Lắp đặt thiết bị giám sát hành trình trên tàu cá xa bờ: Không hoàn thành mục tiêu
Ngày 1.4 là hết hạn nhưng nhiều ngư dân trên địa bàn tỉnh hiện vẫn chưa lắp đặt thiết bị giám sát hành trình (GSHT) trên tàu cá sản xuất xa bờ có chiều dài từ 15m trở lên. Đây là thực trạng đáng quan tâm trong triển khai Luật Thủy sản, ảnh hưởng xấu đến việc đáp ứng điều kiện để gỡ “thẻ vàng” thủy sản.
Hoàn thành 406/748 tàu cá
Đến chiều 1.4, toàn tỉnh còn đến 342 tàu cá có chiều dài từ 15m trở lên chưa hoàn thiện việc lắp đặt thiết bị GSHT. Bà Phạm Thị Hoàng Tâm - Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản Quảng Nam cho biết, tháng 10.2017, khi Ủy ban châu Âu (EC) phạt “thẻ vàng” thủy sản nước ta đã đưa ra nhiều khuyến nghị, trong đó có yêu cầu tất cả tàu cá có chiều dài từ 15m trở lên sản xuất xa bờ bắt buộc phải lắp đặt thiết bị GSHT để loại bỏ khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo và không đúng quy định (IUU). Luật Thủy sản 2017 ra đời, có hiệu lực từ năm 2019 được kỳ vọng sẽ khắc phục tình trạng này.
Cụ thể hóa Luật Thủy sản, Chính phủ, Bộ NN&PTNT đã ban hành nghị định, thông tư, trong đó có quy định ngày 1.4 là thời hạn cuối cùng bắt buộc ngư dân phải lắp đặt xong thiết bị GSHT ở các tàu cá có chiều dài từ 15m trở lên sản xuất xa bờ.
Lắp đặt thiết bị GSHT trên tàu cá mang lại nhiều tiện ích cho ngư dân. Bởi ngoài chức năng tự động báo cáo vị trí với tần suất 2- 3 giờ/lần về Trung tâm Dữ liệu giám sát tàu cá còn có thêm tiện ích về hỗ trợ thông tin dự báo thời tiết, gửi báo động cấp cứu thông báo vị trí tàu gặp sự cố, hỗ trợ trong công tác phòng, chống thiên tai, tìm kiếm cứu hộ, cứu nạn trên biển...
“Mặc dù đã được tuyên truyền, vận động, đôn đốc, nhắc nhở nhưng nhiều chủ tàu chậm trễ trong lắp đặt thiết bị GSHT, ảnh hưởng xấu đến nỗ lực chung của nghề khai thác hải sản Quảng Nam cũng như cả nước” - bà Tâm nói.
Khảo sát trên địa bàn tỉnh, chúng tôi nhận thấy không ít ngư dân “lơ là” với quy định lắp đặt thiết bị GSHT trên tàu cá sản xuất xa bờ. Nhiều ngư dân nói họ không đủ tiền (khoảng 25 triệu đồng) để lắp đặt thiết bị GSHT.
Một số chủ tàu cho biết, đang liên hệ với các nhà cung cấp để lựa chọn thiết bị GSHT chất lượng. Trong khi đó, có những tàu cá mặc dù chiều dài thân tàu là 15m nhưng máy thủy chính lại có công suất dưới 90CV, hoạt động ở tuyến lộng nên nằm ngoài quy định phải lắp đặt thiết bị GSHT.
Ngư dân Trần Văn Dồn (khối phố Phước Hải, phường Cửa Đại, TP.Hội An) - chủ tàu cá QNa-92224 có chiều dài 15m hành nghề câu cá hố cho biết: “Hiện tại có đến 6 công ty cung cấp thiết bị GSHT. Thiết bị GSHT của các đơn vị chênh nhau hơn 5 triệu đồng/sản phẩm. Ngoài chi phí mua máy, chúng tôi còn phải tốn tiền lắp đặt, phí duy trì hoạt động, bảo dưỡng định kỳ. Cũng phải kể đến các tiện ích mang lại của thiết bị GSHT nên cân nhắc lựa chọn, quyết định trong vài ngày tới”.
