Khó thực hiện quy định chức danh tàu cá

VIỆT NGUYỄN 25/05/2020 09:53

Tàu cá muốn được xuất bến, vươn khơi phải đáp ứng các yêu cầu về chức danh thuyền trưởng, thuyền phó, máy trưởng, thợ máy, thuyền viên. Tuy nhiên, thực hiện quy định này đang gặp nhiều khó khăn.

Nhiều tàu cá chưa thực hiện được quy định chức danh tàu cá. Ảnh: VIỆT NGUYỄN
Nhiều tàu cá chưa thực hiện được quy định chức danh tàu cá. Ảnh: VIỆT NGUYỄN

Khó thực hiện

Chủ tịch UBND tỉnh Lê Trí Thanh yêu cầu Sở NN&PTNT, Chi cục Thủy sản, Bộ Chỉ huy Bộ đội biên phòng tỉnh, các địa phương có nghề cá phối hợp chặt chẽ để áp dụng đồng bộ các giải pháp, giúp ngư dân tuân thủ quy định về chức danh nghề cá. Không thể cứ nhắc nhở, vận động ngư dân mãi, mà phải có hình thức xử lý nghiêm, hợp tình, hợp lý để giúp ngư dân tự giác, tự nguyện thực hiện các quy định để nghề cá ngày càng có trách nhiệm, ổn định.

Nhóm tàu cá có chiều dài từ 24m trở lên, ngoài có ít nhất 2 thuyền viên, bắt buộc có 4 chức danh. Trong đó, thuyền trưởng phải có chứng chỉ thuyền trưởng tàu cá hạng I, thuyền phó phải có chứng chỉ thuyền trưởng tàu cá hạng II, máy trưởng phải có chứng chỉ máy trưởng tàu cá hạng I, thợ máy phải có chứng chỉ thợ máy tàu cá.

Ông Trần Văn Nhân (thôn Sâm Linh Đông, xã Tam Quang, Núi Thành) - chủ tàu cá QNa-91441 hành nghề lưới chụp nói: “Bạn biển và chủ tàu thông thường chỉ thỏa thuận lao động bằng miệng chứ không có hợp đồng ràng buộc, việc chấm dứt việc làm rất đơn giản. Chủ tàu bỏ tiền ra cho lao động đi học lấy chứng chỉ, có khi khai thác hải sản gặp lúc thua lỗ, lao động sẽ “nhảy” sang tàu cá khác. Khi ấy chủ tàu lại phải thuê người khác, bỏ tiền cho họ đi học lấy chứng chỉ, rất tốn kém mà không chắc chắn bạn biển đó sẽ gắn bó với mình hay không”. Từ thực tế đó, nhiều chủ tàu “lơ là” thực hiện quy định phải có đầy đủ các chức danh tàu cá.

Đối với nhóm tàu cá có chiều dài 6 - 12m, sản xuất ven bờ, cũng phải đáp ứng quy định có 1 thuyền trưởng tàu cá hạng III và ít nhất 1 thuyền viên. Về điều này, ngư dân Nguyễn Trọng Thảo (thôn Hà Bình, xã Bình Minh, Thăng Bình) cho biết: “Tàu của tôi mặc dù có chiều dài 6m, rất nhỏ, chưa thực hiện các thủ tục đăng kiểm vẫn phải đi biển sản xuất hằng ngày. Hoạt động ven bờ, thu nhập chẳng đáng là bao, chủ yếu là lấy công làm lời, làm gì có tiền để học, trang bị chứng chỉ thuyền trưởng tàu cá hạng III. Thuê thuyền viên thì càng khó khăn hơn vì đâu có thuyền viên nào muốn đi biển cho thuyền nhỏ với nguồn thu nhập lúc có lúc không”.

Ngoài ra, đối với nhóm tàu từ 15 đến dưới 24m, ngoài có ít nhất 1 thủy thủ, bắt buộc phải có 3 chức danh: thuyền trưởng phải có chứng chỉ thuyền trưởng tàu cá hạng II, máy trưởng phải có chứng chỉ máy trưởng tàu cá hạng II, thợ máy phải có chứng chỉ thợ máy tàu cá. Đối với nhóm tàu cá từ 12m đến dưới 15m, phải có 3 chức danh: thuyền trưởng phải có chứng chỉ thuyền trưởng tàu cá hạng III, máy trưởng phải có chứng chỉ máy trưởng tàu cá hạng III, thuyền viên có ít nhất 1 người.

