Hải sản được mùa, được giá
Những ngày qua, nhiều chuyến biển dài ngày và ngắn ngày vừa được mùa lại được giá đã đem lại niềm vui cho ngư dân trên địa bàn tỉnh.
Được mùa, được giá
Tàu cá QNa-91995 có công suất 865CV hành nghề lưới vây của ngư dân Huỳnh Văn Khả (thôn Sâm Linh Đông, xã Tam Quang, Núi Thành) vừa cập bờ và bán hải sản sau hơn 15 ngày sản xuất ở vùng biển Hoàng Sa.
Với 15 tấn cá ngừ, cá nục thu được, anh Khả bán được hơn 500 triệu đồng. Sau khi trừ chi phí hơn 100 triệu đồng, chủ tàu có nguồn thu gần 200 triệu đồng, mỗi bạn biển được chia hơn 10 triệu đồng.
Anh Khả cho biết, hải sản được giá nhờ nguồn cung thiếu hụt trên thị trường mà nhu cầu mua sắm, sử dụng của người tiêu dùng tăng cao.
“Suốt cả năm 2019, không có chuyến biển nào của tàu cá QNa-91995 bán hải sản với giá hơn 35 nghìn đồng/kg như chuyến biển vừa qua. Chủ tàu và bạn biển đều phấn khởi” - anh Khả nói.
Cũng ở thôn Sâm Linh Đông, xã Tam Quang, tàu cá QNa-91636 có công suất 822CV hành nghề lưới vây của ngư dân Nguyễn Thanh Thành cũng vừa cập bờ bán hải sản.
Anh Thành cho biết, vượt qua những biến động của thời tiết trên biển cuối năm, tàu của anh thu được 30 tấn cá ngừ, cá nục. Giá hải sản dịp đầu năm tăng nên hiệu quả sản xuất cao.
Chị Trần Thị Ngọc Hà, một chủ hàng bán cá biển tại chợ Duy Hải cho biết, từ mùng 3 Tết, khi các tàu, thuyền đánh bắt hải sản mang cá, mực về bờ cũng là lúc chợ bắt đầu bán mở hàng, phục vụ người tiêu dùng quanh năm. Nhờ cá, mực tươi nên bán rất chạy, bình quân mỗi ngày bán được hơn 100kg hải sản các loại. “Trong mấy ngày tết vừa qua, thịt heo được sử dụng thường xuyên trong bữa ăn của gia đình. Lúc này, các loại hải sản đắt giá nhưng khách hàng vẫn chọn mua về sử dụng để thay đổi khẩu vị” - chị Hà nói.
Ở bến cá An Lương (xã Duy Hải, Duy Xuyên), nhiều phương tiện sản xuất gần bờ cũng liên tục cập bến bán hải sản trong những ngày này. Ông Phan Tấn Tú (thôn Tây Sơn Đông, xã Duy Hải) - chủ phương tiện QNa-03476 có công suất 50CV cho biết, các loại mực cơm, mực lá, mực nang hoạt động mạnh ở khu vực cách xa vùng biển Cù Lao Chàm (xã đảo Tân Hiệp, TP.Hội An) vài hải lý nên khai thác rất thuận lợi.
“Với 3 tạ mực các loại thu được, chúng tôi bán được hơn 30 triệu đồng. Chi phí sản xuất thấp nên lợi nhuận chuyến biển thu được rất cao. Thành công của chuyến biển đầu năm là động lực lớn để chúng tôi liên tục bám biển trong những ngày tới” - ông Tú nói.
Nhiều tàu công suất nhỏ câu cá hố của ngư dân xã Duy Nghĩa cũng được mùa, được giá với những chuyến biển gần bờ từ đầu năm đến nay. Anh Nguyễn Tấn Qua (thôn Hội Sơn, xã Duy Nghĩa) - chủ phương tiện QNa-04675 có công suất 45CV cho biết: “Chuyến mở biển thắng lợi là tín hiệu vui cho cả năm sản xuất trên biển. Chỉ sản xuất trong 7 ngày, chúng tôi đã thu được 5 tấn cá hố, bán được xấp xỉ 200 triệu đồng, rất vui mừng”.
Ổn định đầu ra
Theo quan sát của chúng tôi ở các chợ truyền thống trên địa bàn tỉnh vào những ngày này, giá hải sản tăng vọt so với thời điểm trước tết. Cụ thể, ở chợ Thương mại Tam Kỳ, hiện tại, cá hố không trầy xước, cỡ 2kg/con trở lên được bán với giá lên đến 250 nghìn đồng/kg. Mực lá được tiểu thương bán với giá 280 nghìn đồng/kg. Cá nục, cà ngừ được bán 65 nghìn đồng/kg. Đặc biệt, cá thu có giá lên đến 350 nghìn đồng/kg.
Ông Nguyễn Văn Thịnh - Phó Chủ tịch UBND huyện Núi Thành cho biết, rất phấn khởi với những chuyến biển trong dịp tết của các ngư dân trên địa bàn vì thể hiện quyết tâm bám biển, kỳ vọng làm giàu từ biển. Phải đến tháng 4 thì vụ cá chính mới đến. Bám biển trong những ngày qua, ngư dân luôn đối diện với hiểm nguy của thời tiết vì đang vụ cá bắc. Rất mừng vì ngư dân được mùa, được giá. Cuối tuần này, UBND huyện Núi Thành sẽ gặp mặt, đối thoại, vận động 11 hộ dân chưa di dời khỏi vùng dự án để các cơ quan chức năng đẩy nhanh tiến độ xây dựng cảng cá loại 1 Tam Quang trong thời gian đến để kịp hoàn thành, đưa vào sử dụng, giúp ngư dân bán hải sản được thuận lợi hơn.
Ông Ngô Tấn - Phó Giám đốc Sở NN&PTNT cho biết, nội dung quan trọng trong nhiệm vụ tái cơ cấu nghề khai thác hải sản Quảng Nam là giúp ngư dân đầu tư sản xuất để thu được những loại hải sản quý hiếm, có giá cao chứ không nhất thiết phải thu được sản lượng lớn. Theo đó, khuyến khích ngư dân chú trọng sản xuất với các nghề lưới vây, lưới chụp, lưới kéo để thu được các loại cá thu, cá nục, cá ngừ, cá chim, cá cu... Cùng với đó, giúp ngư dân chú trọng bảo quản hải sản ngay sau khi khai thác được và đầu tư sơ chế sản phẩm ngay từ trên biển để nâng cao giá trị sau mỗi chuyến biển.
“Được mùa, được giá đầu năm là dấu hiệu rất đáng mừng. Chúng tôi sẽ tiếp sức ngư dân trên địa bàn qua các lớp đào tạo nghề, chuyển nghề, du nhập nghề mới để ngư dân tiếp cận, vận dụng hiệu quả. Nghề cá Quảng Nam đang chuyển dần từ ưu tiên về lượng sang ưu tiên về chất” - ông Ngô Tấn nói.