Tìm cách giải quyết nợ xấu "tàu 67"
(QNO) - Sáng nay 13.12, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh có cuộc làm việc với Ngân hàng Nhà nước chi nhánh Quảng Nam nhằm thảo luận, tìm giải pháp tháo gỡ vấn đề giải quyết nợ xấu “tàu 67”.
Lo với tai nạn tàu cá
Ông Phan Thái Bình - Phó Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh đặt vấn đề tàu vỏ thép QNa-94679 của ngư dân Trần Văn Liên (thôn Tân An, xã Bình Minh, Thăng Bình) sau sự cố hỏng máy hồi năm 2016 đã được Tòa án nhân dân cấp cao tại TP.Đà Nẵng ban hành quyết định giám đốc thẩm, nhưng đến nay các bên vẫn chưa thực hiện bản án đã được tòa tuyên. Cục Thi hành án dân sự Quảng Nam đã vào cuộc với vụ việc này ra sao?
Ông Phan Thái Bình cho rằng, triển khai Nghị định 67 của Chính phủ về một số chính sách phát triển thủy sản (Nghị định 67) từ năm 2014 đến nay nhưng vẫn chưa có cơ chế ràng buộc đối với các “tàu 67” chưa mua bảo hiểm trước khi ra khơi sản xuất là rất bất cập. Bởi “tàu 67” được hình thành từ vốn của ngân hàng nên khi không may xảy ra rủi ro, thiệt hại thì ngân hàng chịu thiệt.
“Thực tế, “tàu 67” của ngư dân Phạm Văn Tư (xã Bình Dương, Thăng Bình) bị cháy khi không còn bảo hiểm, chưa giải quyết được đến thời điểm này đã báo động bảo hiểm đến “tàu 67” của tỉnh. Vướng mắc này rất cần giải quyết khẩn trương trong thời gian đến” - ông Phan Thái Bình nói.
Ông Trần Quang Hổ - Phó Giám đốc Ngân hàng Nhà nước chi nhánh Quảng Nam cho biết, triển khai Nghị định 67, các ngân hàng thương mại trên địa bàn tỉnh đã ký hợp đồng, giải ngân vốn, giúp ngư dân đóng mới được 63 tàu công suất lớn; cải hoán, nâng cấp máy chính 2 tàu công suất lớn. Đáng tiếc là có 4 tàu vỏ gỗ bị tai nạn trên biển, 1 tàu bị chìm, 2 tàu bị cháy, 1 tàu vừa bị cháy vừa bị chìm. Trong số đó, mới chỉ có 2 tàu cá được bảo hiểm; 2 tàu còn lại đang được các ngành chức năng điều tra, tìm nguyên nhân gây tai nạn để xử lý trong thời gian đến.
“Các ngân hàng trên địa bàn tỉnh đề xuất UBND tỉnh chỉ đạo các lực lượng biên phòng tuyến biển không thực hiện thủ tục xuất bến cho các “tàu 67” không có bảo hiểm thân tàu và có biện pháp khống chế nếu các tàu này xuất bến trái phép. Ngành ngân hàng cũng đề nghị với Sở NN&PTNT chỉ cấp phép khai thác hải sản đối với các “tàu 67” với thời hạn hiệu lực tối đa của giấy phép bằng thời hạn hiệu lực bảo hiểm thân tàu” - ông Trần Quang Hổ nói.
Gỡ vướng nợ xấu
Theo Ngân hàng Nhà nước chi nhánh Quảng Nam, hiện nay trên địa bàn có 13 “tàu 67” sản xuất tốt, trả nợ gốc, tiền lãi đúng theo cam kết với ngân hàng thương mại cho ngư dân vay vốn đóng tàu. Dư nợ của 13 tàu cá là 123 tỷ đồng.
Tàu cá hoạt động cầm chừng hoặc không hiệu quả, không trả nợ gốc, tiền lãi theo cam kết là 50 tàu với dư nợ là hơn 550 tỷ đồng. Dư nợ của “tàu 67” đến thời điểm này là xấp xỉ 673 tỷ đồng, nợ xấu là hơn 215 tỷ đồng (chiếm 32% tổng dư nợ “tàu 67”, chiếm đến gần nửa nợ xấu toàn tỉnh).
Các ngân hàng thương mại cho biết, rất nhiều chủ “tàu 67” chây ỳ trả nợ, nợ xấu không lối thoát. Trong khi đó, đã xảy ra hiện tượng chủ “tàu 67” tự ý bán các vật tư, máy móc, trang thiết bị, ngư lưới cụ trên tàu cá là tài sản bảo đảm tiền vay khi chưa được ngân hàng cho chủ tàu vay đồng ý. Đáng báo động là tình trạng các chủ “tàu 67” khai báo sản lượng hải sản khai thác được thấp hơn sản lượng thực sau mỗi chuyến biển để trốn tránh nghĩa vụ trả nợ đối với ngân hàng cho vay vốn đóng tàu.
Ông Phan Thái Bình cho rằng, chính sách chuyển nhượng “tàu 67” đang bất cập ở chỗ khi chủ tàu mới muốn mua lại “tàu 67” của chủ cũ thì phải gánh luôn nợ gốc quá hạn và lãi phát sinh của chủ tàu cũ đối với ngân hàng. Bởi vậy, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh đề nghị Ngân hàng Nhà nước chi nhánh Quảng Nam có kiến nghị khi chuyển nhượng “tàu 67”, chủ tàu mới chỉ phải trả cho chủ tàu cũ đúng giá trị của con tàu đó chứ không gánh thêm nợ cũ của chủ cũ. Số nợ cũ của chủ cũ khi đó cần được khoanh nợ và ngành ngân hàng với chuyên môn nghiệp vụ của mình cần có giải pháp để xử lý món nợ khoanh đó hợp tình, hợp lý.
Ông Phan Thái Bình cũng đề nghị Ngân hàng Nhà nước chi nhánh Quảng Nam phối hợp chặt chẽ với các cơ quan chức năng khẩn trương điều tra, làm rõ nguyên nhân các vụ cháy tàu để xử lý sớm, tránh để kéo dài như thời gian qua. Đối với các chủ “tàu 67” chây ỳ trả nợ thì Ngân hàng Nhà nước chỉ đạo các ngân hàng thương mại thực hiện khởi kiện để thu hồi tài sản bảo đảm, đồng thời răn đe các chủ “tàu 67” khác không thực hiện nghĩa vụ trả nợ của mình.
Về việc thi hành án liên quan đến tàu vỏ thép QNa-94679, ông Trịnh Minh Hùng - Phó Cục trưởng Cục Thi hành án dân sự Quảng Nam cho biết, do Công ty Liên Á (bên cung cấp máy thủy cho tàu cá của ông Liên phải chịu trách nhiệm trong sự cố hỏng máy tàu) ở quận Cầu Giấy (TP.Hà Nội) nên Cục Thi hành án dân sự đã liên hệ với ngành thi án dân sự quận Cầu Giấy đề nghị hỗ trợ. Đến nay, các ngành chức năng đã yêu cầu ngân hàng nơi Công ty Liên Á có tài khoản phải chuyển số tiền đền bù về tài khoản của Cục Thi hành án dân sự Quảng Nam.
“Khi ngân hàng chuyển khoản số tiền đền bù đối với tàu cá của ông Trần Văn Liên thì chúng tôi sẽ bàn giao số tiền đó để ông Liên giải quyết nợ nần với ngân hàng đã cho ngư dân vay vốn đóng “tàu 67” nói trên” - ông Trịnh Minh Hùng nói.