Sản xuất vụ cá chính: Ngư dân phấn khởi vươn khơi

VIỆT NGUYỄN 14/04/2020 06:27

Giá dầu hạ, thời tiết thuận lợi, hải sản ổn định đầu ra nên ngư dân trên địa bàn tỉnh đang phấn khởi vươn khơi sản xuất xa bờ trong vụ cá chính, từ tháng 4 đến hết tháng 9.2020. 

Ngư dân Trần Hùng trên tàu cá hành nghề lưới vây. Ảnh: VIỆT NGUYỄN
Ngư dân Trần Hùng trên tàu cá hành nghề lưới vây. Ảnh: VIỆT NGUYỄN

Háo hức vươn khơi

Những ngày qua, ngư dân trên địa bàn tỉnh tất bật với các công đoạn tiếp nhiên liệu, vận chuyển đá cây, lương thực, thực phẩm, gas, nước uống lên các tàu sản xuất xa bờ để vươn khơi, sản xuất dài ngày. Thực hiện đúng quy định giãn cách xã hội, nhưng không vì thế mà không khí chuẩn bị vươn khơi của ngư dân kém khẩn trương, rộn ràng.

Theo ngư dân Trần Hùng (thôn Sâm Linh Tây, xã Tam Quang, Núi Thành) - chủ 2 tàu cá hành nghề lưới vây QNa-90216 và QNa-91216, giá dầu tác động rất lớn đến hoạt động khai thác hải sản xa bờ của ngư dân. Giá dầu giảm khiến cho chi phí nhiên liệu giảm, đồng thời giá các mặt hàng nhu yếu phẩm cần thiết cũng giảm theo nên chi phí cho chuyến biển hạ thấp đến 20%.

“Với 2 tàu cá có chiều dài đều hơn 15m, tổng công suất hơn 1.500CV, với mỗi chuyến sản xuất chừng 15 ngày ở vùng biển Hoàng Sa, chúng tôi tốn hơn 350 triệu đồng chi phí. Nay giá dầu diezen giảm xuống chỉ còn 11 nghìn đồng/lít, chi phí của chúng tôi sẽ chỉ còn chừng 280 triệu đồng, rất phấn khởi” - ông Hùng nói.

Ngư dân dự tính trong chuyến biển tới, với 2 tàu cá cùng sản xuất 1 lần, thu được chừng 40 tấn cá nục, cá ngừ. Với giá bán hiện nay ổn định ở mức trung bình 20 nghìn đồng/kg, chủ tàu thu được hơn 200 triệu đồng, mỗi bạn biển sẽ được chia hơn 10 triệu đồng. 

Quảng Nam hiện có 748 tàu cá sản xuất xa bờ. Nhờ dần hoàn thiện lắp đặt thiết bị giám sát hành trình nên ngư dân yên tâm sản xuất vụ cá chính.

Ngư dân Nguyễn Văn Nghị (thôn Sâm Linh Đông, xã Tam Quang, Núi Thành) - chủ tàu vỏ thép QNa-91439 có công suất 822CV hành nghề lưới chụp cho biết, thông qua thiết bị giám sát hành trình, tàu cá sản xuất ở ngư trường Hoàng Sa, Trường Sa luôn được các ngành chức năng dõi theo. Qua tin tức cung cấp đến các lực lượng chấp pháp của Việt Nam đang có mặt trên các vùng biển xa, ngư dân sẽ được hỗ trợ khi tàu nước ngoài xua đuổi phi lý.

“Thời tiết thuận lợi là ưu điểm lớn của vụ cá chính này. Chúng tôi luôn ra khơi với tâm thế giữ chủ quyền lãnh hải thiêng liêng của Tổ quốc. Nhờ quá trình sản xuất luôn có mặt của các thành viên trong nghiệp đoàn nghề cá cũng như tổ đoàn kết sản xuất số 4 thôn Sâm Linh Đông nên chúng tôi không sợ tàu nước ngoài cậy mạnh hiếp yếu” - ngư dân Nguyễn Văn Nghị nói. 

