Tôm nuôi chết hàng loạt: Nguy cơ lây lan thành dịch

QUANG VIỆT 19/02/2020 10:55

Trong vòng một tuần qua, kể từ ngày vụ 1 nuôi tôm nước lợ bắt đầu (ngày 10.2), đến nay tôm thẻ chân trắng đã chết hàng loạt ở khắp các địa phương trên toàn tỉnh, báo động nguy cơ lây lan thành dịch.

Anh Dư Văn Tường nghi tôm chết do bệnh hồng thân. Ảnh: VIỆT NGUYỄN
Anh Dư Văn Tường nghi tôm chết do bệnh hồng thân. Ảnh: VIỆT NGUYỄN

Tôm chết tràn lan

Các nông hộ nuôi tôm thẻ chân trắng ở 2 thôn Quý Ngọc và Phú Quý (xã Tam Phú, TP.Tam Kỳ) như đang ngồi trên lửa vì lo sợ tôm chết tràn lan có thể lây thành dịch. Ông Ngô Văn Tỵ (thôn Quý Ngọc, xã Tam Phú) cho biết, gia đình đã thả nuôi hơn 10 vạn con giống tôm thẻ chân trắng trên 1 ao nuôi có diện tích 2.500m2 từ ngày 10.2. Đến nay, tôm chưa có dấu hiệu nhiễm bệnh nhưng tăng trưởng chậm nên gia đình rất lo lắng vì ở khu vực xung quanh, tôm chết đỏ ao nuôi.

“Bệnh hồng thân ở tôm nuôi chưa có thuốc đặc trị mà chỉ có thể phòng ngừa thôi. Các ao nuôi tôm xung quanh rất dễ thẩm lậu nguồn nước sang ao nuôi tôm chúng tôi nên bệnh rất dễ lây lan” - ông Tỵ nói.

Anh Dư Văn Tường (thôn Quý Ngọc, xã Tam Phú) cho biết, tôm thả nuôi gần một tháng qua đã chết, nghi do bệnh hồng thân. “Tôm ăn yếu, tấp vào bờ, quan sát cơ thể có màu đỏ bầm. Chỉ sau 3 ngày nhiễm bệnh, tôm chết khắp ao. Chúng tôi dùng vôi phun khử trùng quanh bờ ao, sẽ cải tạo lại ao nuôi, phơi nắng trong vòng một tháng rồi lại bắt đầu nuôi tôm trở lại” - anh Tường nói.

Khi được hỏi, nguy cơ lây lan thành dịch bệnh hồng thân ở tôm trên khắp vùng nuôi, anh Tường trả lời không chắc nhưng xác suất là rất cao bởi không năm nào không có dịch bệnh khi vụ 1 nuôi tôm bắt đầu.

Ông Trần Văn Sành - Phó Chủ tịch UBND xã Duy Vinh (Duy Xuyên) cho biết, có chừng 10ha ao tôm nuôi bị chết do bệnh từ đầu vụ 1 đến nay. Từ đầu vụ đến nay, hầu như ngày nào cũng có tôm chết ở các thôn Đông Bình, Vĩnh Nam, Trà Đông, mới nhất là Trà Nhiêu. Địa phương đã liên hệ với các cơ quan của tỉnh, huyện và mới đây, Chi cục Thủy sản Quảng Nam đã về lấy mẫu. Địa phương chờ kết quả xét nghiệm các mẫu tôm cũng như khuyến cáo của ngành chức năng để truyền đạt đến các nông hộ phòng chống dịch bệnh trên tôm nuôi.

Ở xã Cẩm Thanh (TP.Hội An), mô hình nuôi tôm cộng đồng cũng đang đối diện với nhiều nguy cơ. Anh Nguyễn Thành Vinh (thôn Thanh Tam, xã Cẩm Thanh) cho biết, rất nhiều ao nuôi ở các vùng nuôi tôm có tôm chết, dự đoán là các bệnh đốm trắng, hồng thân, hoại tử gan tụy cấp.

“Tôi luôn bổ sung vitamin, khoáng chất vào thức ăn nuôi tôm, sử dụng nhiều men vi sinh để giúp tôm tăng sức đề kháng, miễn dịch tốt với dịch bệnh nhưng không biết tôm có qua khỏi dịch bệnh đang hoành hành không” - anh Vinh nói.

