Phát triển nghề khai thác hải sản bền vững: Cần những giải pháp thiết thực
Nguồn lợi hải sản ven bờ bị khai thác tận diệt; cường lực khai thác hải sản xa bờ đã vượt ngưỡng nhưng giá trị kinh tế mang lại chưa cao. Vì vậy nghề khai thác hải sản của ngư dân Quảng Nam rất cần giải pháp thiết thực để phát triển bền vững.
Nhiều bất cập
Từ đầu năm đến nay, Chi cục Thủy sản tiến hành 4 đợt tuần tra, kiểm soát trên biển, phát hiện 6 trường hợp ngư dân sản xuất sai quy định, xử phạt hơn 81 triệu đồng; đáng nói, trong đó có đến 4 trường hợp tàu giã cào “cày xới” vùng biển ven bờ, tận diệt nguồn lợi hải sản.
“Vẫn còn trường hợp tàu cá của ngư dân Quảng Nam đăng ký nghề câu, lưới rê nhưng lại sản xuất trên biển bằng nghề giã cào. Có trường hợp bị phát hiện, xử phạt nặng ngư dân không đủ tiền nộp. Có tàu cá giã cào của ngư dân bị phạt 2 - 3 lần/năm. Vì sinh kế nên có nhiều trường hợp ngư dân bất kể tác hại nguồn lợi vẫn sản xuất giã cào ở vùng biển ven bờ” - ông Nguyễn Văn Khánh, Phó Trưởng phòng phụ trách Phòng Thanh tra, pháp chế (Chi cục Thủy sản) nói.
Bà Phạm Thị Hoàng Tâm - Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản cho biết, những năm gần đây, nguồn lợi hải sản tiếp tục có dấu hiệu suy giảm cả về trữ lượng, chất lượng. Qua theo dõi, điều tra nguồn lợi, nhiều loài hải sản giá trị kinh tế cao có tần suất xuất hiện rất thấp, nhất là nhóm hải sản tầng đáy. Cường lực khai thác hải sản ở các vùng biển xa đã vượt quá mức so với khả năng cho phép của trữ lượng hải sản. Vì thế, sản lượng hải sản khai thác được của ngư dân đạt thấp, giá trị kinh tế thu được sau mỗi chuyến biển không cao.
“Ngư dân toàn tỉnh đang gặp khó bởi ảnh hưởng dịch Covid-19. Thị trường tiêu thụ hải sản bị gián đoạn do chưa xuất khẩu được, kéo theo giá sản phẩm bị giảm sâu đã ảnh hưởng trực tiếp đến hiệu quả sản xuất của ngư dân. Việc bảo quản hải sản còn kém nên mức hao hụt giá trị hải sản sau khai thác lên đến hơn 25%” - bà Tâm nói.
Theo ông Ngô Tấn - Phó Giám đốc Sở NN&PTNT, nguồn lợi hải sản ven bờ bị tận diệt dẫn tới cá, tôm không dễ sinh trưởng, nguồn lợi thủy sản chậm tái tạo. Các nghề khai thác hải sản xa bờ do biến đổi khí hậu, thời tiết nóng bức dẫn đến các loài cá, mực di cư suy giảm. Biểu hiện rõ nét nhất là mực xà - sản phẩm của 2 nghề chủ lực câu mực khơi và lưới chụp đạt thấp, chỉ bằng 2/3 so với các chuyến biển cùng kỳ năm trước.
Giải pháp thiết thực
Bà Phạm Thị Hoàng Tâm cho biết, tại hội nghị tìm giải pháp nâng cao hiệu quả khai thác, chế biến, tiêu thụ hải sản năm 2020 được Bộ NN&PTNT tổ chức ở Phú Yên mới đây, ngành thủy sản Trung ương và các tỉnh thành thảo luận và thống nhất nhiều giải pháp. Đó là trợ giúp ngư dân ứng dụng mạnh mẽ công nghệ, kỹ thuật tiên tiến trong khai thác hải sản và bảo quản sản phẩm sau khai thác đạt chất lượng. Các doanh nghiệp cần đẩy mạnh chế biến sâu, chế biến đồ hộp, chuẩn bị kho lạnh mua dự trữ nguyên liệu để sau dịch Covid-19 có thể xuất khẩu đến các thị trường trên thế giới, nhất là châu Âu, Mỹ, Nhật và Hàn Quốc.
Các địa phương cần tăng cường công tác quản lý tàu cá, chú trọng đầu tư và quản lý cơ sở hạ tầng, dịch vụ hậu cần nghề cá, giúp ngư dân ổn định đầu ra hải sản, hạn chế o ép từ tư thương, đầu nậu. Đặc biệt, ngành thủy sản sơ kết, tổng kết hoạt động của chuỗi liên kết khai thác, thu mua, chế biến hải sản để đề xuất mỗi tỉnh thành có cơ chế, chính sách hỗ trợ, nhân rộng mô hình.
Ông Ngô Tấn cho biết, Bộ NN&PTNT đã phân bổ hạn ngạch giấy phép khai thác hải sản cho các tỉnh thành. Theo đó, Quảng Nam chỉ giới hạn cấp phép cho 782 tàu cá sản xuất ở ngư trường xa bờ, 716 tàu cá khai thác hải sản ở tuyến lộng và 1.338 phương tiện đánh bắt hải sản ven bờ.
Đến nay, hạn ngạch ở Quảng Nam đã sắp hết nên trong thời gian đến sẽ quản lý chặt, hạn chế phát sinh thêm tàu thuyền, tránh khai thác quá mức ở cả 3 ngư trường nói trên. Quảng Nam đang cơ cấu lại nghề cá, không tăng sản lượng khai thác mà tập trung vào chuỗi giá trị. Tỉnh chú trọng chuyển đổi nghề cho cộng đồng ngư dân hành nghề te, xiệp, lưới kéo ở ven bờ sang các nghề khác cũng như phát triển đồng quản lý bảo vệ nguồn lợi hải sản.
Những giải pháp trên rất cần sự vào cuộc đồng bộ của các địa phương, ngư dân, tạo sự chuyển biến, tăng “sức bền” cho nghề khai thác hải sản.