Khai thác hải sản không đúng quy định: Rất khó kiểm soát
Sản xuất trên biển nhưng không có giấy phép khai thác hải sản hay đánh bắt hải sản trái tuyến là những bất cập dai dẳng của nghề cá Quảng Nam.
Nhiều tàu không có giấy phép
Quảng Nam hiện có 1.338 tàu thuyền có chiều dài 6 - 12m khai thác hải sản ven bờ nhưng mới chỉ có 22 phương tiện được Chi cục Thủy sản Quảng Nam cấp giấy phép khai thác hải sản. Số lượng rất lớn tàu thuyền không có giấy phép khai thác hải sản vẫn thường xuyên sản xuất ở các vùng biển ven bờ. Theo Luật Thủy sản 2017 có hiệu lực từ năm 2019, tàu thuyền có chiều dài 6 - 12m bắt buộc phải có giấy phép khai thác hải sản khi sản xuất trên biển.
Bà Phạm Thị Hoàng Tâm - Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản Quảng Nam cho biết, suốt thời gian dài, tàu thuyền được quản lý theo công suất, phần lớn số phương tiện có chiều dài 6 - 12m có công suất dưới 20CV, thuộc phân cấp quản lý của cấp huyện. Thế nhưng các địa phương có nghề cá không chú trọng việc cấp giấy phép khai thác hải sản cho loại phương tiện có chiều dài 6 - 12m. Rất khó vận động tất cả chủ tàu cá có chiều dài 6 - 12m thực hiện nghiêm túc quy định của Luật Thủy sản là phải có giấy phép khai thác hải sản. Nghề cá cả nước nói chung, Quảng Nam nói riêng đang vận động từ nghề cá nhân dân sang nghề cá có trách nhiệm nhưng rất nhiều chủ tàu vẫn giữ tập quán sản xuất được chăng hay chớ, manh mún, nhỏ lẻ, hiệu quả kinh tế thu được thấp mà gây hệ lụy lớn đến môi trường, sinh thái biển.
Có mặt ở các vùng biển bãi ngang của tỉnh, chúng tôi nhận thấy hầu hết chủ tàu cá có chiều dài 6 - 12m không quan tâm đến giấy phép khai thác hải sản. Ngư dân Trần Công Luận (thôn Hà Bình, xã Bình Minh, Thăng Bình) cho rằng, muốn được cấp giấy phép khai thác hải sản thì phải đáp ứng rất nhiều yêu cầu về vỏ phương tiện, máy móc, số người tham gia đánh bắt hải sản... Trong khi đó, phương tiện chỉ có công suất 20CV, quá nhỏ nên không thực hiện đăng kiểm, không có số hiệu, không có giấy phép khai thác hải sản.
“Đắp đổi qua ngày thôi, sản xuất ven bờ chuyến được thì ít, chuyến mất thì nhiều. Sản xuất được ngày nào hay ngày ấy, giấy phép khai thác hải sản chỉ phức tạp chứ đâu giúp ích gì chúng tôi” - ông Luận nói.
Ông Nguyễn Quốc Dũng - cán bộ phụ trách thủy sản của UBND xã Tam Quang cho biết, không biết trên địa bàn hiện có bao nhiêu tàu thuyền có chiều dài 6 - 12m. Số phương tiện có chiều dài 6 - 12m sản xuất hay nằm bờ rất vô chừng, khó nắm bắt. Theo quy định của Luật Thủy sản thì nhóm tàu thuyền nói trên mới phải thực hiện giấy phép khai thác hải sản còn trước đây không bắt buộc”.
