Ngư dân gặp khó vì bảo hiểm tàu cá

VIỆT NGUYỄN 22/09/2020 10:29

Trong khi chính sách hỗ trợ ngư dân mua bảo hiểm tàu cá theo Nghị định 67 của Chính phủ về một số chính sách phát triển thủy sản (Nghị định 67) dừng lại trên địa bàn tỉnh thì bảo hiểm thương mại thu hẹp phạm vi bồi thường khiến ngư dân gặp nhiều khó khăn.

“Tàu 67” cần được bảo hiểm để hạn chế phát sinh nợ xấu của ngân hàng thương mại cho ngư dân vay vốn đóng tàu. Ảnh: V.NGUYỄN
“Tàu 67” cần được bảo hiểm để hạn chế phát sinh nợ xấu của ngân hàng thương mại cho ngư dân vay vốn đóng tàu. Ảnh: V.NGUYỄN

Ngư dân gặp khó

Mới đây, phải vay mượn người thân, bạn bè, ngư dân Đỗ Văn Thành (xã Duy Vinh, Duy Xuyên) mới có đủ 250 triệu đồng để duy tu, bảo dưỡng lại tàu vỏ thép sau nhiều năm sản xuất ở các vùng biển xa. Anh Thành xoay xở đủ kiểu nhưng không thể có 120 triệu đồng để mua bảo hiểm cho “tàu 67”. Theo anh Thành, sản lượng ở mỗi chuyến biển trong thời gian qua đạt thấp, trong khi đó chi phí sản xuất tăng cao nên chủ tàu không mấy dư dả.

“Mùa biển động đang đến, thời tiết biến động thất thường, rất dễ gặp rủi ro trong quá trình khai thác hải sản. Có bảo hiểm tàu cá thì còn có thể được bồi thường để tái sản xuất, nếu không may “tàu 67” gặp nạn mà không có bảo hiểm thì gặp khó khăn, khó có thể trả nợ gốc và lãi cho ngân hàng” - anh Thành nói.

Từ năm 2014 khi Nghị định 67 có hiệu lực, các chủ “tàu 67” được hỗ trợ 90% chi phí mua bảo hiểm tàu cá. Đến năm 2018 khi Nghị định 67 được đổi thành Nghị định 17 thì các chủ tàu được hỗ trợ 50% chi phí. Từ tháng 5.2020 đến nay, Bảo Việt chi nhánh Quảng Nam - đơn vị triển khai chính sách bảo hiểm tàu cá theo Nghị định 67 trên địa bàn tỉnh có thông báo dừng bán bảo hiểm cho tàu cá theo Nghị định 67. Một chính sách hỗ trợ chi phí giúp ngư dân mua bảo hiểm tàu cá là Quyết định 48 của Chính phủ, nhưng nhiều chủ “tàu 67” chưa tiếp cận được.

Ngư dân Trần Đậu (xã Duy Vinh, Duy Xuyên) nói: “Ngư dân chúng tôi chưa biết về hỗ trợ mua bảo hiểm theo Quyết định 48. Khi biết chính sách hỗ trợ mua bảo hiểm theo Nghị định 67 dừng lại, chúng tôi không thể mua bảo hiểm thương mại vì không đủ tiền”.

Với bảo hiểm thương mại của Bảo Việt chi nhánh Quảng Nam, ngư dân không được bồi thường khi sự cố xảy ra với tàu cá lúc neo đậu trong bờ. Ngư dân chỉ được bồi thường khi tàu cá bị sự cố lúc đang sản xuất trên biển; tuy nhiên lại loại trừ trường hợp tàu bị cháy, nổ. Nhiều chủ tàu cho rằng, điều này là không hợp lý.

Bảo hiểm không mặn mà

Ông Huỳnh Bá Thanh - Phó Giám đốc Bảo Việt chi nhánh Quảng Nam cho biết, triển khai Luật Thủy sản, Bộ NN&PTNT đã ban hành nhiều quy định mới về bằng cấp của thuyền viên, thợ máy trên “tàu 67” mà chưa cập nhật vào quy tắc bảo hiểm tàu cá theo Nghị định 67 đã gây nhiều khó khăn trong triển khai bảo hiểm tàu cá theo Nghị định 67. Bảo Việt đã gửi công văn đến Cục Quản lý giám sát bảo hiểm (Bộ Tài chính) đề xuất sửa đổi quy tắc, biểu phí bảo hiểm để phù hợp với chính sách bảo hiểm cho “tàu 67” nhưng chưa được trả lời, giải quyết nên phải dừng bán bảo hiểm cho “tàu 67”.

“Nếu vẫn tiếp tục bán bảo hiểm cho “tàu 67” thì chúng tôi sẽ phải tranh chấp với các chủ tàu. Trong khi đó, bán bảo hiểm cho “tàu 67” khiến chúng tôi lỗ nặng trong nhiều năm qua khi có nhiều vụ tàu bị tổn thất toàn bộ không rõ nguyên nhân mà chúng tôi vẫn phải bồi thường hoàn toàn” - ông Thanh nói. Ông Huỳnh Bá Thanh cho rằng, mỗi đơn vị bảo hiểm đều có các quy định, ràng buộc riêng, ngư dân có quyền lựa chọn mua bảo hiểm thân tàu nếu thấy phù hợp.

Theo Thứ trưởng Bộ Tài chính Huỳnh Quang Hải, chưa có cơ sở pháp lý để chấp thuận đề xuất sửa đổi quy tắc, biểu phí bảo hiểm “tàu 67” của Bảo Việt nói riêng, các đơn vị bán bảo hiểm tàu cá nói chung. Theo Luật Kinh doanh bảo hiểm, bảo hiểm tàu cá không phải là loại hình bảo hiểm bắt buộc. Pháp luật về thủy sản cũng không quy định chủ tàu phải mua bảo hiểm tàu cá trước khi ra khơi. Bộ Tài chính đã tổng hợp các văn bản của Bộ NN&PTNT, kiến nghị của các đơn vị bán bảo hiểm, trình Chính phủ xem xét sửa đổi, bổ sung các quy định về bảo hiểm tàu cá theo Nghị định 67 để triển khai hiệu quả hơn trong thời gian đến.

VIỆT NGUYỄN