Ngư dân gặp khó về quy định thợ máy
Thiếu lao động, nghề cá lại bấp bênh nên triển khai thực hiện quy định về các chức danh và định biên an toàn tối thiểu thuyền viên trên tàu cá sản xuất xa bờ tại Quảng Nam gặp rất nhiều khó khăn trong thời gian gần đây.
Nhiều ràng buộc
Để được ra khơi đánh bắt hải sản, chủ các phương tiện nghề cá bắt buộc phải đáp ứng các quy định về chức danh và định biên an toàn tối thiểu thuyền viên trên tàu cá.
Theo đó, đối với tàu thuyền có chiều dài từ 6 - 12m, công suất nhỏ, hoạt động ven bờ, ngoài chức danh thuyền trưởng tàu cá hạng 3, chủ phương tiện bắt buộc phải có thêm 1 thủy thủ.
Ông Trương Phương Tịnh (thôn Hội Sơn, xã Duy Nghĩa, Duy Xuyên) - chủ phương tiện QNa-03578 có chiều dài 10m hành nghề lưới cản ven bờ, cho biết: “Tôi thấy ở địa phương chỉ có thông báo của các ngành chức năng về đào tạo thuyền trưởng, máy trưởng cho tàu công suất lớn sản xuất xa bờ. Tôi chủ yếu sản xuất ven bờ, đắp đổi qua ngày làm sao có đủ thời gian, tiền bạc để theo học thuyền trưởng tàu cá hạng 3” - ông Tịnh nói.
Còn các ngư dân sản xuất xa bờ trên địa bàn tỉnh đang gặp khó với các quy định về thợ máy. Theo ngư dân Ngô Lớn (thôn Đông Tuần, xã Tam Hải, Núi Thành) - chủ tàu cá QNa-91135 có chiều dài thân tàu 20m, muốn ra khơi, phải được cấp giấy khai thác thủy sản, sổ danh bạ thuyền viên và tàu cá. Muốn vậy, phải đáp ứng điều kiện là phải có thuyền trưởng tàu cá hạng 2, máy trưởng tàu cá hạng 2, thợ máy tàu cá, thủy thủ.
Ông Lớn cho biết, bản thân ông đã được cấp bằng thuyền trưởng hạng 2, người thân trong gia đình đã được cấp chứng chỉ máy trưởng hạng 2 còn thợ máy thì khi có khi không.
“Để đáp ứng quy định của Nhà nước, tôi phải lo kinh phí để bạn biển theo học lớp đào tạo thợ máy. Mỗi lần học tốn hơn 10 triệu đồng nhưng nếu bạn biển không gắn bó bỏ sang tàu cá khác sản xuất thì tôi mất trắng kinh phí đã bỏ ra. Thiếu thợ máy, tàu nằm bờ trong khi đó rất áp lực vì phải trả tiền vay nguồn vốn lớn của ngân hàng để đầu tư phương tiện, ngư lưới cụ phục vụ sản xuất” - ông Lớn nói.
Đối với tàu cá có chiều dài thân tàu từ 24m trở lên thì càng khó khăn hơn. Theo quy định, trên loại tàu này, phải có bằng thuyền trưởng tàu cá hạng 1, thuyền phó hạng 1, máy trưởng hạng 1, thợ máy tàu cá, thủy thủ.
Ông Huỳnh Minh Cảnh (thôn Sâm Linh Đông, xã Tam Quang, Núi Thành) - chủ đội tàu lớn với 5 phương tiện có chiều dài từ 24m trở lên, 2 phương tiện có chiều dài 20m cho rằng, quy định này làm khó ngư dân.
“Tôi luôn đỏ mắt tìm lao động đi biển cho đội tàu lớn sản xuất xa bờ. Thiếu lao động đã đành, đào tạo thợ máy rất khó khăn. Tiền tôi bỏ ra thì nhiều nhưng bạn biển sau khi được đào tạo thợ máy dễ dàng bỏ đi, chỉ cần không vừa ý điều gì là họ tìm tàu khác để sản xuất. Trên tàu có máy trưởng là được rồi hoặc máy trưởng kiêm luôn thợ máy thì tiện; đằng này đã có máy trưởng phải thêm thợ máy chúng tôi không kham nổi, tàu nằm bờ rất nguy nan” - ông Cảnh nói.
Khó triển khai
Bà Phạm Thị Hoàng Tâm - Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản Quảng Nam cho rằng, các quy định nói trên do Bộ NN&PTNT cụ thể hóa Luật Thủy sản 2017. Sau 1 năm triển khai trên địa bàn tỉnh, đã gặp rất nhiều khó khăn trong quản lý nghề cá. Cụ thể, đến đầu tháng 2.2020, trên địa bàn tỉnh mới bắt đầu mở lớp đào tạo máy trưởng nên đến thời điểm này ngư dân chưa được cấp chứng chỉ máy trưởng nên không đáp ứng nhu cầu sản xuất nghề cá. Trước áp lực của ngư dân, ngành thủy sản đã gửi văn bản đến các địa phương có nghề cá, các đồn kiểm soát biên phòng thông báo, tạm thời sử dụng máy trưởng thay cho thợ máy ở tàu cá có chiều dài từ 15m đến dưới 24m, áp dụng đến hết tháng 3.2020. Đối với tàu cá có chiều dài 24m trở lên vẫn phải bắt buộc có đủ thợ máy và máy trưởng thì mới được ra khơi.
“Với Luật Thủy sản 2017, chủ trương là vận động, chuyển biến nghề cá nhân dân sang nghề cá có trách nhiệm, chuyên nghiệp, hướng đến sản xuất bền vững. Các quy định trên còn nhằm đảm bảo an toàn cho chính tàu cá và ngư dân với những chuyến biển dài ngày, quanh năm trong điều kiện thời tiết trên biển ngày càng biến động hơn” - bà Tâm nói.
Theo tìm hiểu của chúng tôi, hiện nay, trên địa bàn huyện Núi Thành có 4 lớp đào tạo thợ máy do các giảng viên của Đại học Nha Trang giảng dạy. Trong đó, Phòng NN&PTNT huyện Núi Thành thực hiện 2 lớp và UBND xã Tam Quang thực hiện 2 lớp, quy mô đào tạo cho hơn 100 học viên là ngư dân xã Tam Quang và các xã khác như Tam Hải, Tam Giang. Tuy nhiên, bất cập ở chỗ, triển khai rất bị động, phần lớn các học viên tham gia không phải là ngư dân mà là người nhà của họ.
Ông Nguyễn Quốc Dũng - cán bộ phụ trách thủy sản của UBND xã Tam Quang cho biết, rất khó kỳ vọng các lớp học đi vào thực chất. Bởi lúc này, hầu hết ngư dân đang tham gia khai thác hải sản trên biển. Các học viên theo học chỉ để lấy chứng chỉ nhằm giúp người thân là ngư dân hợp pháp hóa đi biển xa bờ theo quy định của Nhà nước.