Tiếp sức ngư dân đóng tàu xa bờ

VIỆT NGUYỄN 09/10/2019 09:33

Chiến lược phát triển nghề cá của Quảng Nam là bảo vệ nguồn lợi, giảm dần tàu thuyền sản xuất ven bờ, tăng đội tàu đánh bắt hải sản xa bờ, tăng sản lượng và giá trị hải sản khai thác. Chủ trương này đang đối diện với rất nhiều khó khăn khi hạn ngạch 782 tàu cá sản xuất xa bờ được Bộ NN&PTNT phân bổ đã hết hạn.

Sở hữu tàu thuyền nhỏ, ngư dân Quảng Nam có nhu cầu vay vốn đóng mới tàu công suất lớn sản xuất xa bờ. Ảnh: QUANG VIỆT
Sở hữu tàu thuyền nhỏ, ngư dân Quảng Nam có nhu cầu vay vốn đóng mới tàu công suất lớn sản xuất xa bờ. Ảnh: QUANG VIỆT

KHÔNG THỂ TĂNG ĐỘI TÀU XA BỜ

Chủ trương của Quảng Nam tăng đội tàu sản xuất ở các vùng biển xa đang đi vào ngõ cụt vì không thể cấp thêm hạn ngạch.

Nhu cầu lớn

Quảng Nam hiện có khoảng 4.000 tàu thuyền đánh bắt hải sản, trong đó, có hơn 3.000 tàu thuyền sản xuất ven bờ. Số tàu thuyền hành nghề pha xúc, giã cào có công suất nhỏ, thân tàu ngắn, chỉ sản xuất gần bờ đã khiến các loại cá non bị suy giảm nghiêm trọng. Trong số này, có rất nhiều chủ tàu cá muốn bán phương tiện đang sản xuất để đóng mới tàu cá có công suất lớn và chiều dài từ 15m trở lên hướng đến khai thác hải các ngư trường truyền thống Hoàng Sa, Trường Sa.

Ngư dân Trần Minh Cảnh (thôn Hà Lộc, xã Tam Tiến, Núi Thành) - chủ tàu cá QNa-00507 hành nghề giã cào cho biết, do đặc thù nghề này mỗi mẻ lưới đều quét tất cả hải sản ở mọi tầng nước nên nhiều khi dù không muốn cũng bắt được rất nhiều cá nhỏ. “Sản xuất ven bờ ngày càng khó khăn do nguồn lợi cạn kiệt dần. Tích lũy được nguồn vốn kha khá, tôi định bán tàu nhỏ, vay thêm vốn ưu đãi của Nhà nước để đóng tàu lớn sản xuất xa bờ bằng nghề lưới chụp” - ông Cảnh nói.

Ông Cảnh kể, trước đây, khi chưa sở hữu tàu cá QNa-00507, ông có hơn 10 năm đi bạn trên tàu lưới chụp, thấy sản xuất hiệu quả nên đã học được nghề. “Tôi ấp ủ dự định sẽ có lúc đóng tàu lưới chụp. Với 4 tăng gông vững chắc, tôi tin tưởng sẽ thu được rất nhiều mực nang, mực ống, thu được giá trị kinh tế cao” - ông Cảnh nói.

Ngư dân Trần Quang Năm (thôn Phú Đông, xã Tam Xuân 1, Núi Thành) - chủ tàu cá QNa-90686 công suất 546CV cho biết, tàu ông hành nghề lưới rê ở ngư trường Hoàng Sa đang hiệu quả. Ông tích cóp được nguồn vốn khá, muốn đóng thêm 1 tàu lớn khác để sản xuất theo mô hình tàu mẹ - tàu con, kỳ vọng thu được hiệu quả sản xuất lớn hơn. “Nếu Quảng Nam hết hạn ngạch cấp phép tàu cá sản xuất xa bờ thì ngư dân rất thiệt thòi. Tôi và nhiều ngư dân khác rất cần đóng thêm tàu lớn để sản xuất đạt hơn” - anh Năm nói.

