Ngăn chặn khai thác trái phép ở vùng biển nước ngoài
Vẫn còn nhiều tàu cá của ngư dân Quảng Nam đánh bắt hải sản trái phép ở vùng biển nước ngoài khiến cho việc gỡ “thẻ vàng” thủy sản của Ủy ban châu Âu (EC) và triển khai Luật Thủy sản gặp nhiều khó khăn.
Nhiều trường hợp vi phạm
Từ tháng 6.2020 đến nay, Chi cục Thủy sản Quảng Nam đã xử lý 10 trường hợp ngư dân đưa tàu cá ra ngoài vùng biển thuộc chủ quyền của nước ta để khai thác hải sản.
Ngư dân Phạm Văn H. (thôn thôn Đông An, xã Tam Giang, Núi Thành) cho biết, trữ lượng mực xà ở các vùng biển Hoàng Sa, Trường Sa ngày càng ít nên sản xuất rất khó khăn. Trong khi đó, nếu chỉ 1 - 2 chuyến biển thất thu là các bạn biển “nhảy” sang lao động ở tàu câu mực khác.
“Tôi sẽ bật thiết bị giám sát hành trình (GSHT) 24/24 giờ để nhận được cảnh báo, điều tàu vào phạm vi lãnh hải của nước ta để sản xuất. Nếu không may thiết bị GSHT bị hỏng, tôi sẽ liên tục liên lạc về đất liền” - ông H. nói.
Theo Chi cục Thủy sản Quảng Nam, từ đầu năm đến nay, đã có 28 trường hợp ngư dân trên địa bàn tỉnh đánh bắt hải sản trái phép ở vùng biển nước ngoài, đều là các tàu câu mực khơi, 1 trường hợp của ngư dân xã Bình Minh (Thăng Bình), 27 trường hợp của ngư dân xã Tam Giang (Núi Thành).
Ngư dân Vương C. (thôn Hà Bình, xã Bình Minh) mới đây được Chi cục Thủy sản yêu cầu viết bản cam kết không để tái diễn sai phạm sản xuất ở vùng biển nước ngoài. Ông C. cho rằng, không cố ý đưa tàu ra vùng biển nước ngoài câu mực khơi. Khi thả trôi, tàu bị gió đẩy ra khỏi ranh giới của vùng biển Việt Nam. Còn thiết bị GSHT bị sét đánh hư hỏng nên không nhận được cảnh báo để điều tàu vào phạm vi khai thác hải sản hợp pháp của vùng biển nước ta.
“Tôi cam đoan sẽ khai thác hải sản đúng quy định ở các vùng biển thuộc chủ quyền của Việt Nam trong thời gian đến” - ông Vương C. nói.
Theo tìm hiểu của chúng tôi, từ đầu năm đến nay, mặc dù có nhiều tàu cá tắt thiết bị GSHT khi đánh bắt hải sản trái phép ở vùng biển nước ngoài nhưng chưa có trường hợp nào bị xử phạt theo Nghị định 42 của Chính phủ. Do các mức phạt theo nghị định này cao, từ vài chục triệu đồng đến 500 triệu đồng, nên ngành chức năng chỉ nhắc nhở.
Kiên quyết ngăn chặn
Chủ tịch UBND tỉnh Lê Trí Thanh cho rằng, Quảng Nam đang cùng cả nước nỗ lực gỡ “thẻ vàng” thủy sản nên các ngành chức năng cần chấn chỉnh, ngăn chặn ngay các trường hợp ngư dân đánh bắt hải sản trái phép ở vùng biển nước ngoài, tắt GSHT khi đang hoạt động trên biển. Luật Thủy sản 2019 cũng quy định cụ thể các nội dung nói trên, cần tuân thủ nghiêm ngặt.
“EC đã có nhiều khuyến cáo về chống khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo, không đúng quy định để nước ta được gỡ “thẻ vàng” thủy sản. Ngành thủy sản, Sở NN&PTNT cần khẩn trương tham mưu UBND tỉnh ban hành quy trình xử lý tàu cá có chiều dài từ 15m trở lên đánh bắt hải sản trái phép ở vùng biển nước ngoài, cũng như tắt GSHT khi sản xuất trên biển” - Chủ tịch UBND tỉnh Lê Trí Thanh nói.
Bà Phạm Thị Hoàng Tâm - Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản cho biết, đang tham mưu Sở NN&PTNT xây dựng nội dung, quy định nói trên để trình UBND tỉnh thông qua. Hiện nay, đang khảo sát ý kiến của các địa phương có nghề cá, các sở, ngành liên quan và khẩn trương hoàn thiện.
“Nếu tàu cá Quảng Nam bị nước ngoài bắt giữ thì sẽ bị xử phạt nặng với số tiền lên đến 1 tỷ đồng. Chúng tôi phối hợp chặt chẽ với các lực lượng biên phòng, cảnh sát biển, kiểm ngư, các địa phương ven biển tuyên truyền ngư dân chấp hành đúng các khuyến cáo của EC về gỡ “thẻ vàng” thủy sản. Các tàu cá tắt GSHT hoặc đưa tàu ra khỏi vùng biển nước ta để sản xuất sẽ không được xét hỗ trợ dầu với mức tối đa là 100 triệu đồng/chuyến biển” - bà Tâm nói.
Công tác xác minh tàu cá khai thác hải sản trái phép ở vùng biển nước ngoài và tắt GSHT còn gặp khó khăn do không ít vùng biển giáp ranh, chồng lấn, tranh chấp giữa Việt Nam và các nước trong khu vực. Đặc biệt, các chủ tàu, thuyền trưởng thường trốn tránh trách nhiệm, quanh co không thừa nhận, xóa bỏ nhật ký hành trình trên máy định vị vệ tinh, tháo gỡ thiết bị GSHT tàu cá. Không ít ngư dân tháo gỡ thiết bị GSHT nhưng mức xử phạt đối với hành vi này chỉ từ 3 - 5 triệu đồng nên chưa đủ sức răn đe. Do vậy, ngành chức năng cần thực hiện đồng bộ các giải pháp, kiên quyết ngăn chặn, chấm dứt tình trạng tàu cá đánh bắt hải sản trái phép ở vùng biển nước ngoài cũng như tắt thiết bị GSHT khi hoạt động trên biển.