Khuyến khích ngư dân ứng dụng công nghệ mới
Quảng Nam đang thực hiện chiến lược hiện đại hóa nghề cá, phát triển bền vững; trong đó khuyến khích ngư dân ứng dụng các thành tựu khoa học, công nghệ mới vào sản xuất.
Hiệu quả cao
Lưới chụp 4 tăng gông là một trong những thành quả nổi bật về ứng dụng công nghệ mới của nghề cá Quảng Nam trong thời gian gần đây. Nghề này khai thác các loại mực và cá nổi nhỏ, chủ yếu là mực ống, mực nang, mực xà... Theo các ngư dân, ứng dụng công nghệ này, năng suất khai thác hải sản tăng lên.
Ngư dân Huỳnh Ngọc Huệ (thôn Hòa An, xã Tam Giang, Núi Thành) - chủ tàu vỏ thép có công suất 803CV hành nghề lưới chụp cho biết, nghề này có thể khai thác quanh năm với ưu thế ít tốn sức lao động nhờ vào 4 tăng gông, hệ thống thu lưới bằng máy móc. Quy trình khai thác có 3 bước cơ bản là chong đèn gom hải sản, thả và thu lưới. Đây là kiểu khai thác dùng nhiều bóng đèn cao áp rọi xuống biển để dụ đàn cá, mực. Sau đó, 4 tăng gông sẽ bung lưới ra 4 phía, đèn sẽ tắt dần, ngư dân rút đáy lưới dồn mực, cá vào túi lưới và kéo lên tàu.
“Theo phương pháp đánh bắt truyền thống là câu mực trực tiếp bằng tay, mỗi ngư dân ngồi trên một thuyền thúng để câu nên năng suất thấp. Lưới chụp 4 tăng gông mang lại hiệu quả kinh tế cao hơn rất nhiều” - ông Huệ nói.
Ông Phạm Văn Châu - Chủ tịch UBND xã Tam Giang (Núi Thành) khẳng định, nghề lưới chụp dần thay thế nghề câu mực khơi là tín hiệu khả quan. Bởi nghề câu mực khơi trên thuyền thúng rất nguy hiểm, kéo dài 2 - 3 tháng/chuyến biển ở ngư trường khơi.
Thành quả khác về ứng dụng công nghệ mới trong nghề cá là sử dụng máy dò cá Sonar. Với thiết bị này, ngư dân theo nghề lưới vây có thể phát hiện được đàn cá cách xa vài trăm mét. Sau khi phát hiện, tàu sẽ lại gần, dùng ánh sáng thu hút đàn cá, vây cá lại rồi tổ chức đánh bắt. Với phương pháp này, ngư dân tiết kiệm được thời gian, công sức, giảm hao tổn chi phí chuyến biển, nâng cao năng lực đánh bắt cá nục, cá ngừ. Ngoài ra, ngư dân trên địa bàn tỉnh đang ứng dụng đèn Led để đánh bắt hải sản xa bờ.
Ngư dân Nguyễn Minh Quang (thôn Hà Lộc, xã Tam Tiến, Núi Thành) - chủ tàu cá có công suất 810CV cho biết, trước đây, sử dụng bóng đèn Metal halide có công suất 1.000W để đánh bắt hải sản nên chi phí nhiên liệu cho chuyến biển rất cao. Khi được ngành chức năng lắp đặt đèn Led và điện mặt trời trên tàu cá, hiệu quả kinh tế chuyến biển tăng lên rõ rệt. Hệ thống đèn này có bước sóng ánh sáng phù hợp để các loại cá dễ bị thu hút. Ngư dân sử dụng hệ thống đèn Led giúp tăng năng suất đánh bắt hải sản.
Cần nhân rộng
Thời gian qua, Trung tâm Khuyến nông quốc gia đã phối hợp với một số địa phương trên phạm vi cả nước triển khai nhiều giải pháp công nghệ bảo quản hải sản sau khai thác như thiết bị cấp đông trên tàu vỏ thép hoặc vỏ vật liệu mới, bảo quản bằng ni tơ lỏng, công nghệ làm đông tế bào sống, công nghệ sản xuất đá vẩy, dùng nước biển lạnh bảo quản hải sản... Quảng Nam đang nghiên cứu, để ứng dụng các hình thức bảo quản hải sản nói trên để tiếp tục hiện đại hóa nghề cá.
Theo tìm hiểu của chúng tôi, ngư dân trên địa bàn tỉnh chưa mạnh dạn ứng dụng máy móc, công nghệ, thiết bị mới trong nghề khai thác hải sản vì chi phí quá cao. Ví như ra đa hàng hải rất hữu ích với ngư dân đánh bắt xa bờ, nhưng để đầu tư, ngư dân cần kinh phí hơn 100 triệu đồng. Trong khi đó, thời gian qua, nhiều chuyến biển của ngư dân gặp khó do nguồn lợi giảm sút. Tương tự, nếu lắp đặt hầm bảo quản ứng dụng công nghệ PU, ngư dân có thể nâng cao chất lượng hải sản sau khai thác, tăng giá trị kinh tế thu được sau mỗi chuyến biển, nhưng phải huy động gần 100 triệu đồng để lắp đặt nên ngại đầu tư.
Ông Phạm Viết Tích - Giám đốc Sở KH-CN cho rằng, chủ trương hiện đại hóa, công nghiệp hóa nghề cá là rất phù hợp với bối cảnh hiện nay. Nghề cá Quảng Nam cần ứng dụng khoa học - công nghệ để nâng cao hiệu quả sản xuất, tránh bị tụt hậu. Thực tế là Quảng Nam đã thí điểm, hỗ trợ nhiều chủ tàu cá áp dụng các mô hình ứng dụng công nghệ mới rất thiết thực.
“Ngành chức năng cần đẩy mạnh tuyên truyền để ngư dân học hỏi, ứng dụng các thành quả khoa học - công nghệ. Cùng với đó, nghiên cứu có chính sách hỗ trợ vốn vay đào tạo nghề để ngư dân mạnh dạn đầu tư sau khi tìm hiểu kỹ càng” - ông Phạm Viết Tích nói.
Chính phủ đã ban hành nhiều chính sách hỗ trợ giảm tổn thất trong nông nghiệp, trong đó có hỗ trợ lãi suất vay đầu tư các trang thiết bị và đóng mới tàu thu mua chế biến hải sản.
Ông Ngô Tấn - Phó Giám đốc Sở NN&PTNT cho biết, các chính sách này rất thiết thực nhưng phạm vi áp dụng thì không phải ngư dân nào cũng có thể tiếp cận được vì cần vốn đối ứng khá cao. Do đó, đến nay mới chỉ có các tàu được đóng mới theo Nghị định 67 của Chính phủ về một số chính sách phát triển thủy sản mới có thể tiếp cận, ứng dụng.
“Ngành nông nghiệp giao Trung tâm Khuyến nông nghiên cứu, tiếp cận vốn ngân sách, hỗ trợ ngư dân tiếp tục lắp đặt các thiết bị khoa học tiên tiến, hiện đại, giúp tàu khai thác hải sản xa bờ nâng cao hiệu quả sản xuất, phát triển bền vững” - ông Ngô Tấn nói.