Theo ông Nguyễn Xuân Luận - Chủ tịch UBND xã Tam Tiến (Núi Thành), khai thác hải sản là nghề chính ở địa phương nhưng số tàu nhỏ sản xuất gần bờ lại nhiều hơn so với tàu lớn sản xuất xa bờ. Lâu nay, chính quyền luôn tạo điều kiện thuận lợi để ngư dân có thể hoàn thiện các thủ tục, hồ sơ vay vốn đóng tàu lớn thay thế tàu nhỏ để vươn khơi.

“Đội tàu xa bờ của địa phương có tăng lên nhưng không nhanh do nguồn lực của ngư dân còn hạn chế. Ngư dân đang sản xuất hiệu quả dần, có thể tích lũy nguồn vốn lớn cộng với vốn vay ưu đãi của Nhà nước để đóng được tàu lớn, vươn khơi đánh bắt được các loại hải sản có giá trị lớn như cá thu, cá chim, cá cu... đem lại giá trị kinh tế cao hơn” - ông Luận nói.

Theo ông Trần Văn Siêm - Phó Chủ tịch UBND xã Duy Hải (Duy Xuyên), số tàu sản xuất xa bờ của ngư dân địa phương mới chỉ đếm được trên đầu ngón tay. “Muốn phát triển nghề cá bền vững, cần giúp ngư dân vay vốn ưu đãi để sở hữu được tàu cá lớn, khai thác hiệu quả hơn ở vùng khơi xa” - ông Siêm nói.

Khuyến khích vươn khơi

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Trí Thanh cho biết, chủ trương của tỉnh là hỗ trợ ngư dân đóng tàu lớn sản xuất xa bờ, giảm dần khai thác hải sản gần bờ, tránh khai thác hủy diệt các loài hải sản đang thời kỳ sinh đẻ, hải sản còn non. Đặc biệt, không phát triển thêm các tàu cá công suất nhỏ dưới 30CV hoặc các tàu có công suất lớn hành nghề giã cào, pha xúc. Tỉnh yêu cầu các địa phương chú trọng hỗ trợ ngư dân khai thác xa bờ với các loại hải sản giá trị kinh tế cao đi đôi với tăng cường bảo vệ nguồn lợi hải sản. Theo đó, không chạy theo sản lượng, đánh bắt có chọn lọc, tập trung khai thác các loại hải sản có giá trị cao để nâng cao hiệu quả kinh tế thu được sau chuyến biển.

“Khuynh hướng sản xuất nghề cá hiện đại phải là chuyển đổi các nghề khai thác ven bờ, kém hiệu quả, gây xâm hại nguồn lợi hải sản như lưới kéo, lồng bẫy, mành đèn sang các nghề khai thác xa bờ hiệu quả, giàu tiềm năng, thân thiện với môi trường. Thực hiện chủ trương đó, tỉnh hỗ trợ ngư dân đóng thêm tàu lớn sản xuất với các nghề câu mực khơi, chụp mực khơi, câu cá ngừ đại dương, lưới vây ngày, lưới vây đêm, lưới cản, lưới quét...” - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Trí Thanh nói.

Theo ông Ngô Tấn - Phó Giám đốc Sở NN&PTNT, thực hiện chiến lược khai thác hải sản bền vững, Quảng Nam chú trọng tăng đội tàu công suất lớn, có chiều dài thân tàu từ 15m trở lên để nâng cao năng lực sản xuất tại các vùng biển xa. Theo đó, đặt ra kế hoạch tổng sản lượng khai thác nghề cá toàn tỉnh đạt khoảng 80 nghìn tấn vào năm 2020, trong đó, sản lượng xa bờ đạt 52 nghìn tấn (chiếm 65% tổng sản lượng), sản lượng ven bờ đạt 28 nghìn tấn (chiếm 35%). Dự kiến, đến năm 2020, số lượng tàu cá xa bờ của tỉnh sẽ đạt hơn 800 chiếc, tập trung chủ yếu tại 2 địa phương có nghề cá phát triển vượt trội là Núi Thành (400 tàu) và Thăng Bình (250 tàu).

