biến động như hiện nay, bệnh đốm trắng sẽ diễn biến phức tạp trên tôm nuôi và khuyến cáo người nuôi tôm chủ động ứng phó.
Khó lường
Kết quả phân tích ban đầu của Chi cục Chăn nuôi & thú y (Sở NN&PTNT) sau khi lấy mẫu ở một số diện tích nuôi tôm trên địa bàn tỉnh cho thấy, tôm chết do bệnh đốm trắng.
Hộ ông Võ Đăng Thành (thôn Vĩnh Nam, xã Duy Vinh, Duy Xuyên) có tôm chết do bệnh đốm trắng tấn công trên ao nuôi diện tích 5.000m2. Theo ông Thành, tôm thẻ chân trắng đang nuôi bỗng biếng ăn, sau đó lờ đờ tấp vào bờ rồi chết. Đáng nói hơn, trên thân tôm không có đốm trắng - triệu chứng thường gặp mà chỉ thấy đỏ thân sau khi tôm chết. Theo quan sát của chúng tôi, khu vực nuôi tôm của ông Thành chưa có kênh cấp thoát nước, thủy lợi sơ sài.
Ông Thành nuôi tôm tự phát, không đầu tư ao chứa lắng, ao xử lý nước thải. Các ao nuôi được đắp bằng đất, thiếu kiên cố, thẩm lậu nước giữa ao nuôi tôm với bên ngoài. Ngành chức năng nhận định, thời tiết diễn biến thất thường trong những ngày qua cộng với hạ tầng vùng nuôi tôm manh mún nên tôm nuôi của ông Thành bị bệnh nguy hiểm là đốm trắng tấn công rồi chết.
Tôm thẻ chân trắng của gia đình ông Phạm Văn Thơ (thôn Bình Trung, xã Tam Hải, Núi Thành) cũng bị chết do bệnh đốm trắng. Bà Hoàng Thị Kim Yến - Phó Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi & thú y cho biết, bệnh đốm trắng rất nguy hiểm, hễ tôm bị bệnh là chết chứ không có thuốc đặc trị. Vi rút đốm trắng rất khỏe, phát sinh mạnh trong điều kiện nguồn nước ở ao nuôi tôm bị nhiễm bẩn. Thời tiết phức tạp, diễn biến thất thường cũng tạo thuận lợi cho vi rút đốm trắng hoạt động.
Khi nhận thông tin tôm chết trong những ngày qua, chi cục đã nhanh chóng đưa cán bộ tiếp cận, lấy mẫu ở một số vùng nuôi tôm và có kết quả bước đầu là tôm chết do bị đốm trắng. Đơn vị đang tiếp tục lấy mẫu, không loại trừ có thêm diện tích tôm nuôi nhiễm bệnh đốm trắng. Nhiệt độ giữa ngày này với ngày kia chênh lệch mạnh, nhiệt độ giữa ngày với đêm chênh nhau đến gần 10 độ nên vi rút đốm trắng rất dễ phát sinh, gây bệnh trên tôm nuôi.
Chế phẩm sinh học có thể ngăn chặn vi rút đốm trắng
Ông Dương Văn Hùng - Chủ tịch HĐQT Công ty CP Thủy sản Dương Hùng tham gia nuôi tôm ở Bạc Liêu, Ninh Thuận và Quảng Nam cho rằng, chế phẩm sinh học được tạo nên từ tỏi, gừng, sả, chuối... là một trong những giải pháp hữu hiệu để khống chế bệnh đốm trắng. Chế phẩm sinh học khiến cho môi trường nước trong ao nuôi được sạch, ngăn chặn xâm nhập của vi rút đốm trắng; giúp tôm tăng hệ miễn dịch, miễn nhiễm tác động của vi rút đốm trắng. Chế phẩm sinh học có thể đưa trực tiếp vào cơ thể tôm nuôi qua đường thức ăn, ngâm trong ao nuôi tôm để phân hủy thức ăn, chất bẩn, tạo môi trường thân thiện, giúp tôm ăn nhiều, hấp thu tốt, nhờ đó tăng sản lượng và năng
Chủ động phòng tránh
Ông Nguyễn Sáu - Chủ tịch UBND xã Duy Vinh cho biết, ngay sau khi có thông tin tôm chết ở thôn Vĩnh Nam, chính quyền xã đã yêu cầu hộ dân có tôm chết không được xả thải ra bên ngoài để tránh lây lan mầm bệnh; sau khi được cấp Chlorin phải tức tốc xử lý nước trong ao nuôi để diệt mầm bệnh.
“Chúng tôi khuyến cáo người dân nếu đầu tư nuôi tôm trở lại thì nên mua tôm giống chất lượng, đã có kiểm dịch, có post từ 12 trở lên và nên ương tôm giống 10 - 15 ngày rồi mới thả nuôi thương phẩm đại trà. Khi thả nuôi lại tôm giống, người dân không nên nuôi dày, mật độ thích hợp là 60 con/m2 ; bổ sung vitamin, khoáng chất, giúp tôm tăng sức đề kháng, sinh trưởng tốt” - ông Sáu nói.
Bà Hoàng Thị Kim Yến cho rằng, điểm yếu của nghề nuôi tôm Quảng Nam tồn tại dai dẳng lâu nay là cấp nước trực tiếp vào ao nuôi, tiềm ẩn nhiều nguy cơ dịch bệnh do nguồn nước ở các lưu vực sông nhiễm bẩn. Do vậy, để phòng tránh bệnh đốm trắng nói riêng và các loại bệnh khác trên tôm nuôi, người nuôi phải đầu tư ao chứa lắng, xử lý sạch nguồn nước mới cấp vào ao nuôi tôm. Để ổn định nhiệt độ nước, ao nuôi tôm phải có độ sâu hơn 1,2m. Người nuôi cần túc trực 24/24 giờ ở ao nuôi, theo dõi sát phát triển của tôm, điều chỉnh lượng thức ăn, bổ sung các chất bổ cần thiết, giúp tôm lớn nhanh.