Đang rà soát

Nên đầu tư bài bản

Ông Dương Văn Hùng - Chủ tịch HĐQT Công ty CP Thủy sản Dương Hùng đang đầu tư nuôi tôm ở Quảng Nam cho rằng, sau 28 năm theo nghề nuôi tôm với nhiều thành công và thất bại, khuyên các nông hộ đừng dễ dãi khi theo nghề. Con tôm rất nhạy cảm nên điều quan trọng nhất là tạo môi trường nước thuận lợi nhất để tôm sinh trưởng, phát triển tốt. “Mẫu số chung tôi nhận thấy ở các mô hình nuôi tôm công nghiệp, hiện đại thành công là ao nuôi có mực nước sâu hơn 5m để ổn định nguồn nước khi nhiệt độ ngoài trời tăng hay giảm đột ngột, giúp tôm không bị “sốc” môi trường. Ao nuôi có diện tích càng lớn thì đầu tư tiền của càng nhiều nhưng chỉ số thành công sẽ càng cao. Nông hộ nuôi tôm nên đầu tư cho mọi công đoạn đều quy chuẩn” - ông Hùng nói.

Theo ông Trần Bá Cương - chủ đầu tư nuôi tôm công nghệ cao ở xã Bình Hải (Thăng Bình), tôm chết hàng hoạt, dịch bệnh hoành hành tại các khu vực nuôi tôm ở vùng triều ven sông thường xuyên xảy ra. Trong khi nước sông Trường Giang ngày càng ô nhiễm thì các nông hộ không sử dụng ao chứa lắng để xử lý, làm sạch nước, tạo môi trường vô khuẩn để nuôi tôm. Thời tiết lúc nuôi ở đầu vụ 1 rất thất thường, nắng mưa xen kẽ, nhiệt độ ban ngày và đêm khuya chênh lệch lớn, tôm rất khó thích ứng với biến động nhanh, liên tục trong thời gian ngắn. Người nuôi tôm hầu như không trang bị bảo hộ lao động, rất dễ mang các mầm bệnh vào khu vực đang nuôi tôm.

“Quan trọng nhất trong nuôi tôm là tạo hệ số an toàn sinh học. Càng ít rủi ro thì nuôi tôm càng dễ thành công. Nguồn lực phải dồi dào thì mới có thể đầu tư chuyên nghiệp cho nuôi tôm. Nguy hại nhất, hạ tầng nuôi tôm không đảm bảo thì bệnh rất dễ lây lan thành dịch” - ông Cương nói.

Bà Phạm Thị Hoàng Tâm - Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản cho biết, nhận được rất nhiều cuộc điện thoại qua đường dây nóng trong ngày 17.2, nội dung chủ yếu là thông báo tôm chết và mong cơ quan chức năng “giải cứu” tôm nuôi qua khỏi dịch bệnh. Đến thời điểm này, theo nhận biết ban đầu, tôm nuôi đã chết ở các huyện Thăng Bình, Duy Xuyên, Núi Thành, TP.Hội An và TP.Tam Kỳ có thể vì các bệnh đốm trắng, hoại tử gan tụy cấp, hồng thân...

“Chúng tôi đang khẩn trương phối hợp với các địa phương có nghề nuôi tôm, thống kê tình hình tôm chết, lấy mẫu phân tích để đưa ra các khuyến cáo phù hợp giúp nông hộ vượt qua khó khăn ở vụ 1 này” - bà Tâm nói.

Ông Nguyễn Hữu Trường - Trưởng phòng Nuôi trồng thủy sản (Chi cục Thủy sản Quảng Nam) cho biết, khi tôm chết, các nông hộ không nên xả thải nguồn nước ra môi trường bên ngoài vì rất dễ lây lan thành dịch bệnh. Ngành thủy sản sẽ phối hợp với các ngành liên quan, đề xuất UBND tỉnh hỗ trợ Chlorin, giúp các nông hộ xử lý lại ao nuôi để có thể nuôi tôm trở lại, đồng thời ngăn chặn bệnh lây thành dịch trên diện rộng.

QUANG VIỆT