“Kế hoạch và kỳ vọng của ngành nông nghiệp cũng như của ngư dân và các địa phương rất lớn, phù hợp với thực tiễn phát triển. Tuy nhiên, bất cập ở chỗ hạn ngạch Bộ NN&PTNT phân cấp Quảng Nam chỉ dừng lại ở 782 tàu cá” - ông Ngô Tấn nói.

CƠ SỞ ĐÓNG TÀU GẶP KHÓ

Thiếu đơn hàng đóng tàu của ngư dân do Quảng Nam hết hạn ngạch đóng tàu xa bờ, các cơ sở đóng tàu trên địa bàn tỉnh đối diện với nhiều khó khăn.

Cơ sở đóng tàu của anh Đỗ Văn Thành nhận ít đơn hàng đóng tàu trong năm 2019. Ảnh: QUANG VIỆT
Cơ sở đóng tàu của anh Đỗ Văn Thành nhận ít đơn hàng đóng tàu trong năm 2019. Ảnh: QUANG VIỆT

Sản xuất ì ạch

Cơ sở đóng tàu của anh Đỗ Văn Thành (xã Duy Vinh, Duy Xuyên) đang đóng 3 tàu vỏ gỗ công suất lớn có chiều dài hơn 15m của 3 ngư dân Quảng Nam là Lê Thanh Vũ (xã Tam Xuân 1, Núi Thành), Lê Văn Tuấn (xã Tam Quang, Núi Thành) và Nguyễn Quang (xã Tam Thanh, TP.Tam Kỳ).

Anh Thành cho biết, cùng 3 tàu kể trên, từ đầu năm đến nay, chỉ mới thi công xong 2 tàu cá, tổng cộng là 5 tàu, quá ít, chỉ bằng 1/5 so với năm 2018. “Cả 3 tàu trên có thể là những con tàu xa bờ cuối cùng của ngư dân Quảng Nam được đóng ở cơ sở này. Tôi được biết, Quảng Nam chỉ được Bộ NN&PTNT phân cấp 782 tàu xa bờ. Nay số hạn ngạch đã hết nên chỉ trông chờ vào các đơn đặt hàng ở các tỉnh bạn. Nhưng nghe nói, số hạn ngạch tàu lớn của các tỉnh bạn cũng không nhiều” - anh Thành nói.

Không khí sản xuất ở cơ sở đóng tàu của anh Thành vào những ngày này khá trầm lắng. “Tôi dồn sức gầy dựng được thương hiệu đóng tàu đã gần 20 năm nay. Tiếng lành đồn xa, hàng loạt đơn đặt hàng đóng tàu đã đến đây. Cơ sở có 50 lao động có tay nghề cao. Chỉ sợ sản xuất cầm chừng, thu nhập thấp khiến người lao động không đủ chi tiêu cho cuộc sống thường nhật của gia đình họ” - anh Thành chia sẻ.

Tại cơ sở đóng tàu của Công ty TNHH MTV Đóng tàu Hà Tiên Khôi (phường An Phú, TP.Tam Kỳ), 3 tàu lớn của 3 ngư dân Hồ Thanh Hùng (xã Tam Thanh, TP.Tam Kỳ), Võ Văn Đồng (xã Tam Hòa, Núi Thành) và Phạm Nhỏ (xã Tam Xuân 1, Núi Thành) đang trong quá trình hoàn thiện. Ông Trần Ngọc Hoàng - Giám đốc Công ty TNHH MTV Đóng tàu Hà Tiên Khôi cho biết, từ đầu năm đến nay, chỉ có được hợp đồng đóng mới 3 tàu này. So với mọi năm, số lượng tàu đóng mới đã giảm khoảng 80%. Theo hạn ngạch tàu cá sản xuất xa bờ của Quảng Nam đã hết nên trong thời gian đến, công ty chỉ có thể tập trung cho hoạt động sửa chữa tàu cá. Bởi, rất hiếm khi, các chủ tàu ngoại tỉnh đến đóng tàu.

