Công trình cảng cá Tam Quang: Bước phát triển của hậu cần nghề cá
Hôm nay 7.10, cảng cá Tam Quang (xã Tam Quang, Núi Thành) được gắn biển công trình chào mừng Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XXII, đánh dấu bước phát triển của hậu cần nghề cá, tạo động lực cho phát triển bền vững nghề cá Quảng Nam.
Công trình hiện đại
Cảng cá Tam Quang được Ban quản lý Dự án đầu tư xây dựng các công trình NN&PTNT tỉnh làm chủ đầu tư. Cảng cá loại 1 này là đầu mối tập trung và phân phối hải sản tại khu vực duyên hải miền Trung, cung cấp các dịch vụ hậu cần nghề cá, góp phần phát triển kinh tế - xã hội Quảng Nam.
Công trình cảng cá Tam Quang được đầu tư theo hình thức đối tác công - tư. Khu dịch vụ thương mại thủy sản hậu cần nghề cá cảng cá Tam Quang được Công ty TNHH Thương mại Thuận Nhân Phát đầu tư với nguồn vốn hơn 122 tỷ đồng, gồm các hạng mục khu sơ chế và kho cấp đông thủy sản, chợ đầu mối thủy sản, hệ thống cấp thoát nước, khu để xe, nhà công vụ, hệ thống xử lý nước thải...
Ông Võ Văn Điềm - Giám đốc Ban quản lý Dự án đầu tư xây dựng các công trình NN&PTNT cho biết, công trình hoàn thành đi vào hoạt động sẽ mở ra chặng đường phát triển mới của nghề cá Quảng Nam. Cảng cá Tam Quang đáp ứng được 16 nghìn tấn hải sản qua cảng mỗi năm với nhiều phân khu chức năng được bố trí hiện đại, như khu công trình công cộng, thương mại, dịch vụ có chợ thủy sản; khu tiếp nhận và phân loại thủy sản; nhà sản xuất và kho nước đá; hệ thống cung cấp xăng dầu cùng các ki-ốt bán hàng.
Các dịch vụ hậu cần nghề cá tại cảng có quy mô khá lớn, gồm khu chế biến hải sản; khu sửa chữa tàu cá và sản xuất, cung cấp ngư lưới cụ. Khu vực cập tàu công suất lớn có kè bảo vệ kiên cố kết hợp với bến tàu. Nối tiếp ngay sau khu vực cập tàu là chợ đầu mối, hệ thống cung cấp nước ngọt, khu xử lý rác thải, nước thải. Hệ thống cây xanh được bố trí hài hòa xen giữa các khu chức năng, bên các dải phân cách, trước bến tàu tạo ấn tượng tốt về cảnh quan, môi trường cảng cá.
Cảng cá Tam Quang đi vào hoạt động giải quyết được nhiều vấn đề cùng lúc, như thuận tiện mua nhiên liệu, nhu yếu phẩm cho chuyến biển, được bán hải sản theo giá niêm yết khi tàu cập bờ và có thể dễ dàng thay thế ngư lưới cụ, sửa chữa tàu cá khi không may hư hỏng, gặp sự cố.
Ngư dân Lê Văn Năm (thôn Sâm Linh Tây, xã Tam Quang, Núi Thành) - chủ tàu cá QNa-90959 có công suất 829CV theo nghề lưới vây nói: “Khi các yếu tố đầu vào và đầu ra ổn định, ngư dân sẽ tổ chức lại sản xuất theo hướng bài bản, chuyên nghiệp hơn, qua đó nâng cao hiệu quả sản xuất của từng chuyến biển. Điều này tạo động lực lớn cho chúng tôi trong quá trình khai thác hải sản ở các vùng biển Hoàng Sa, Trường Sa”.
Khu hậu cần nghề cá lớn
Chủ tịch UBND tỉnh Lê Trí Thanh cho biết, Quảng Nam sẽ đầu tư kết hợp cảng cá Tam Quang với sửa chữa, nâng cấp khu neo đậu tàu cá An Hòa (2 xã Tam Quang, Tam Giang) để hình thành khu hậu cần nghề cá lớn, giúp quá trình sản xuất của ngư dân được thuận tiện, thông suốt hơn. Ban quản lý Dự án đầu tư xây dựng các công trình NN&PTNT đã lập dự án, trình ngành chức năng phê duyệt, triển khai trong giai đoạn 2020 - 2023 với nguồn kinh phí dự kiến hơn 300 tỷ đồng, chủ yếu từ ngân sách Trung ương.
Theo đó, khắc phục các hạn chế của khu neo đậu tàu cá An Hòa, khơi thông luồng lạch, xây dựng đê chắn sóng, kè bảo vệ, đường công vụ... để đảm bảo tàu cá của ngư dân được neo đậu an toàn. Đồng thời việc xây dựng, kết nối giao thông giữa cảng cá Tam Quang và khu neo đậu tàu cá An Hòa sẽ thu hút doanh nghiệp đầu tư các công trình chế biến hiện đại để xuất khẩu hải sản sang các thị trường lớn, tiềm năng, nhất là châu Âu khi Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam và Liên minh châu Âu đã có hiệu lực từ tháng 8 năm nay.
Năng lực khai thác hải sản của ngư dân trên địa bàn tỉnh ngày càng được nâng lên, thể hiện rõ trong tính năng động, bám biển quanh năm và ứng dụng công nghệ mới trong đánh bắt hải sản. Số tàu sản xuất ở các vùng biển xa của Quảng Nam hiện đã hơn 700 tàu, trong đó chủ yếu là tàu cá có công suất từ 400CV trở lên. Việc hình thành khu hậu cần nghề cá lớn cấp vùng duyên hải miền Trung sẽ thu hút, khai thác nguồn lực và phát huy những tiềm năng, lợi thế về vị trí địa lý, điều kiện tự nhiên cũng như hệ thống kết cấu hạ tầng, các nguồn lực của vùng.
Sau khi hình thành, khu hậu cần nghề cá lớn sẽ là đầu tàu kéo ngành thủy sản vùng phát triển mạnh mẽ hơn, năng động hơn, tốc độ tăng trưởng cao, bền vững hơn, phù hợp với Chiến lược biển đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2030 của tỉnh nói riêng, cả nước nói chung; góp phần giữ vững an ninh biển đảo quốc gia, nâng cao giá trị hải sản, nhất là phục vụ xuất khẩu.