Cơ hội hiện đại hóa nghề nuôi tôm

VIỆT NGUYỄN 18/03/2020 10:39

Nước ta tham gia các hiệp định thương mại tự do đã mở ra triển vọng trong xuất khẩu sản phẩm tôm nuôi. Quảng Nam đang tận dụng lợi thế này để phát triển mạnh nghề nuôi tôm theo hướng thâm canh, công nghiệp, hiện đại.

Chủ tịch UBND tỉnh Lê Trí Thanh tham quan, tìm hiểu nuôi tôm công nghệ cao của Công ty CP QNTEK. Ảnh: VIỆT NGUYỄN
Chủ tịch UBND tỉnh Lê Trí Thanh tham quan, tìm hiểu nuôi tôm công nghệ cao của Công ty CP QNTEK. Ảnh: VIỆT NGUYỄN

Mở rộng thị trường

Suốt nhiều năm qua, ngành thủy sản nước ta nói chung, nghề tôm nói riêng phát triển theo hướng hàng hóa, tạo công ăn việc làm cho người dân. Thương hiệu của con tôm Việt Nam đã được khẳng định trên thị trường quốc tế.

Theo ông Trương Đình Hòe - Tổng Thư ký Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), nhờ gia nhập Tổ chức Thương mại thế giới (WTO), tham gia 16 hiệp định thương mại tự do (FTA) với các nước mà mặt hàng thủy sản hàng đầu là con tôm đã được xuất khẩu tới hơn 170 nước với doanh thu xấp xỉ 4 tỷ USD mỗi năm. Năm 2019, Việt Nam tham gia các FTA thế hệ mới như Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA), tiếp tục khẳng định chủ trương hội nhập với thế giới. Thủy sản Việt Nam, với chủ lực là con tôm, càng có thêm cơ hội mở rộng thị trường xuất khẩu, tăng khả năng cạnh tranh so với đối thủ chưa có FTA như Ấn Độ, Thái Lan.

Tham gia các hiệp định thương mại tự do đã giúp Việt Nam tích lũy nguồn lực trong nước và quốc tế, hiện đại hóa rất nhanh ngành nuôi trồng thủy sản nói chung, nuôi tôm nói riêng để xuất khẩu. Tại hội nghị trực tuyến thúc đẩy phát triển nông nghiệp trong bối cảnh dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, ông Nguyễn Xuân Cường - Bộ trưởng Bộ NN&PTNT kêu gọi quyết tâm của các doanh nghiệp, địa phương, đồng lòng vượt khó, tạo động lực phát triển nông nghiệp trong thời gian đến.

Tập đoàn C.P cho biết đang đầu tư mạnh vào các vùng nuôi tôm thương phẩm. Tập đoàn đang liên kết với nông hộ cả nước tạo chuỗi cung ứng, cung cấp tôm giống, thức ăn, thuốc, quy trình nuôi tôm... được các chuyên gia hướng dẫn chi tiết theo kiểu “cầm tay chỉ việc”. Nhờ áp dụng đồng thời 3 công đoạn cung ứng tôm bố mẹ, tôm giống, nuôi tôm thương phẩm hiệu quả, doanh thu của tập đoàn luôn đạt khá cao. 

Tạo cú hích

Dịch Covid-19 nhanh chóng lan ra nhiều quốc gia khiến hoạt động xuất khẩu của nước ta bị ảnh hưởng, song ngành tôm ít chịu tác động. Dịch bùng phát tại Trung Quốc khiến nhiều thị trường lớn giảm nhập tôm từ Trung Quốc, tạo cơ hội cho tôm nước ta mở rộng thị trường xuất khẩu. Ngành chức năng khuyến cáo, để đảm bảo cạnh tranh thì việc kiểm soát tốt nguyên liệu đầu vào và đảm bảo theo các tiêu chuẩn quốc tế là rất quan trọng với xuất khẩu tôm. 

