Nuôi cá chình bông trong bể xi măng
Việc thử nghiệm thành công mô hình nuôi cá chình bông áp dụng khoa học kỹ thuật bằng hệ thống lọc nước tuần hoàn trong bể xi măng đang mở ra hướng làm giàu mới cho người dân huyện Đại Lộc.
Mô hình mới
“Nghiên cứu thử nghiệm mô hình nuôi cá chình (Anguilla marmorata) trong bể xi măng bằng phương pháp lọc nước tuần hoàn” là đề tài khoa học cấp cơ sở do kỹ sư Nguyễn Văn Quang (Phó phòng Nông nghiệp huyện Đại Lộc) làm chủ nhiệm được thực hiện ở phạm vi bể nuôi 20m2, trên địa bàn xã Đại Hiệp.
Trước đây, việc nuôi thủy sản tại địa phương gặp nhiều trở ngại do nguồn nước chủ yếu kết hợp từ nguồn nước cung cấp cho sản xuất lúa, khi cây lúa không có nhu cầu tưới thì việc cấp nước cho ao nuôi thủy sản gặp khó khăn. Vì vậy, đẩy mạnh nghề nuôi thủy sản nước ngọt ứng dụng khoa học kỹ thuật xây dựng quy trình nuôi cá chình trong bể xi măng là ý tưởng mới và cần thiết.
Theo ông Đoàn Ngọc Quang - Phó Chủ tịch UBND huyện Đại Lộc, đây là đề tài rất mới ở huyện Đại Lộc và đang tiến tới những bước nghiệm thu sau 2 năm thực hiện. Kết quả ban đầu cho thấy, cá chình cho hiệu quả khá cao. “Việc nuôi cá chình chiếm một diện tích tương đối nhỏ so với việc nuôi cá lồng bè hay cá nước ngọt, đảm bảo cho bà con nông dân có thể tự nuôi trong gia đình, tận dụng được lao động nông nhàn. So với loài cá khác thì cá chình có giá trị kinh tế cao, giúp người dân địa phương phát triển kinh tế tốt hơn” - ông Quang nói.
Ông Phan Hành - Phó phòng Kinh tế - hạ tầng (KTHT) huyện Đại Lộc cho biết, đơn vị cùng UBND xã Đại Hiệp đã kiểm tra và mời các hộ dân đến xem xét, thấy rằng mô hình rất tiện ích. Nếu nuôi cá diêu hồng, cá lóc cần diện tích rộng, thì nuôi cá chình chỉ cần 20 - 100m2 là đủ điều kiện nhân rộng mô hình này. Đây là yếu tố thuận lợi cho người dân khi triển khai.
Triển vọng
Cá chình ăn tạp, có thể ăn tôm, cá con, động vật đáy nhỏ, côn trùng thủy sinh, động vật phù du nhóm Cladocera và giun ít tơ. Tuy nhiên yếu điểm của nhóm thức ăn tươi dễ nhiễm khuẩn nên chỉ cho cá ăn thức ăn công nghiệp, tránh gây ô nhiễm nguồn nước. Với công nghệ lọc nước tuần hoàn (RAS) bao gồm bể cá nuôi, bể lắng lọc, cơ học, bể lọc sinh học, đường ống cấp thoát nước và sục khí, đối với nuôi trồng thủy sản có đặc tính riêng đó là chất thải của con cái có nhiều lượng đạm nên việc áp dụng hệ thống lọc nước tuần hoàn kết hợp hạt lọc giá thể Kaldnes sẽ giúp loại bỏ tối đa ammoniac và nitrite, giúp các vi khuẩn có lợi phát triển tự nhiên…
“Trong quá trình triển khai thực hiện, nhận thấy hệ sinh thái nuôi cá chình trong bể xi măng khá ổn định. Hằng ngày việc dùng các thiết bị kiểm tra môi trường nước, hàm lượng oxy, độ pH, NH3, NO2, CO2 đảm bảo theo tiêu chuẩn. Hệ thống gần như tự động hóa, chỉ cần một người vệ sinh bể lọc mỗi ngày nửa tiếng đồng hồ, buổi tối cho cá ăn một tiếng đồng hồ nữa là đáp ứng đủ quy trình” - ông Nguyễn Văn Quang cho biết.
Điều đặc biệt hệ số thức ăn nuôi cá khá thấp, chỉ có chi phí con giống khá cao, tầm 120 nghìn đồng/con giống. Hiện nay, cá chình thương phẩm hiện trên thị trường giao động từ 450 - 580 nghìn/kg mang lại nhiều lợi ích kinh tế cho người nuôi. Thị trường Đài Loan, Hàn Quốc hiện rất chuộng cá chình bông (Việt Nam). Với 325 con giống thả nuôi, sau 11 tháng nuôi, ngoài tỷ lệ do thất thoát từ việc cá nhảy ra khỏi bể và chết thì tỷ lệ cá chình trưởng thành đạt 98,5%, trọng lượng trung bình 850 gam/com, kích cỡ thu hoạch 1kg/con.
“Sắp tới tôi mong sẽ ứng dụng kỹ thuật này vào đại trà để người nông dân được tiếp cận và đưa vào nuôi trồng thủy sản. Tôi cũng mong muốn sẽ cải tạo một số chuồng heo đang bị dịch tả lợn châu Phi mà các hộ dân không thể tái đàn, từ cơ sở vật chất bị bỏ hoang thì việc kết hợp với hệ thống lọc nước tuần hoàn sinh học sẽ phát triển mạnh nghề nuôi trồng thủy sản, giúp bà con thay đổi đối tượng nuôi và làm giàu chính đáng, đẩy nhanh tiến độ xây dựng nông thôn mới ở địa phương” - ông Quang nói.