Triển vọng mô hình nuôi cá bớp

HOÀNG LIÊN - MỸ LINH 20/07/2020 12:03

Thời gian qua một số mô hình nuôi cá bớp lồng bè tại vùng ven biển Núi Thành đã đạt hiệu quả bước đầu, là cơ sở để nhân rộng cho vùng ven biển Quảng Nam.

Mô hình nuôi cá bớp thương phẩm trong lồng bè tại Tam Hải bước đầu khá thành công. Ảnh: HOÀNG LIÊN
Mô hình nuôi cá bớp thương phẩm trong lồng bè tại Tam Hải bước đầu khá thành công. Ảnh: HOÀNG LIÊN

Những năm 2019 - 2020, Phòng NN&PTNT huyện Núi Thành phối hợp với Trung tâm Chọn giống cá rô phi - Viện Nghiên cứu nuôi trồng thủy sản 1 (Phú Ninh) triển khai mô hình chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật nuôi cá bớp lồng bè cho một số hộ ở Tam Hải, Tam Tiến, Tam Hòa.  Mỗi hộ thả nuôi khoảng 3 - 5 lồng bè với hàng nghìn con giống, bước đầu cho kết quả khả quan.

Bà Võ Thị Một (thôn Xuân Mỹ, Tam Hải) cho biết, bà thả nuôi 7 lồng với 1.900 con giống cá bớp cùng một số cá chim vây trắng, cá mú, chang cu... “Đàn cá lớn nhanh, tôi chuẩn bị xuất bán. Nếu giá tốt khoảng 120 nghìn đồng/kg thì cá bớp có giá trị kinh tế cao hơn so với cá chim trắng, chang cu” - bà Một nói.

Còn bà Trần Thị Nhung (thôn Xuân Mỹ, xã Tam Hải) thả 1.800 con giống trong 5 lồng bè, chuẩn bị xuất bán sau 6 tháng nuôi với trọng lượng mỗi con 3,5 - 4kg. Bà Nhung cho biết, vùng cửa biển qua thôn Xuân Mỹ là vùng nước sạch, thích hợp với cá bớp nên lứa nuôi khá thành công. Thức ăn của cá bớp rất đa dạng, gồm sinh vật phù du, cá con, cá mồi được mua lại từ các tàu bè trên biển. Dù là nuôi lồng bè nhưng cá bớp chỉ ăn cá bột, cá mồi, sinh vật biển nên gần như là cá tự nhiên, được thị trường ưa chuộng.

“Lứa tới tôi định thả nuôi thêm 1 lồng nữa, nếu có vốn ổn định tôi sẽ mở rộng diện tích nuôi cá bớp kết hợp với nhiều đối tượng khác như chang cu, cá chim trắng, cá mú” - bà Nhung cho hay.

Dù cá bớp nuôi có giá trị kinh tế, song tâm lý người dân vùng ven biển Núi Thành khá dè dặt trong việc nhân đàn bởi lo thị trường, giá cả, nhất là sau đợt dịch Covid-19 đến nay. Nhiều người nuôi cá bớp cho biết, so với thời điểm trước dịch - giá cá bớp thương phẩm khoảng 150 - 200 nghìn đồng/kg thì hiện nay giá cả giảm đáng kể. Chi phí mua cá mồi tăng lên gấp đôi, từ 5 nghìn đồng lên 10 - 15 nghìn đồng/kg khiến lợi nhuận giảm đi.

Bà Võ Thị Một chia sẻ: “Chúng tôi lo đầu ra, giá cả nên việc nhân nuôi, mở rộng còn dè dặt. Một phần, đây là đối tượng nuôi đòi hỏi chi phí bỏ ra rất lớn gồm con giống, lồng bè, thức ăn...”.

Nuôi cá bớp lồng bè tại vùng ven biển Núi Thành:

Ông Nguyễn Hồng Điệp - Giám đốc Trung tâm Chọn giống cá rô phi - Viện Nghiên cứu nuôi trồng thủy sản 1 khuyến cáo, người dân cần chú ý đến nguồn gốc, xuất xứ, chất lượng của con giống, tránh mua con giống trôi nổi, nhập lậu có giá thành thấp hơn nhưng tiềm ẩn mầm bệnh, gây thiệt hại, thất thoát trong quá trình nuôi.

Ông Điệp chia sẻ: “Nhiều khu vực cửa sông, cửa biển Quảng Nam có thể nuôi cá bớp, bởi giống cá này phù hợp với môi trường, nguồn nước sạch, lưu thông. Ngoài mô hình nuôi cá bớp trong lồng bè ở Tam Hải khá thành công, chúng tôi còn triển khai thí điểm mô hình nuôi cá bớp trong ao lót bạt ở Tam Hòa, sắp tới sẽ có đánh giá thực tiễn. Nếu mô hình nuôi trong ao lót bạt thành công, người dân nuôi tôm ven biển sẽ có thêm đối tượng nuôi mới, vừa có hiệu quả hơn con tôm, vừa giúp giảm ô nhiễm môi trường”.

HOÀNG LIÊN - MỸ LINH