Nhiều ngư dân ở các huyện Thăng Bình, Duy Xuyên, TP.Hội An cũng rất háo hức với các chuyến biển của vụ cá chính này. Ngư dân Trần Văn Hơn (khối phố Phước Thịnh, phường Cửa Đại, TP.Hội An) - chủ tàu cá QNa-93254 có chiều dài 15m, công suất 450CV hành nghề câu cá hố cho biết, vụ cá chính này ông yên tâm sản xuất. Mong các chuyến biển ắp đầy hải sản, giúp ông ổn định thu nhập, yên tâm góp phần bảo vệ chủ quyền biển đảo của Tổ quốc”.

Tiếp sức ngư dân

Ngành thủy sản đang tập huấn, tuyên truyền, giúp ngư dân thực hiện đầy đủ các quy định của Luật Thủy sản và các nghị định, thông tư kèm theo, qua đó, sản xuất an toàn, hiệu quả, thực hiện đúng các khuyến cáo của Ủy ban châu Âu về “thẻ vàng” thủy sản.

Bà Phạm Thị Hoàng Tâm - Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản Quảng Nam cho biết, ngành khuyến khích ngư dân sản xuất trên biển theo mô hình tổ, đội đoàn kết sản xuất trên biển và mô hình tàu mẹ - tàu con để thực hiện tốt hậu cần nghề cá. Ngư dân với tàu nhỏ, mang hải sản khai thác được về bờ, bán xong thu mua dầu, các vật dụng thiết yếu mang ra biển phục vụ đánh bắt hải sản cho tàu lớn. Quá trình đó được thực hiện liên tục sẽ giúp ngư dân bám biển quanh năm, giảm chi phí sản xuất, nâng cao hiệu quả kinh tế.

Chính sách hỗ trợ nhiên liệu đi và về của chuyến biển theo Quyết định 48/2010/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ với mức hỗ trợ tối đa 4 chuyến biển/năm/400 triệu đồng là cơ chế khuyến khích, động viên ngư dân sản xuất xa bờ trong thời gian qua. Tuy nhiên, triển khai cơ chế này gặp không ít khó khăn do nhiều chủ tàu chưa trang bị thiết bị giám sát hành trình trên tàu cá sản xuất xa bờ.

Ông Ngô Tấn - Phó Giám đốc Sở NN&PTNT cho biết, đang tích cực động viên, hỗ trợ ngư dân hoàn thiện lắp đặt thiết bị giám sát hành trình để tiếp cận Quyết định 48 được thuận lợi hơn. Ngành chú trọng thực hiện chương trình điều tra, thu mẫu thống kê sản lượng khai thác hải sản cũng như theo dõi tình hình sản xuất, diễn biến ngư trường, nguồn lợi trên các vùng biển. Từ đó, kết hợp dự báo ngư trường, nguồn lợi của cơ quan Trung ương, thông tin cụ thể tình hình nguồn lợi, ngư trường, hướng dẫn kịp thời  giúp ngư dân khai thác hải sản hiệu quả hơn.

Nhiều địa phương trên địa bàn tỉnh cũng đã và đang tích cực triển khai công tác đào tạo nghề cho ngư dân. Trong đó, tập trung nhiều nhất vào công tác đào tạo thuyền trưởng, máy trưởng và thợ máy. Theo Chi cục Thủy sản Quảng Nam, hiện vẫn còn một số trường hợp ngư dân chưa đủ điều kiện về thuyền trưởng, máy trưởng, thợ máy nên sẽ tích cực hỗ trợ các địa phương thực hiện tốt công tác này. Chi cục sẽ hỗ trợ địa phương có nghề cá rà soát các chủ tàu chưa đáp ứng quy định về thuyền trưởng, máy trưởng, thợ máy, qua đó giúp họ tham gia các lớp đào tạo, cấp chứng chỉ để khai thác hải sản chuyên nghiệp hơn, hướng đến nghề cá có trách nhiệm, phát triển bền vững.

VIỆT NGUYỄN