Khó thu hồi nợ xấu "tàu 67"

VIỆT NGUYỄN 11/12/2019 14:00

Nội dung quan trọng được các ngân hàng thương mại thảo luận với Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh (do Phó Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Phan Thái Bình chủ trì) tại ngày làm việc hôm qua (10.12) là giải quyết nợ xấu của “tàu 67”.

Một tàu khai thác xa bờ được đóng mới từ nguồn vốn vay theo Nghị định 67. Ảnh: VIỆT NGUYỄN
Một tàu khai thác xa bờ được đóng mới từ nguồn vốn vay theo Nghị định 67. Ảnh: VIỆT NGUYỄN

Sức ép lớn

Triển khai Nghị định 67 về một số chính sách phát triển thủy sản của Chính phủ (Nghị định 67), VietinBank chi nhánh Quảng Nam đã giúp ngư dân Phạm Văn Dự (xã Tam Giang, Núi Thành) vay 5,56 tỷ đồng để đóng tàu vỏ gỗ công suất lớn đánh bắt xa bờ. Tuy nhiên, từ tháng 1.2018, sau khi phát sinh nợ xấu, mặc dù ngân hàng đôn đốc trả nợ nhưng khách hàng vẫn chây ỳ. VietinBank chi nhánh Quảng Nam đã khởi kiện ngư dân ra Tòa án nhân dân huyện Núi Thành.

Ngày 10.1.2019, Tòa án nhân dân huyện Núi Thành đã công nhận hòa giải thành công. Sau đó, VietinBank chi nhánh Quảng Nam tiếp tục đôn đốc khách hàng thực hiện theo quyết định hòa giải của tòa án nhưng khách hàng không thực hiện. Ngân hàng đã gửi đơn đề nghị thi hành án và đã có quyết định thi hành án của Chi cục Thi hành án dân sự huyện Núi Thành nhưng chưa thu hồi được “tàu 67”.

UBND tỉnh đã yêu cầu các địa phương ven biển chuyển tiền hỗ trợ dầu theo Quyết định 48 của Chính phủ về tài khoản ngân hàng của chủ tàu mở tại ngân hàng thương mại cho ngư dân vay vốn đóng “tàu 67”. Tuy nhiên, đến nay, trong khi các huyện Thăng Bình, Duy Xuyên, TP.Hội An, TP.Tam Kỳ thực hiện thì huyện Núi Thành - địa phương có mức chi tiền hỗ trợ dầu lớn nhất tỉnh lại chưa triển khai. Bà Vũ Thị Tố Nga cho rằng Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh cần có tiếng nói với tỉnh, huyện để chuyển toàn bộ tiền hỗ trợ dầu của chủ tàu về tài khoản được mở tại ngân hàng thương mại để ngân hàng theo dõi, đánh giá được hoạt động sản xuất của chủ “tàu 67”, qua đó có giải pháp cùng ngư dân tháo gỡ khó khăn.

Theo ông Nguyễn Bách Thọ - Giám đốc BIDV chi nhánh Quảng Nam, ngân hàng thương mại đã ký kết hợp đồng và giải ngân hơn 200 tỷ đồng, giúp 16 ngư dân trên địa bàn tỉnh đóng mới 16 “tàu 67” sản xuất ở các vùng biển xa. Đến nay, cả 16 tàu đều lâm nợ xấu, gây sức ép lớn cho ngân hàng. Khó khăn càng lớn hơn khi hầu hết “tàu 67” đều thiếu hụt lao động, nằm bờ thường xuyên.

“Sau hơn 3 năm triển khai Nghị định 67, chúng tôi gặp rất nhiều khó khăn trong quản lý, thu hồi nợ của các chủ tàu sau khi vay vốn. Chúng tôi thường xuyên báo cáo chính quyền tỉnh và các cơ quan, địa phương ven biển, đề xuất các biện pháp để tháo gỡ khó khăn nhưng đến nay vẫn chưa hiệu quả” - ông Nguyễn Bách Thọ nói.

