Dai dẳng vụ kiện "tàu 67": Ngư dân bế tắc

VIỆT NGUYỄN 29/01/2021 06:54

Tàu vỏ thép QNa-94679 mặc dù đã hoàn thành đóng mới nhưng không thể bàn giao cho ngư dân để vươn khơi, sản xuất xa bờ do các bên vẫn chưa giải quyết xong tranh chấp.

Tàu vỏ thép QNa-94679 nằm bờ bấy lâu nay. Ảnh: VIỆT NGUYỄN
Tàu vỏ thép QNa-94679 nằm bờ bấy lâu nay. Ảnh: VIỆT NGUYỄN

Vừa qua, TAND huyện Thăng Bình xét xử, tuyên ngư dân Trần Văn Liên (thôn Tân An, xã Bình Minh, Thăng Bình) - chủ tàu vỏ thép QNa-94679 phải trả nợ hơn 7,5 tỷ đồng cho Công ty Bảo Duy để bàn giao con tàu được đóng mới từ năm 2015. Sự cố hỏng máy đã gây thiệt hại lớn cho cả ngư dân, cơ sở đóng tàu và ngân hàng cho ngư dân vay 95% vốn để đóng tàu QNa-94679.

Cụ thể, ngày 29.3.2016, tàu vỏ thép QNa-94679 được Công ty Bảo Duy đóng xong, khi đưa ra khỏi cầu Mân Quang (TP.Đà Nẵng) để chạy thử trước khi bàn giao thì bị hỏng máy. Ông Liên kiện Công ty Liên Á - bên cung cấp máy thủy cho tàu cá phải bồi thường thiệt hại, lắp lại máy mới để bàn giao tàu. Thời gian kiện tụng kéo dài nhiều năm khiến cho con tàu chưa được bàn giao vì BIDV chi nhánh Quảng Nam - ngân hàng cho ông Liên vay vốn đóng tàu không thể giải ngân phần vốn còn lại cho Công ty Bảo Duy. Đến nay, Công ty Liên Á mới chỉ bồi thường được hơn 1 tỷ đồng trong số hơn 2 tỷ đồng là giá trị của máy thủy không may bị hỏng trên tàu cá QNa-94679.

Công ty Bảo Duy kiện ông Trần Văn Liên lên TAND huyện Thăng Bình vì muốn được thanh toán chi phí đóng tàu. Ông Liên cũng muốn ngân hàng giải ngân phần vốn còn lại, trả nợ Công ty Bảo Duy, bàn giao tàu để ra khơi sản xuất.

Bà Vũ Thị Tố Nga - Phó Giám đốc BIDV chi nhánh Quảng Nam cho biết: “Tàu cá QNa-94679 được đóng theo Nghị định 67 của Chính phủ nhưng nghị định đã hết hạn nên không thể giải ngân phần vốn còn lại. Chúng tôi chỉ có thể giải ngân với điều kiện lãi suất thị trường, mà ngư dân thì không có khả năng vay nên bế tắc”.

Trong khi đó, ông Trần Văn Liên cũng bế tắc khi tòa án tuyên phải trả nợ 7,5 tỷ đồng tiền đóng tàu của Công ty Bảo Duy. “Tôi thất nghiệp bấy lâu nay, lâm nợ rất nhiều, không thể trả nợ Công ty Bảo Duy được” - ông Liên nói.

Ông Ngô Tấn - Phó Giám đốc Sở NN&PTNT cho biết, ngay sau khi xảy ra sự cố hỏng máy trên tàu cá QNa-94679, ngành nông nghiệp tỉnh đã tạo điều kiện để các bên cùng ngồi lại, thỏa thuận, trao đổi để có hướng giải quyết hợp tình, hợp lý nhưng bên nào cũng nhận phần đúng về mình nên không có cách xử lý phù hợp. Hệ lụy là kiện tụng kéo dài, trả qua 3 lần xét xử của TAND TP.Tam Kỳ, TAND tỉnh, TAND cấp cao tại TP.Đà Nẵng. “Vì là các vụ kiện dân sự nên nằm ngoài chức năng, quyền hạn của ngành nông nghiệp” - ông Tấn nói.

Bà Vũ Thị Tố Nga cho rằng, chỉ có thể bán con tàu để thu hồi phần vốn đã giải ngân trong quá trình đóng tàu vỏ thép là 7,6 tỷ đồng. Tuy vậy, ngay cả khi bán con tàu vỏ thép QNa-94679 thì tranh chấp vẫn còn xảy ra. Bởi ngân hàng muốn thu lại 7,6 tỷ đồng, Công ty Bảo Duy muốn thu hồi 7,5 tỷ đồng, trong khi đó con tàu có giá trị không đến 15 tỷ đồng. Điều đáng nói, ngư dân Trần Văn Liên từ chỗ bán con tàu vỏ gỗ gần 1 tỷ đồng để đối ứng vốn đóng tàu vỏ thép, kỳ vọng sản xuất tốt hơn thì lại lâm vào cảnh kiện tụng kéo dài, không có lối ra.

“Tôi đã đối ứng vốn để đóng tàu QNa-94679 nhưng khi bán tàu thì tôi sẽ không được chia phần. Tôi chỉ mong được có tàu cá để đi biển khai thác hải sản nhưng bất lực, lâm vào cảnh nợ nần” - ông Liên nói.

VIỆT NGUYỄN