“Nghề đóng tàu ngày một khó khăn hơn. Trước đây, chúng tôi có 40 lao động tay nghề cao đồng cam cộng khổ, nay chỉ còn 10 lao động. Cứ đà này thì sản xuất teo tóp, thu nhập thấp, sợ người lao động không còn ở lại” - ông Hoàng nói.

Anh Nguyễn Thanh Thế - thợ chính của công ty này cho biết, những năm trước, quần quật làm việc suốt ngày, suốt tháng cũng không hết việc. Đóng mới 1 chiếc tàu lớn chừng 3 tháng ròng rã, mỗi tháng được trả 15 triệu đồng, ổn thỏa mọi chi tiêu trong gia đình. “Với đà này, nghề đóng tàu ngày mỗi khó, tôi sẽ không thể tiếp tục gắn bó với nghề mà phải tìm việc khác làm để kiếm sống” - anh Thế nói.

Nguy cơ mai một

Quảng Nam được Bộ NN&PTNT công nhận 14 cơ sở đủ điều kiện đóng mới tàu cá lớn sản xuất xa bờ, trong đó, 10 cơ sở đủ điều kiện đóng mới tàu cá công suất 400CV trở lên, 4 cơ sở đủ điều kiện đóng mới tàu cá công suất từ 90CV đến 400CV. Vậy nhưng, đến nay, hầu như hoạt động đóng mới tàu lớn chỉ tập trung ở 2 cơ sở đóng tàu vừa nêu. Các cơ sở đóng tàu còn lại hoạt động cầm chừng, chủ yếu chỉ sửa chữa tàu cá.

Cơ sở đóng tàu Trần Văn Vạn (phường Cửa Đại, TP.Hội An) một thời hoạt động quy mô lớn nhưng nay chỉ phục vụ “lên đà” và “làm nước”. “Trước đây, chúng tôi đóng tàu lớn cho ngư dân trong và ngoài tỉnh, mỗi năm dồn dập đơn hàng ký kết. Một thời nguyên liệu gỗ thiếu rồi sau đó thiếu nhân lực, sản xuất yếu dần. Nay chỉ sửa chữa cho tàu cá thôi. May mà vẫn còn cầm được cái đục, cái búa, gần gũi với be tàu, coi như vẫn còn giữ lấy nghề nghiệp cha ông” - ông Trần Văn Vạn nói.

Cũng ở TP.Hội An, làng nghề đóng tàu Kim Bồng (xã Cẩm Kim) vang tiếng một thời nay cũng chỉ còn dăm ba triền đà sửa chữa cho tàu cá. Nhiều thợ đóng tàu lành nghề đã chuyển nghề hoặc đi làm thuê ở cơ sở đóng tàu của anh Đỗ Văn Thành.

Các chủ cơ sở đóng tàu có chung lo lắng nghề đóng tàu sẽ mai một khi các đơn đặt hàng ít ỏi dần. Ông Hoàng cho biết, qua tham quan, tìm hiểu các cơ sở đóng tàu, các làng nghề đóng tàu nổi tiếng trên phạm vi cả nước, thì nhiều cơ sở, làng nghề đã không thể trụ được do thiếu đơn hàng đóng tàu. Nguyên nhân không phải là do chất lượng đóng tàu kém. Cũng không phải do thiếu nguyên liệu gỗ đóng tàu hay nguồn nhân lực. Điều cốt lõi là ngư dân không được tạo điều kiện, hỗ trợ kịp thời từ ngành chức năng trong bối cảnh sản xuất khó, không đủ vốn đóng tàu mới.