Bà Vũ Thị Tố Nga - Phó Giám đốc BIDV chi nhánh Quảng Nam cho biết, chính sách bảo hiểm cho “tàu 67” rất bất cập. Việc bồi thường các hạng mục của tàu cá còn nhiều hạn chế đã gây ức chế cho ngư dân. Ví như tàu vỏ thép của ngư dân Trần Công Kỳ (xã Tam Quang, Núi Thành) bị rách neo dù nhưng không được cơ quan bảo hiểm chi trả khi cho rằng thiết bị này nằm ngoài dự toán tàu cá. Ngoài ra, hiện nay chưa có cơ chế bắt buộc chủ “tàu 67” phải mua bảo hiểm trước khi đi sản xuất nên tiềm ẩn nguy cơ mất trắng tàu khi không may gặp nạn trên các vùng biển xa.

“Thiết kế “tàu 67” của Bộ NN&PTNT rất hạn chế, ngư dân sau khi đóng tàu không thể huy động thêm vốn để sửa chữa con tàu nên sản xuất gián đoạn thường xuyên, hễ có gió cấp 4 là không thể thả lưới, thu lưới được. Nhiều nghề của “tàu 67” sản xuất kém, ngư dân không có vốn chuyển nghề mà lại bị cắt lưới khi đánh bắt ở vùng biển mới, như Quảng Trị chẳng hạn” - bà Nga nói.

Nhiều kiến nghị

Bà Trần Thị Mỹ Hạnh - Giám đốc VietinBank chi nhánh Quảng Nam cho biết, ông Phạm Văn Dự đang có con bị tai nạn giao thông, gia đình khó khăn nên ngân hàng chưa thể thu hồi “tàu 67” vì như vậy là đưa khách hàng đến bước đường cùng. Ngân hàng vẫn để ngư dân tiếp tục sản xuất với con “tàu 67” đã gặp nợ xấu bấy lâu nay. Tuy nhiên, không biết đến bao giờ gia đình ngư dân Phạm Văn Dự mới vượt qua được khó khăn và liệu lúc đó, phía ngân hàng có thu hồi được “tàu 67” không. “Mong các cơ quan chức năng đồng hành với chúng tôi để có thể thu hồi “tàu 67” của ngư dân Phạm Văn Dự trong thời gian đến nếu nợ xấu không thể giải quyết” - bà Hạnh nói.

Ông Nguyễn Bách Thọ đã gửi đến Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh nhiều kiến nghị để gỡ vướng các bất cập của “tàu 67”. Cụ thể, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh cần đề nghị Bộ Tài chính xem xét lại cơ chế bồi thường đối với các hạng mục bảo hiểm khi không may xảy ra sự cố đối với “tàu 67”. Bộ NN&PTNT có phương án hỗ trợ sửa chữa đối với các “tàu 67” vì ngư dân đã tuân thủ đúng 21 mẫu tàu vỏ thép nhưng thiết kế quá nhiều lỗi, ngư dân không đủ vốn, không đủ kỹ thuật để “vá lỗi”.

“Chính phủ cần chỉ đạo các ngành chuyên môn có hướng dẫn ngành nghề phù hợp cũng như dự báo đúng ngư trường có nhiều nguồn lợi hải sản, giúp các chủ tàu sản xuất đạt hiệu quả trong thời gian đến, qua đó có thể trả nợ ngân hàng. Bộ NN&PTN cần có giải pháp để hỗ trợ các “tàu 67” đi đánh bắt ở các vùng biển của tỉnh khác mà không bị phá hoại ngư lưới cụ” - ông Nguyễn Bách Thọ nói.

Bà Vũ Thị Tố Nga cho rằng, cơ chế, chính sách chuyển đổi chủ “tàu 67” theo Nghị định 17 thay thế Nghị định 67 đã không thực hiện được là do muốn chuyển nhượng, chủ tàu mới bắt buộc phải nhận toàn bộ nợ nần của chủ tàu cũ. Do vậy, Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh cần đề xuất Chính phủ thay đổi chính sách theo hướng chủ tàu mới khi được chuyển nhượng chỉ phải trả đúng giá trị con tàu chứ không phải trả nợ thay các khoản nợ của chủ tàu cũ.

Theo ông Phan Thái Bình, qua kiến nghị của các ngân hàng thương mại, Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh sẽ làm việc với Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước, Bộ NN&PTNT cũng như UBND tỉnh để có các giải pháp kịp thời gỡ khó trong thu hồi nợ của các “tàu 67” trên địa bàn tỉnh.

VIỆT NGUYỄN