Theo Chủ tịch UBND tỉnh Lê Trí Thanh, con tôm là thương hiệu của quốc gia nên Quảng Nam nỗ lực phát triển, đóng góp trong xu thế vươn xa cung cấp sản phẩm ra thế giới của cả nước. Toàn tỉnh có đến hơn 2.000ha ao nuôi tôm, tiềm năng này còn bỏ ngỏ nhiều do nông dân với nguồn lực tài chính còn yếu, đầu tư chưa đồng bộ, sản xuất chưa đạt hiệu quả cao. Chủ trương của tỉnh là nỗ lực thu hút doanh nghiệp đầu tư, liên kết với nông hộ, tích tụ, tập trung ruộng đất, nuôi tôm quy mô lớn, thu được giá trị kinh tế cao.

“Trong bối cảnh nguồn ngân sách đầu tư phát triển ngành nông nghiệp, thủy sản còn khó khăn thì việc kêu gọi, thu hút doanh nghiệp đầu tư sẽ tạo ra cú hích lớn. Qua đó huy động được nhiều nguồn lực, tạo thuận lợi để cơ cấu lại nghề nuôi tôm, thâm canh, nâng cao hiệu quả sản xuất, tăng thu nhập cho nông dân” - Chủ tịch UBND tỉnh Lê Trí Thanh nói. 

Đáng mừng là đến nay, đã có doanh nghiệp lớn là Công ty CP QNTEK đầu tư nuôi tôm công nghiệp ở xã Bình Hải (Thăng Bình) hay ông Trần Công Thành đầu tư ở xã Tam Hòa (Núi Thành). Công ty CP Thủy sản Dương Hùng miền Trung đang xúc tiến đầu tư nuôi tôm công nghệ cao trên phạm vi hơn 70ha ở khu vực Vũng Lắm (xã Tam Anh Bắc, Núi Thành). Hiện tại, Sở NN&PTNT đang phối hợp chặt chẽ với Ban Quản lý Khu kinh tế mở Chu Lai và các sở, ngành, huyện Núi Thành để hoàn thành các thủ tục, giúp doanh nghiệp khẩn trương thực hiện dự án.

“Khu nuôi tôm tập trung, công nghệ cao ở Vũng Lắm không chỉ kỳ vọng khai thông lợi thế nuôi tôm của tỉnh mà còn là dự án điểm để các doanh nghiệp khác nhận thấy thuận lợi đầu tư nuôi tôm ở Quảng Nam. Nông dân có thể tham quan, học hỏi, tiếp nhận quy trình nuôi tôm tiến bộ của doanh nghiệp mà liên kết, thành lập tổ hợp tác hay hợp tác xã, góp đất, nguồn vốn lớn đầu tư nuôi tôm khép kín, hiện đại” - Chủ tịch UBND tỉnh Lê Trí Thanh nói.

Ông Ngô Tấn - Phó Giám đốc Sở NN&PTNT cho biết, suốt thời gian dài, dù chú trọng áp dụng các giải pháp để thúc đẩy nghề nuôi tôm toàn tỉnh phát triển nhưng chưa đạt. Nguyên nhân chủ yếu là nguồn vốn và tập quán sản xuất của các hộ nông dân. Nuôi tôm đòi hỏi phải hoàn thiện hệ thống hạ tầng điện, thủy lợi, kênh cấp, kênh thoát nước, ao lắng xử lý nước đầu vào và ao xử lý nước đầu ra trong khi người dân với nguồn lực tài chính không đủ, nuôi tôm theo kiểu tự phát, may rủi. Ngành nông nghiệp đã tham mưu UBND tỉnh ban hành cơ chế khuyến khích nuôi tôm trên quy mô diện tích từ 5ha trở lên nhưng nông hộ không tiếp cận, giữ cách nuôi manh mún chứ không liên kết sản xuất.

“Ở các tỉnh Bạc Liêu, Hà Tĩnh, Thừa Thiên Huế... đã hình thành các vùng nuôi tôm công nghiệp quy mô lớn. Doanh nghiệp liên kết với nông hộ cùng sản xuất, ăn chia thành quả rất rõ ràng nên càng phát triển mạnh. Sau khi tham quan, chúng tôi sẽ tham mưu UBND tỉnh ban hành cơ chế thu hút đầu tư, khuyến khích nuôi tôm quy mô lớn” - ông Ngô Tấn nói. 

VIỆT NGUYỄN