Động lực vươn khơi, bám biển xa bờ

VIỆT NGUYỄN 01/04/2020 08:55

Quỹ Hỗ trợ ngư dân (HTND) Quảng Nam đang tiếp sức cho ngư dân vay vốn không lãi suất để đóng tàu lớn vươn khơi sản xuất xa bờ, làm giàu từ biển đi đôi với bảo vệ chủ quyền thiêng liêng của Tổ quốc.

Nhiều tàu cá đóng mới từ vốn vay của Quỹ HTND Quảng Nam làm ăn hiệu quả. Ảnh: VIỆT NGUYỄN
Nhiều tàu cá đóng mới từ vốn vay của Quỹ HTND Quảng Nam làm ăn hiệu quả. Ảnh: VIỆT NGUYỄN

Tiếp sức ngư dân

Ngư dân Võ Văn Đồng (thôn Tiên Xuân 1, xã Tam Anh Nam, Núi Thành) khấp khởi vui mừng vì con tàu mơ ước bấy lâu sắp hoàn thiện. Trước đây ông Đồng sở hữu tàu cá QNa-00545 có công suất 30CV, hành nghề lưới rê hỗn hợp. Tàu công suất nhỏ, chỉ hoạt động ở tuyến lộng nên ông mong mỏi được vay vốn của Quỹ HTND Quảng Nam để đóng tàu lớn, sản xuất xa bờ.

“Tôi huy động được hơn 1,5 tỷ đồng làm vốn đối ứng để vay 1,5 tỷ đồng lãi suất 0% của Quỹ HTND Quảng Nam, đóng được tàu có chiều dài 16,5m, công suất 718CV hành nghề lưới rê hỗn hợp. Nay các công đoạn đóng tàu gần xong, sắp tới Chi cục Thủy sản Quảng Nam cấp giấy phép khai thác hải sản cho tàu cá là tôi có đủ điều kiện sản xuất xa bờ” - ông Võ Văn Đồng nói.

Sở hữu tàu cá QNa-91087 có công suất 360CV, lâu nay ngư dân Nguyễn Văn Tự (thôn Phú Tân, xã Tam Xuân 1, Núi Thành) thực hiện dịch vụ hậu cần trên biển đi đôi với nghề câu.

Ông Ngô Tấn - Phó Giám đốc Sở NN&PTNT cho biết, trước đây, Quảng Nam khó tăng số lượng đội tàu sản xuất xa bờ vì ngư dân khó huy động vốn đối ứng 1,5 tỷ đồng để tiếp cận Quỹ HTND Quảng Nam đóng mới tàu cá công suất lớn. Nay thì ngược lại, ngư dân Quảng Nam dễ huy động vốn để tiếp cận Quỹ HTND Quảng Nam thì tỉnh lại sắp hết hạn ngạch đóng mới tàu công suất lớn nên nhiều ngư dân muốn đóng mới tàu lớn đành chịu. “Theo chỉ tiêu Trung ương giao, Quảng Nam chỉ có hạn ngạch 782 tàu cá sản xuất xa bờ, nay đã hết. Chúng tôi sẽ đề xuất UBND tỉnh chuyển mục đích hoạt động của Quỹ HTND Quảng Nam trong thời gian đến” - ông Ngô Tấn nói.

“Nhờ có hơn 1,5 tỷ đồng đối ứng nên tôi tiếp cận vốn vay không lãi suất của Quỹ HTND Quảng Nam dễ dàng. Từ nguồn vốn này, con tàu mới được đóng sẽ có chiều dài 17m, công suất 718CV, dự kiến đi câu ở rạn vào vụ cá chính và thực hiện hậu cần ở vụ cá bắc” - ông Tự nói.

Nghề câu ở rạn hiện nay khá mới mẻ, phát triển chưa nhiều trên địa bàn tỉnh nên ông Tự rất kỳ vọng sẽ thu được hiệu quả kinh tế cao sau mỗi chuyến sản xuất. Về nghề thực hiện hậu cần, mỗi chuyến ông Tự có thể thu mua 30 tấn hải sản của ngư dân đánh bắt được đem về bờ bán lại, đồng thời thu mua lương thực, nhu yếu phẩm, nhiên liệu ra bán, giúp ngư dân sản xuất quanh năm.

Vai trò “bà đỡ”

Quỹ HTND Quảng Nam được thành lập năm 2012 với nguồn vốn ban đầu 5 tỷ đồng từ ngân sách địa phương. Các năm tiếp theo, quỹ được bổ sung 1 tỷ đồng/năm. Ngoài ngân sách, Quỹ HTND Quảng Nam còn kêu gọi hỗ trợ vốn từ các tổ chức, cá nhân, các chương trình, dự án cải thiện sinh kế, phát triển cộng đồng dân cư ven biển.

Hiện nay, nghề cá xa bờ phát huy hiệu quả nên ngư dân có xu hướng đầu tư đóng mới, cải hoán tàu cá. Sự ra đời, hoạt động của Quỹ HTND Quảng Nam gần 10 năm qua đã tiếp sức ngư dân qua hỗ trợ tín dụng ưu đãi. Quỹ Đầu tư phát triển Quảng Nam nhận ủy thác quản lý hoạt động và nguồn vốn của Quỹ HTND Quảng Nam.

Ông Nguyễn Tiên Thạch - Giám đốc Quỹ Đầu tư phát triển Quảng Nam cho biết, đến thời điểm này đã cho vay 1,5 tỷ đồng/tàu cá để 95 hộ, nhóm hộ đóng mới 95 tàu cá có công suất từ 600CV trở lên. Đã có 27 chủ tàu cá hoàn thành việc trả nợ. Các hộ và nhóm hộ còn nợ chưa phát sinh nợ xấu.

“Ngư dân rất có ý thức trả nợ, hoạt động của Quỹ HTND Quảng Nam rất ổn định. Chúng tôi luôn tạo mọi điều kiện để ngư dân tiếp cận nguồn vốn vay, đóng tàu lớn, sản xuất xa bờ” - ông Nguyễn Tiên Thạch nói.

Theo ông Trần Hữu Thuận - Trưởng phòng Tín dụng ủy thác (Quỹ Đầu tư phát triển Quảng Nam), qua đội ngũ cộng tác viên của Quỹ HTND Quảng Nam, đã nắm bắt được nhiều khó khăn mà các chủ tàu vay vốn đang gặp phải. Thực hiện Luật Thủy sản 2017 có hiệu lực từ năm 2019, Nhà nước đã quy định các tàu cá có chiều dài từ 15m trở lên bắt buộc phải có thuyền trưởng, máy trưởng, thợ máy... gây khó cho ngư dân, nhất là trong điều kiện thiếu lao động nghề cá. Bởi vậy, ông Trần Hữu Thuận đề xuất Sở NN&PTNT nên kiến nghị với Bộ NN&PTNT chỉ cần quy định máy trưởng hay thợ máy là đủ, không nhất thiết phải có cả hai.

Ông Nguyễn Tiên Thạch cho rằng: “Sở NN&PTNT cần phối hợp chặt chẽ hơn với các sở, ngành, địa phương liên quan để đẩy nhanh tiến độ thực hiện chính sách hỗ trợ dầu, giúp ngư dân thuận tiện trả nợ Quỹ HTND Quảng Nam khi đến hạn, tránh phát sinh nợ quá hạn dẫn đến nợ xấu”.

VIỆT NGUYỄN