Chủ động bảo vệ thủy sản trước mưa bão
(QNO) - Chi cục Thủy sản Quảng Nam khuyến cáo người nuôi thủy sản cần chủ động ứng phó với bão số 5, hạn chế thấp nhất rủi ro, thiệt hại.
Theo thống kê của Chi cục Thủy sản Quảng Nam, đến chiều 17.9, toàn tỉnh có 4.000ha nuôi thủy nước ngọt. Trong đó, nuôi cá trong lồng bè ở lòng hồ thủy điện khoảng 400 lồng (mỗi lồng 60 - 75m3), tập trung chủ yếu ở huyện Bắc Trà My với 270 lồng, sông Tam Kỳ 70 lồng và huyện Đại Lộc với 60 lồng ở hồ Khe Tân.
Diện tích nuôi thủy sản nước lợ khoảng 810ha. Trong đó, diện tích nuôi vùng triều khoảng 540ha với 440ha nuôi tôm và 100ha nuôi các đối tượng cua, cá dìa, ngao... Thủy sản nước lợ tập trung nuôi ở Núi Thành (150ha), Tam Kỳ (70ha), Thăng Bình (110ha), Duy Xuyên (50ha) và Hội An (60ha).
Nuôi tôm trên cát với khoảng 270ha, bố trí ở Núi Thành (170ha), Thăng Bình (100ha). Nuôi cá lồng bè trên sông nước mặn, lợ với cá dìa, hồng, chẽm, mú khoảng 900 lồng (50 - 60m3/lồng). Trong đó, Hội An có 800 lồng, Núi Thành 100 lồng.
Bà Phạm Thị Hoàng Tâm - Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản Quảng Nam cho biết, các địa phương ven biển cần tăng cường tuyên truyền để người dân nâng cao ý thức bảo vệ thủy sản nuôi, có phương án đối phó mưa lũ hiệu quả.
“Các địa phương cần thông tin kịp thời tình hình bão lũ tới những người nuôi trồng thủy sản. Rà soát các vùng nuôi thủy sản có nguy cơ bị úng ngập và đề ra biện pháp bảo vệ cụ thể, hạn chế thiệt hại khi xảy ra bão. Nông hộ kiểm tra tôm, cá nuôi nếu đạt cỡ thương phẩm bán được cần tiến hành thu hoạch ngay để tránh thất thoát” - bà Tâm nói.
Theo ngành thủy sản, nếu tôm, cá chưa bán được thì nông hộ cần thực hiện các biện pháp gia cố bờ bao, cống, dùng lưới có kích thước mắt lưới phù hợp để bao xung quanh ao, tấn chân lưới kỹ. Cần hạn chế thay nước cho ao nuôi thủy sản trong thời điểm nước dâng và nước rút do lúc này nguồn nước thường bị ô nhiễm để tránh gây xáo động môi trường trong khu vực nuôi. Thường xuyên theo dõi thủy sản nuôi, phối hợp với ngành thủy sản để ứng phó kịp thời các sự cố không may xảy đến.