Khả quan nuôi cá trong lồng bè

VIỆT NGUYỄN 19/12/2019 11:29

Đó là đánh giá của ngành chuyên môn tại hội thảo tổng kết dự án “Xây dựng mô hình nuôi cá lồng bè trên sông và hồ gắn với tiêu thụ sản phẩm tại một số tỉnh Nam Trung Bộ và Tây Nguyên”, được Trung tâm Khuyến nông Quảng Nam phối hợp với một số tỉnh trong khu vực tổ chức hôm qua (18.12).

Mô hình nuôi cá lăng nha triển khai ở hộ gia đình ông Trương Văn Lành. Ảnh: VIỆT NGUYỄN
Mô hình nuôi cá lăng nha triển khai ở hộ gia đình ông Trương Văn Lành. Ảnh: VIỆT NGUYỄN

Hiệu quả

Tháng 5.2019, từ nguồn vốn hỗ trợ của Trung tâm Khuyến nông quốc gia và đối ứng của các hộ dân, Trung tâm Khuyến nông Quảng Nam đã giúp các hộ Trương Văn Lành, Nguyễn Văn Tuấn và Võ Xuân Hồng (thôn Thạnh Phú, xã Đại Chánh, Đại Lộc) triển khai nuôi 4.000 con cá lăng nha trong lồng bè ở hồ Khe Tân. Đến nay, cá đạt trọng lượng gần 4 tấn để bán thương phẩm. Ông Lành cho biết, sản phẩm đáp ứng được các tiêu chí khắt khe về an toàn thực phẩm nên các siêu thị, nhà hàng, khách sạn rất ưa chuộng, đặt mua với số lượng lớn. “Chất lượng cá rất thơm ngon, được thị trường đón nhận là yếu tố quyết định thành công của mô hình” - ông Lành nói. Với gần 4 tấn cá, các hộ dân bán được 456 triệu đồng, lãi 121 triệu đồng. Ông Võ Xuân Hồng cho biết, với thành công của mô hình nuôi cá lăng nha, sẽ đầu tư thêm các loại cá thát lát cườm, cá trê, cá lóc, cá chình trong thời gian đến. “Đa canh, nuôi nhiều loài cá có chất lượng tốt mới có thể tạo ra nhiều sản phẩm sạch để cung cấp cho thị trường, có thể đạt hiệu quả kinh tế cao” - ông Hồng nói.

Bà Nguyễn Thị Đồng - Trưởng phòng Kỹ thuật (Trung tâm Khuyến nông Quảng Nam) cho biết, cùng với nuôi cá lăng nha, nuôi cá thát lát cườm ở các tỉnh Quảng Ngãi, Gia Lai, Đắc Lắc đã đánh thức tiềm năng nuôi cá nước ngọt trong lồng bè tại các sông, hồ chứa nước thuộc các tỉnh Nam Trung Bộ và Tây Nguyên. Mô hình đã tăng thu nhập cho người nông dân, thúc đẩy phát triển kinh tế nông nghiệp ở khu vực nông thôn theo hướng hàng hóa. Qua triển khai các mô hình nuôi cá, cho thấy không dùng kháng sinh, hóa chất đã đem lại lợi ích kép là bảo vệ môi trường và tăng khả năng miễn dịch cho động vật thủy sản nuôi. 

Nhân rộng mô hình

Theo ông Võ Văn Nghi - Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Quảng Nam, mô hình nuôi cá trong lồng bè đã giúp người dân tiếp cận tiến bộ khoa học - kỹ thuật. “Nuôi cá lăng nha và cá thát lát cườm trong lồng bè phù hợp với điều kiện tự nhiên, khai thông lợi thế của các địa phương. Trong quá trình nuôi, cá thích nghi tốt, sinh trưởng nhanh, phát triển ổn định, không bị bệnh, chất lượng cá thương phẩm rất đạt. Bởi vậy, chúng tôi sẽ kiến nghị Trung tâm Khuyến nông quốc gia nhân rộng mô hình này trong thời gian đến” - ông Nghi nói.

Đại diện các Trung tâm Khuyến nông tỉnh Quảng Ngãi, Đắc Lắc và Gia Lai đều cho rằng, các loại cá lăng nha, thác lác cườm là đặc sản thủy sản, thị trường đón đợi nên sẽ nhân rộng, phát triển nuôi thủy sản hàng hóa, kỳ vọng trở thành đối tượng nuôi thủy sản chủ lực, đem lại giá trị kinh tế cao cho nông dân. Các ngành chức năng khuyến nghị bà con nên mạnh dạn đầu tư nuôi cá trong lồng bè với các đối tượng mới, ngoài cá lăng nha và thác lác cườm, có thể tính đến nuôi cá leo, cá chình để đa dạng hóa sản xuất, đáp ứng yêu cầu cung cấp nhiều mặt hàng của thị trường, qua đó phát triển bền vững, nâng cao giá trị kinh tế mang lại sau sản xuất. 

Ngành chức năng khuyến cáo nông dân cần chọn cá giống chất lượng, được kiểm dịch tốt, khi thả cá giống cần thực hiện vào lúc sáng sớm hoặc chiều tối, thao tác nhẹ nhàng tránh cá bị trầy xước. Nông hộ cần kiểm tra kỹ các chỉ tiêu môi trường nước trong khu vực nuôi cá, vệ sinh lồng bè kỹ càng...

VIỆT NGUYỄN