“Điều tréo ngoe là ngư dân Quảng Nam đánh bắt hải sản khá. Nhà nước lại đang khuyến khích ngư dân sản xuất xa bờ, tiếp sức ngư dân đóng tàu bằng ưu đãi vốn vay. Hết hạn ngạch tàu cá xa bờ thì tỉnh cần kiến nghị Trung ương tăng hạn ngạch để ngư dân tiếp tục vươn khơi sản xuất xa bờ, cũng là cách giúp chúng tôi tiếp tục tồn tại với nghề truyền thống” - ông Hoàng nói.

KHAO KHÁT VƯƠN KHƠI

Quảng Nam đề xuất Bộ NN&PTNT tăng hạn ngạch tàu cá xa bờ đồng thời tăng nguồn vốn của Quỹ Hỗ trợ ngư dân, tiếp sức ngư dân vươn khơi sản xuất.

Ngư dân Trần Minh Cảnh muốn thay tàu giã cào bằng tàu lớn sản xuất xa bờ. Ảnh: QUANG VIỆT
Ngư dân Trần Minh Cảnh muốn thay tàu giã cào bằng tàu lớn sản xuất xa bờ. Ảnh: QUANG VIỆT

“Bà đỡ”

Ngư dân Nguyễn Quang (xã Tam Thanh, TP.Tam Kỳ) đang đóng tàu lớn ở cơ sở đóng tàu của anh Đỗ Văn Thành từ nguồn vốn vay ưu đãi của Quỹ Hỗ trợ ngư dân Quảng Nam. Anh Quang cho biết, tàu cá cũ đã không may bị chìm. Trong nỗ lực tìm cách đóng mới tàu cá khác để tiếp tục vươn khơi, anh đã liên hệ với Quỹ Hỗ trợ ngư dân để vay vốn. “Rất nhanh chóng, các cán bộ đã rất nhiệt tình giúp đỡ tôi hoàn thiện mọi thủ tục, hồ sơ để ký kết hợp đồng và giải ngân nguồn vốn 1,5 tỷ đồng không lãi suất để đóng mới tàu cá” - anh Quang nói.

Anh Quang hào hứng cho biết, tàu cá mới có chiều dài 17m, công suất 730CV, sẽ hành nghề lưới rê hỗn hợp trên các vùng biển xa. “Chuyện đánh bắt hải sản vẫn còn nhiều việc phía trước nhưng tôi rất tin tưởng sẽ thành công, vươn khơi hiệu quả hơn trước vì sở hữu tàu lớn, vàng lưới lớn, các công cụ, máy móc hỗ trợ sản xuất rất hiện đại” - anh Quang cho biết.

Tại Công ty TNHH MTV Đóng tàu Hà Tiên Khôi, ông Hồ Thanh Hùng (thôn Tỉnh Thủy, xã Tam Thanh, Tam Kỳ) cũng đang đóng mới tàu lớn nhờ vốn vay 1,5 tỷ đồng lãi suất 0% của Quỹ Hỗ trợ ngư dân Quảng Nam. Ông Hùng vui vì sắp có được tàu cá để sản xuất xa bờ. Ông Hùng cho biết, phần vỏ tàu hơn 1,5 tỷ đồng, trang bị máy thủy mới, các thiết bị hàng hải, máy móc phụ trợ, ngư lưới cụ... có chi phí hơn 2 tỷ đồng. “Chúng tôi mong ngày khởi hành chuyến biển mở hàng của tàu mới đến nhanh. Các bạn biển cũng náo nức, chờ đợi từng ngày” - ông Hùng nói.

Trắng tay khi trở về đất liền sau sự cố tàu cá QNa- 91928 bị chìm ở vùng biển Trường Sa, ngư dân Bùi Văn Quốc (thôn Tân Lập, xã Tam Hải, Núi Thành) mong mỏi được vay vốn ưu đãi của Quỹ Hỗ trợ ngư dân Quảng Nam để có thể đóng được tàu cá mới, lại vươn khơi sản xuất trên các vùng biển xa.

