Bảo quản hải sản bằng công nghệ mới: Tăng giá trị chuyến biển
Hội thảo khoa học “Ứng dụng và chuyển giao công nghệ bảo quản hải sản khai thác trên tàu lưới chụp Quảng Nam” được Sở Khoa học và công nghệ phối hợp với Phân viện Nghiên cứu hải sản phía Nam (Bộ NN&PTNT) tổ chức hôm qua 2.11 đã cho thấy tính thiết thực của công nghệ mới, tăng lợi nhuận chuyến biển của ngư dân.
Hiệu quả, thiết thực
Triển khai đề tài “Ứng dụng và chuyển giao công nghệ bảo quản hải sản khai thác trên tàu lưới chụp Quảng Nam”, Phân viện Nghiên cứu hải sản phía Nam đã hỗ trợ ngư dân Nguyễn Minh Đạo (thôn Long Thạnh, xã Tam Tiến, Núi Thành) đầu tư hệ thống xử lý hạ nhiệt nguyên liệu, bảo quản lạnh thấm, kết hợp với đá xay trong hầm bảo quản đã được cải hoán trên tàu cá QNa- 91291.
Xử lý hạ nhiệt nguyên liệu, bảo quản lạnh thấm, kết hợp với đá xay bảo quản hải sản được thực hiện qua nhiều bước. Trước hết, ngư dân bật nguồn hệ thống lạnh, bơm nước biển vào bồn ngâm hạ nhiệt để đảm bảo nhiệt độ -1,5 độ C. Hải sản sau khai thác được ngư dân phân loại, ngâm lạnh, xếp vào khay, cho vào hầm thấm lạnh để bảo quản. Cá và mực cần được sắp xếp vào từng khu vực riêng để theo dõi. Khi vào bờ, hải sản được bốc dỡ, đưa lên xe lạnh chở đến nơi tiêu thụ.
Anh Đạo cho biết, mô hình rất thiết thực. Trước đây, với mỗi chuyến biển, hễ có mực là anh phải vào bờ để bán vì không thể để lâu nên chi phí nhiên liệu rất lớn. Từ khi áp dụng mô hình, cứ mỗi thứ Bảy hay Chủ nhật anh mới đưa tàu vào bãi ngang trên địa bàn để bán, giảm chi phí mà mực được bán với giá cao. Ngoài mực, các loại cá chim, cá hố, cá ngừ cũng được giá bán vì bảo quản tốt hơn. Với mô hình, lượng đá xay cũng ít hao hụt hơn trước.
“Vận hành hệ thống bảo quản hải sản mới rất đơn giản, phương pháp bảo quản cũng dễ thao tác. Chi phí chuyến biển giảm xuống, chủ động sản xuất, đầu ra hải sản tăng lên là các lợi ích của công nghệ mới mang lại” - anh Đạo nói.
ThS. Nguyễn Như Sơn - chủ nhiệm đề tài khoa học cho biết, với công nghệ mới, hệ thống thiết bị lạnh vận hành hoàn toàn tự động hóa, ổn định, hiệu quả, phù hợp với điều kiện sản xuất, trình độ của ngư dân, nhất là đảm bảo an toàn. Lượng nước đá sử dụng giảm 27,3% so với bảo quản bằng hầm bảo quản truyền thống.
Qua đối chiếu thực tế giữa tàu áp dụng công nghệ bảo quản hải sản mới và công nghệ truyền thống, doanh thu chuyến biển tăng thêm 32 triệu đồng và giảm chi phí hơn 60 triệu đồng. Qua thực tiễn triển khai, đề tài khoa học đã cho thấy chất lượng hải sản được bảo quản tốt, đảm bảo nguyên liệu chế biến để xuất khẩu cũng như đáp ứng các quy định an toàn thực phẩm cho tiêu dùng nội địa. Triển khai công nghệ mới là rất cần thiết để tái cơ cấu nghề cá theo hướng hiện đại, đem lại giá trị kinh tế cao cho ngư dân.
Nhân rộng mô hình
ThS. Võ Văn Long - Phó chánh Văn phòng Sở NN&PTNT, người dành nhiều năm nghiên cứu về bảo quản hải sản cho biết, đến thời điểm này, chất lượng cá ngừ, cá nục của nghề lưới vây, mực các loại và một số loại cá của nghề lưới chụp của Quảng Nam còn thấp. Qua khảo sát, chỉ có 6,7% người lao động trên địa bàn tỉnh đã qua đào tạo về bảo quản hải sản hoặc vệ sinh an toàn thực phẩm. Những người được đào tạo chủ yếu là các lớp ngắn hạn. Rất đáng báo động khi nguồn nước ngư dân sử dụng rửa cá là nước được lấy trực tiếp tại các bến cá.
Ở các tàu cá, chuột gián gây hại có mặt thường xuyên nhưng ngư dân không có biện pháp tiêu diệt. Hiện nay, nhiều địa phương trong phạm vi cả nước đã áp dụng các quy định quản lý chất lượng hải sản, như quy định về nguồn nước, nước đá, hóa chất, vệ sinh tàu cá, phân loại hải sản, hầm bảo quản hải sản... Việc chưa áp dụng các quy định của Bộ NN&PTNT về quản lý hải sản sau khai thác là hạn chế của nghề cá Quảng Nam.
“Cần tăng cường đào tạo kỹ thuật bảo quản hải sản sau khai thác cho ngư dân của tỉnh cũng như áp dụng các quy chuẩn quốc gia để quản lý hải sản khai thác tốt hơn trong thời gian đến” - ThS. Võ Văn Long nói.
Bà Nguyễn Thị Đồng - Trưởng phòng Kỹ thuật Trung tâm Khuyến nông Quảng Nam cho biết, đến nay, ngành chức năng đã tận dụng các nguồn ngân sách của tỉnh, trung ương để hỗ trợ ngư dân triển khai 10 hầm bảo quản hải sản bằng vật liệu PU, áp dụng cho nghề lưới vây, đem lại hiệu quả thiết thực.
Với các ưu điểm đã được chứng thực trong thực tiễn, chi phí đầu tư khoảng 350 triệu đồng, hệ thống xử lý hạ nhiệt nguyên liệu, bảo quản lạnh thấm, kết hợp với đá xay trong hầm bảo quản trên tàu cá nghề lưới chụp cần được nhân rộng trên địa bàn tỉnh. Theo đó, Phân viện Nghiên cứu hải sản phía Nam cần hoàn thiện thêm quy trình của công nghệ mới, chuyển giao, nhân rộng hiệu quả. Sở Khoa học và công nghệ cần tham mưu UBND tỉnh có cơ chế, chính sách đặc thù, hỗ trợ ngư dân, các địa phương ven biển ứng dụng công nghệ mới nói trên.
Theo bà Lê Thủy Trinh - Phó Giám đốc Sở Khoa học và công nghệ, triển khai từ năm 2018 đến nay, đề tài khoa học đã nghiên cứu cụ thể phương án nhân rộng, áp dụng cho các nghề khai thác hải sản khác nhau. Trong thời gian đến, ngành chức năng sẽ phối hợp chặt chẽ với các sở ngành liên quan, địa phương ven biển tổ chức đào tạo, tập huấn, chuyển giao công nghệ mới bảo quản hải sản. HĐND tỉnh đã có Nghị quyết 02, căn cứ vào đó, ngư dân có thể tận dụng mức hỗ trợ 50 - 70% để ứng dụng công nghệ mới bảo quản hải sản tốt hơn.