Nhiều mối lo
Tại buổi làm việc của Bộ NN&PTNT với ngành thủy sản Quảng Nam về gỡ “thẻ vàng” thủy sản mới đây, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến cho biết, tháng 5 này, EC sẽ quay lại Việt Nam để kiểm tra thực hiện các khuyến nghị về IUU, nếu cả nước thực hiện kém, có thể mức phạt sẽ nâng lên thành “thẻ đỏ”. Bởi vậy, Quảng Nam cần khẩn trương thực hiện các phần việc.
Bà Phạm Thị Hoàng Tâm cho biết, sẽ phối hợp chặt chẽ với các địa phương có nghề cá, các cơ quan thông tin tuyên truyền để tiếp tục vận động ngư dân nhanh chóng lắp đặt thiết bị GSHT trên tàu cá có chiều dài từ 15m trở lên sản xuất xa bờ. Theo quy định, các chủ tàu chưa hoàn thiện thiết bị GSHT sẽ không được cấp giấy phép khai thác hải sản, không được lực lượng biên phòng tuyến biển cấp giấy xuất bến ra biển đánh bắt hải sản. Tuy nhiên, Quảng Nam chỉ có 2 đồn biên phòng tuyến biển ở cửa An Hòa (Núi Thành) và Cửa Đại (TP.Hội An) nên các chủ tàu ở khu vực bãi ngang ven biển có thể lách biên phòng tuyến biển để đi sản xuất. Nếu vậy, sẽ rất nguy vì đánh bắt hải sản bất hợp pháp, không báo cáo, không đúng quy định.
Ông Ngô Văn Định - Phó Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản Quảng Nam cho biết, theo quy định của Luật Thủy sản, khi sản xuất trên biển, thuyền trưởng hay chủ tàu cá phải đảm bảo thiết bị GSHT hoạt động liên tục 24/24 giờ. Trường hợp thiết bị GSHT bị hỏng, ngư dân phải sử dụng các thiết bị thông tin liên lạc khác, báo cáo vị trí tàu cá đang có mặt về trung tâm ở trung ương hoặc 28 tỉnh, thành phố ven biển với mật độ 1 lần/6 giờ. Khi về bờ, chủ tàu cá phải thực hiện ngay nhiệm vụ sửa chữa thiết bị GSHT.
Bởi vậy, ngành thủy sản sẽ phối hợp với các ngành chức năng đẩy mạnh thanh tra, kiểm soát trên biển trong thời gian đến. Khi phát hiện các hành vi sai phạm về sử dụng thiết bị GSHT trên tàu cá sẽ xử lý nghiêm.
Theo đó, căn cứ vào Nghị định số 42/2019/NĐ-CP ngày 16.5.2019 của Chính phủ, nếu không trang bị thiết bị GSHT trên tàu cá khi sản xuất, chủ tàu sẽ bị phạt 300 - 500 triệu đồng đối với tàu cá có chiều dài từ 15m đến dưới 24m và phạt tiền 800 triệu - 1 tỷ đồng đối với tàu cá có chiều dài từ 24m trở lên. Nếu ngư dân không duy trì hoạt động hoặc vô hiệu hóa thiết bị GSHT khi tàu cá hoạt động trên biển, phạt 200 - 300 triệu đồng đối với tàu cá có chiều dài từ 15m đến dưới 24m, phạt từ 300 - 500 triệu đồng đối với tàu cá có chiều dài từ 24m trở lên.
“Các quy định về trang bị, sử dụng thiết bị GSHT trên tàu cá là rất nghiêm ngặt. Ngư dân cần nghiêm túc chấp hành để khỏi bị phạt nặng và ảnh hưởng xấu đến gỡ “thẻ vàng” thủy sản của cả nước” - ông Ngô Văn Định nói.