Nuôi cá mùa bão lũ: Rủi ro rình rập
Kỳ vọng tăng thêm lợi nhuận, nhiều nông hộ trên địa bàn tỉnh nuôi cá trái vụ ở mùa bão, lũ. Những năm trước, do không kịp thời xử lý khi bão, lũ kéo về, nhiều nông hộ đã mất trắng cá thương phẩm.
Nuôi quanh năm
Trong số 21 lồng bè nuôi cá ở sông Tam Kỳ đoạn chảy qua địa bàn phường An Sơn (TP.Tam Kỳ) vào thời điểm này, hộ ông Nguyễn Văn Ngọc đang sở hữu nhiều lồng bè nuôi cá điêu hồng từ 1 đến 3 tháng tuổi. Ông Ngọc cho biết, nuôi cá gối vụ quanh năm nên xuất bán lứa này thì sẽ có các lứa nối tiếp để đáp ứng nhu cầu của thị trường. Đặc biệt nuôi cá để xuất vào cuối năm và dịp tết sẽ đem lại nguồn thu khá hơn.
Theo quan sát của chúng tôi, ở các đoạn sông Tam Kỳ chảy qua địa bàn xã Tam Phú, phường An Phú hay sông Mỹ Cang, Bàn Thạch chảy qua địa bàn xã Tam Thăng, phường Hòa Hương (TP.Tam Kỳ), cá nước ngọt hầu hết mới được nông hộ thả nuôi 1 - 2 tháng. Theo vòng sinh trưởng, cá nước lợ cần 7 - 8 tháng mới thu hoạch nên các mô hình sản xuất này phải vượt qua mùa bão lũ mới có thể xuất bán được.
Tình trạng tương tự cũng đang xảy ra trên địa bàn TP.Hội An. Ở sông Cổ Cò đoạn qua địa bàn phường Cẩm An và Cửa Đại (TP.Hội An), có khoảng 100 hộ nuôi với hàng trăm lồng bè nuôi cá vào thời điểm này. Người dân cho biết, nuôi cá quanh năm dù có lũ hay không.
Ông Lê Công Sỹ - Chủ tịch UBND phường Cửa Đại cho biết, do nạo vét sông Cổ Cò nên UBND phường đã thông báo quyết định dừng nuôi cá trên sông Cổ Cò nhưng các nông hộ sản xuất. Nhiều nông hộ cho rằng, cá đang lớn, chưa thể thu hoạch nên xin nới lỏng thời gian, bán xong cá sẽ nghỉ. Nhiều người dù tính đến nguy cơ cá có thể bị lũ cuốn trôi trong mùa bão, lũ này nhưng vẫn mạo hiểm nuôi.
Dễ rủi ro
Hằng năm, trước mùa bão lũ, Công ty TNHH MTV Khai thác thủy lợi Quảng Nam đều làm việc với UBND TP.Tam Kỳ về lịch xả nước hồ Phú Ninh. UBND TP.Tam Kỳ yêu cầu các hộ nuôi cá trong lồng bè trên địa bàn không được tổ chức sản xuất từ đầu tháng 9 đến tháng 1 năm sau, vậy mà người dân vẫn nuôi cá trong lồng bè vào thời điểm này. Điều đáng nói là không những cá có thể thất thoát, chảy trôi theo dòng nước mạnh mà lồng bè còn cản trở dòng chảy, ảnh hưởng xấu đến hành lang thoát lũ, gây ngập úng cục bộ.
Theo thống kê của Sở NN&PTNT, ở mùa bão lũ các năm 2017, 2018, 2019, thiệt hại của nông hộ nuôi cá trong lồng bè là hàng tỷ đồng. Về ứng phó thế nào nếu bão lũ ập đến, nhiều nông hộ cho biết sẽ kéo các lồng bè nuôi cá vào sát bờ và buộc chặt để cá khỏi trôi theo dòng nước. Còn khi lũ kéo dài, môi trường nước thay đổi đột ngột có thể khiến cá sốc thì hầu hết nông hộ đều chỉ còn cách... may nhờ rủi chịu.
Ông Nguyễn Hữu Trường - Trưởng phòng Nuôi trồng thủy sản (Chi cục Thủy sản) cho biết, ngay từ đầu năm đã gửi thông báo lịch mùa vụ về các địa phương. Theo đó, các nông hộ thu hoạch cá nước lợ trước ngày 30.9 để tránh thiệt hại do bão lũ.
“Nông hộ nuôi cá mùa bão lũ là nuôi trái vụ. Với cách đầu tư này, nông dân kỳ vọng thu lợi lớn vì nguồn cung ít, nhu cầu thị trường cao, được giá. Tuy vậy, khó khăn chồng chất, cá vừa dễ mất do lũ vừa dễ chết do biến động thời tiết” - ông Trường nói thêm.
Ngành chức năng khuyến cáo các nông hộ nuôi cá cần liên tục theo dõi, cập nhật chặt chẽ diễn biến bất thường của bão để chủ động ứng phó kịp thời, giúp cá nuôi không bị “sốc” môi trường, chết gây thiệt hại nặng. Các hộ nuôi cá trong lồng bè tăng cường kiểm tra, gia cố lại lồng, bè nuôi cá cho thật sự vững chắc. Khi có mưa to, gió lớn, lũ mạnh cần phải có biện pháp di chuyển lồng bè nuôi cá đến nơi an toàn, neo buộc cẩn thận. Trong những trường hợp cá nuôi có dấu hiệu nhiễm bệnh thì thường xuyên liên hệ với cán bộ kỹ thuật thủy sản của tỉnh, huyện để được hỗ trợ xử lý phù hợp để hạn chế thấp nhất thiệt hại.