Phát triển nguồn lợi thủy, hải sản
Nguồn lợi thủy, hải sản tại các lưu vực sông, khu vực ven biển trên địa bàn tỉnh đang bị suy giảm, cạn kiệt dần do nạn khai thác tận diệt diễn ra thường xuyên. Ngành thủy sản tỉnh đang nỗ lực phát triển, bảo tồn nguồn lợi bằng nhiều giải pháp thiết thực.
Tái tạo nguồn lợi
Cuối tuần qua, Chi cục Thủy sản Quảng Nam tiến hành thả 800 nghìn con tôm sú giống xuống khu vực rừng dừa Bảy Mẫu (xã Cẩm Thanh, TP.Hội An). Bà Phạm Thị Hoàng Tâm - Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản Quảng Nam cho biết, nguồn lợi tôm sú trên địa bàn tỉnh đang suy giảm nghiêm trọng do khai thác bằng xung điện, ngư lưới cụ có mắt lưới quá nhỏ. Vì thế, thả tôm sú giống để tái tạo nguồn lợi là rất cần thiết. Tôm sú giống có chất lượng tốt, được bảo vệ khỏe mạnh nên khi thả xuống sông đã nhanh chóng thích ứng với môi trường mới.
Nhận thấy tính thiết thực của việc tái tạo nguồn lợi thủy sản, ông Đặng Thành Tâm - Giám đốc Công ty Eco Tour dừa Bảy Mẫu TP.Hội An hào hứng tham gia cùng thả tôm sú giống xuống sông. Ông Tâm cho biết, là doanh nghiệp trực tiếp hưởng lợi từ thiên nhiên rừng dừa Bảy Mẫu qua tổ chức tour tham quan du lịch nên rất muốn góp sức để bảo vệ và phát huy đa dạng sinh học ở khu vực này.
“Rừng dừa Bảy Mẫu là vùng đệm của Khu dự trữ sinh quyển thế giới Cù Lao Chàm (xã đảo Tân Hiệp, TP.Hội An) có nhiều loài tôm, cua, thủy sản quý hiếm. Tôi mong muốn sẽ đóng góp vật chất để cùng ngành thủy sản mua tôm giống và các loài cá để bổ sung vào tự nhiên. Mong các ngành chức năng khảo sát, đánh giá lại thực trạng tự nhiên khu vực này để có các giải pháp căn cơ, hiệu quả” - ông Tâm nói.
Chi cục Thủy sản Quảng Nam chọn lọc nguồn giống để thả gần 10 nghìn con cá giống là cá dìa, cá chẽm, cá đối, cá măng, cá nâu xuống vùng sông Trường Giang gần khu vực Cửa Lở (xã đảo Tam Hải, Núi Thành).
Theo Chi cục Thủy sản Quảng Nam, các loài thủy sản trên quý hiếm nhưng nguy cơ tuyệt chủng cao, do người dân trên địa bàn khai thác theo kiểu tận diệt bằng mắt lưới quá nhỏ với cường độ liên tục. Ông Ngô Văn Định - Phó Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản Quảng Nam cho biết, tái tạo nguồn lợi thủy sản, bảo vệ môi trường sinh thái là việc làm thường xuyên, lâu dài để giữ gìn nguồn lợi quý cho thế hệ hôm nay và mai sau.
Xây dựng khu bảo tồn
Theo bà Phạm Thị Hoàng Tâm - Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản Quảng Nam, bài học kinh nghiệm cho thấy trong thực tế có trường hợp giống thủy hải sản khi được bổ sung chưa kịp phát triển đã bị các phương tiện khai thác triệt tiêu. Do vậy, để nguồn lợi tái tạo thật sự mang lại hiệu quả, ngành chuyên môn tiến hành thả giống thủy sản ở những nơi ít tập trung tàu bè, nơi có nguồn nước tốt; đồng thời phối hợp với chính quyền xã, huyện đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao ý thức bảo vệ nguồn lợi thủy hải sản, qua đó bảo đảm các loài thủy hải sản cư trú, sinh trưởng tốt sau khi thả tái tạo.
Khu vực Bàn Than thuộc xã đảo Tam Hải được biết đến với tính đa dạng sinh học nổi bật, nhiều loài hải sản quý hiếm như cá hồng, cá mú, cá cam, rong biển, san hô... Cứ vào mùa sinh sản là các loài cá quý, hiếm xôm tụ lại các rạn san hô, các khu vực rong mơ phát triển tốt để đẻ. Trong khi san hô bị tổn hại bởi môi trường ven biển ngày càng bị ô nhiễm thì rong biển bị khai thác quá mức, suy giảm nghiêm trọng.
Ông Ngô Văn Định cho biết, đã đề xuất UBND huyện Núi Thành phối hợp với các cơ quan của tỉnh, Trung ương tiếp cận cơ chế, chính sách để xây dựng khu bảo tồn biển Bàn Than. Trước hết là xây dựng mô hình đồng quản lý của người dân để bảo vệ và phát triển nguồn lợi hải sản như cách làm bải bản của người dân Cù Lao Chàm ở xã đảo Tân Hiệp. Sau đó, có thể tận dụng lợi thế để phát triển du lịch, ổn định cuộc sống người dân.
Về điều này, ông Nguyễn Văn Thịnh - Phó Chủ tịch UBND huyện Núi Thành cho biết, đang phối hợp chặt chẽ với các ngành chức năng để có thể triển khai nhanh dự án trên. Sự phối hợp giữa cộng đồng dân cư, chính quyền huyện, các cơ quan của tỉnh, nhà khoa học trong và ngoài tỉnh là rất cần thiết. Đồng thời sẽ kêu gọi thêm doanh nghiệp để chung tay bảo vệ, phát triển khu bảo tồn biển Bàn Than. Huyện triển khai các công đoạn và mong mỏi dự án được thực hiện khẩn trương trong thời gian đến.
Theo UBND huyện Núi Thành, môi trường là yếu tố quyết định sự sinh trưởng, phát triển của các loài thủy sản ven sông cũng như hải sản ven biển. Trong khi đó, thực tiễn lại cho thấy, khu vực ven sông, ven biển ngày càng bị ô nhiễm bởi hoạt động của các nhà máy chế biến thủy sản, các khu công nghiệp nói chung và mặt trái của các hoạt động kinh tế - xã hội. Do vậy, để bảo vệ, tái tạo, phát triển nguồn lợi thủy hải sản hiệu quả, ngoài ý thức của người dân còn đòi hỏi sự vào cuộc của các ngành chức năng trong việc ngăn chặn, xử lý những hành vi tiêu cực, ảnh hưởng xấu đến môi trường khu vực ven sông, ven biển của các doanh nghiệp, công ty.
Ông Ngô Văn Định cho biết, sẽ đẩy mạnh tuần tra, kiểm soát khu vực ven sông, ven biển để phát hiện, xử lý nghiêm các hành vi khai thác tận diệt nguồn lợi thuỷ sản, trả lại môi trường sống trong sạch cho các loài thủy sinh, tái tạo, phát triển bền vững nguồn lợi thủy, hải sản quý hiếm.