Bà Phạm Thị Hoàng Tâm - Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản cho biết, quy định về các chức danh trên tàu cá là rất chặt chẽ, cụ thể hóa thực hiện Luật Thủy sản 2017. Quy định nhằm giúp những chuyến đi biển của ngư dân được an toàn, từng bước nâng cao trình độ, tay nghề của ngư dân khi tham gia khai thác trên biển, hướng đến nghề cá bền vững, chuyên nghiệp.

Không dễ quản lý

Theo ông Ngô Tấn - Phó Giám đốc Sở NN&PTNT, việc triển khai quy định về các chức danh trên tàu cá hiện nay gặp rất nhiều khó khăn, do lao động nghề biển đang đối diện với tình trạng vừa thiếu về số lượng vừa yếu về trình độ, tay nghề. Trong khi đó, đặc thù của lao động nghề biển là thường xuyên thay đổi, các lao động không ổn định lâu dài trên một tàu cá.

Để đảm bảo quy định về các chức danh, vị trí trên tàu cá, Sở NN&PTNT đã giao nhiệm vụ Chi cục Thủy sản phối hợp với các địa phương ven biển tuyên truyền cho ngư dân biết và đăng ký tham gia các lớp đào tạo thuyền trưởng, máy trưởng, thợ máy. Đồng thời yêu cầu chủ tàu khi cho tàu cá vươn khơi phải đảm bảo các vị trí, chức danh đúng quy định, nhất là đối với đội tàu có chiều dài từ 15m trở lên. Do thiếu lao động, nhiều chủ tàu cá trên địa bàn tỉnh đề xuất ngành chức năng cho phép kiêm nhiệm các chức danh thuyền trưởng, thuyền phó, thợ máy, máy trưởng nhưng không được vì quy định thuộc về Luật Thủy sản, không thể khác.

Thượng tá Nguyễn Mạnh Hùng - Phó Tham mưu trưởng Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh chia sẻ, theo quy định thì lực lượng kiểm soát biên phòng sẽ không thực hiện thủ tục xuất bến đối với tàu cá không có đầy đủ các chức danh tàu cá. Tuy nhiên, ngành chức năng đã “châm chước” để ngư dân ra khơi, vì sinh kế.

“Chúng tôi sẽ thiết lập kiểm soát chặt dần dần. Bước đầu chú trọng tuyên truyền, nhắc nhở để dần dà ngư dân đi vào nền nếp, tuân thủ các quy định” - Thượng tá Nguyễn Mạnh Hùng nói.

Đến nay, Chi cục Thủy sản đã phối hợp với UBND huyện Núi Thành, Thăng Bình tổ chức các lớp đào tạo thuyền trưởng, máy trưởng, thuyền phó, thợ máy. Học viên tham gia là ngư dân ở các địa bàn nói trên cộng với ngư dân huyện Duy Xuyên, TP.Hội An. Tuy nhiên bất cập là ngư dân theo học theo kiểu đối phó. Do đặc thù nghề cá bám biển quanh năm nên nhiều ngư dân sau khi đăng ký học đã nhờ người thân đi học thay, cụ thể hóa chứng chỉ nhưng không thực chất.

Bà Phạm Thị Hoàng Tâm cho rằng, với quy định chức danh tàu cá, cần thời gian dài để ngư dân thực hiện. Trước mắt, đề nghị lực lượng kiểm soát biên phòng không cho xuất bến đối với các tàu cá từ 15m trở lên không thực hiện đúng quy định. Còn nhóm tàu từ 6m đến dưới 12m và từ 12m đến dưới 15m thì... từ từ tính. Bởi, ngư dân thuộc 2 nhóm tàu nói trên hầu hết ở các vùng bãi ngang ven biển, hầu như không thực hiện các quy trình xuất bến với lực lượng kiểm soát biên phòng ở rất xa là Cửa Đại (TP.Hội An) hoặc An Hòa (Núi Thành) mà “tự nhiên” đi biển vào mọi lúc.

VIỆT NGUYỄN