Sản xuất trái tuyến
Ông Ngô Tấn - Phó Giám đốc Sở NN&PTNT cho biết, đang phối hợp với các địa phương có nghề cá của tỉnh đẩy mạnh tuyên truyền, vận động ngư dân thực hiện đúng các quy định của Luật Thủy sản khi sản xuất trên biển. Nếu ngư dân không áp dụng, sẽ bị phạt nặng khi phát hiện. Cụ thể, theo Nghị định số 42/2019/NĐ-CP, không có giấy phép khai thác hải sản khi sản xuất, chủ tàu cá có chiều dài 6 - 12m bị phạt 20 - 50 triệu đồng, chủ tàu có chiều dài 12 - 15m bị phạt 50 - 70 triệu đồng. Ngoài ra, còn có nhiều hình thức phạt bổ sung.
Nghề lưới kéo đơn hay đôi (còn được gọi là giã cào) gây nguy cơ tận diệt nguồn lợi và dễ làm hư hỏng các loại ngư lưới cụ khác đánh bắt cùng ngư trường. Đáng nói, hầu hết tàu lưới kéo có chiều dài thân tàu 12 - 15m, được cấp phép sản xuất ở tuyến lộng nhưng lại đánh bắt hải sản ven bờ.
Nhiều chủ tàu hành nghề lưới kéo cho biết, nguồn lợi hải sản đang ngày càng cạn kiệt nên phải chuyển từ tuyến lộng sang tuyến ven bờ. Nghề này có đặc thù là mắt lưới rất nhỏ, hầu như thâu tóm tất cả hải sản trong phạm vi đánh bắt. Khi được hỏi có muốn chuyển từ nghề lưới kéo sang các nghề cá khác, đa số các ngư dân lắc đầu.
Ngư dân Võ Văn Đồng (thôn Phú Đông, xã Tam Xuân 1, Núi Thành) nói: “Muốn chuyển nghề thì phải đầu tư vốn lớn, cả tỷ đồng làm sao huy động được. Mà các nghề cá khác thu được sản lượng ít hơn nghề lưới kéo. Vì sinh kế bấp bênh nên chúng tôi mới khai thác không đúng quy định ở tuyến lộng”.
Ông Ngô Văn Định - Phó Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản Quảng Nam cho biết, toàn tỉnh hiện có 697 tàu cá hoạt động ở tuyến lộng nhưng mới chỉ có 206 tàu cá được cấp phép, 491 tàu cá đánh bắt hải sản không phép. Hầu hết phương tiện sản xuất ở tuyến lộng thuộc địa bàn các xã bãi ngang ven biển, xuất bến đi sản xuất không phải qua 2 cửa biển An Hòa (Núi Thành) và Cửa Đại (TP.Hội An) nên nhiều khi không thực hiện các thủ tục xuất bến với lực lượng biên phòng.
“Chúng tôi đang tăng cường tuần tra trên biển để xử lý nghiêm sai phạm của các tàu cá đánh bắt hải sản không phép theo đúng quy định của Luật Thủy sản. Tuy nhiên, cái khó là tàu của lực lượng kiểm ngư có công suất nhỏ lại cũ kỹ nên chủ yếu thực hiện ở tuyến bờ” - ông Ngô Văn Định cho biết.
Ngoài ra, trên địa bàn tỉnh có nhiều phương tiện chiều dài từ 15m trở lên, bắt buộc phải khai thác hải sản ở các vùng biển xa bờ theo Luật Thủy sản nhưng lại hoạt động ở tuyến lộng, chủ yếu là tàu làm nghề lưới chụp. Vì đối tượng sản xuất chính của nghề lưới chụp là mực xà hoạt động nhiều ở tuyến lộng nên các tàu nói trên đã tự ý chuyển đổi ngư trường. Trong khi đó, lực lượng kiểm ngư rất khó phát hiện, xử lý theo quy định vì tàu công vụ không thể hoạt động ở tuyến lộng.
Theo tìm hiểu của chúng tôi, các tàu lưới chụp sau khi thực hiện các quy định để được hỗ trợ nhiên liệu với mức 400 triệu đồng/4 chuyến biển/năm thường tắt máy giám sát hành trình khi sản xuất ở tuyến lộng nên ngành chức năng rất khó kiểm soát.