“Tôi miệt mài liên hệ với các ngành chức năng trong những ngày qua để có thể tiếp cận vốn vay của Quỹ Hỗ trợ ngư dân Quảng Nam. Các cán bộ đều chia sẻ với khó khăn của tôi và hứa sẽ nhiệt tình giúp đỡ để tôi có thể sớm ký hợp đồng, giải ngân vốn đóng tàu” - anh Quốc nói.

Sứ mệnh

Ông Ngô Tấn - Phó Giám đốc Sở NN&PTNT kiêm Phó Chủ tịch Hội đồng quản lý Quỹ Hỗ trợ ngư dân Quảng Nam cho biết, hoạt động không vì lợi nhuận, kim chỉ nam của quỹ là đồng hành, tiếp sức ngư dân vay vốn không lãi suất để đóng mới tàu cá sản xuất ở các vùng biển xa. Các trường hợp tàu cá bị chìm, bị cháy hay tai nạn khác của ngư dân sẽ được ưu tiên giải quyết. Đến nay, ngư dân Bùi Văn Quốc luôn được các cán bộ trợ giúp các thủ tục cần thiết để vay vốn trong thời gian ngắn sắp tới.

“Mọi ngư dân có nhu cầu và đáp ứng được các tiêu chuẩn sẽ được Quỹ Hỗ trợ ngư dân Quảng Nam tạo điều kiện tối đa để có thể ký kết hợp đồng, giải ngân vốn đóng tàu lớn để tăng đội tàu sản xuất xa bờ của tỉnh” - ông Ngô Tấn nói.

Theo ông Ngô Tấn, Bộ NN&PTNT phân bổ hạn ngạch tàu lớn sản xuất xa bờ đến các địa phương cả nước có nhiều nguyên nhân. Vì điều tra của Viện Nghiên cứu hải sản cho thấy nguồn lợi hải sản ở các vùng biển xa đang giảm dần. Trong khi đó, số lượng tàu cá lớn của ngư dân cả nước đã quá nhiều, gây áp lực lớn đến trữ lượng hải sản, khiến nghề cá không cân đối, hài hòa giữa thực tế và nhu cầu.

“Đối sánh với các tỉnh, thành khác, số tàu xa bờ của Quảng Nam tương đối ít nhưng nhu cầu, khả năng phát triển theo chiều sâu lại có ưu điểm hơn. Vì vậy chúng tôi sẽ tiến hành rà soát lại tất cả nguyện vọng đóng tàu lớn của ngư dân, tham mưu UBND tỉnh đề xuất với Trung ương tăng hạn ngạch phân bổ tàu xa bờ” - ông Ngô Tấn nói. Do đó, trong thời gian đến, Quảng Nam vẫn sẽ tiếp tục khuyến khích ngư dân tích lũy vốn liếng, tiếp cận các nguồn vốn vay ưu đãi, nhất là Quỹ Hỗ trợ ngư dân để đóng tàu lớn, vươn khơi sản xuất.

Theo bà Huỳnh Thị Thương - Giám đốc Quỹ Hỗ trợ ngư dân, qua 6 năm hoạt động, quỹ đã giúp ngư dân của tỉnh ký hợp đồng, giải ngân, đóng mới 84 tàu cá có chiều dài từ 15m trở lên, công suất từ 400CV trở lên với tổng hạn mức cho vay là 124,7 tỷ đồng. Dư nợ cho vay đến nay xấp xỉ 64 tỷ đồng với 57 hợp đồng cho vay. Nguồn vốn hoạt động của quỹ đến nay là 77,41 tỷ đồng (ngân sách của tỉnh 61 tỷ đồng, hỗ trợ của các tổ chức, cá nhân gần 12 tỷ đồng, bổ sung vốn từ chênh lệch thu chi hơn 5,5 tỷ đồng).

“Xét thấy nhu cầu vay vốn đóng tàu xa bờ ngư dân trên địa bàn là rất lớn cộng với nhiều khả năng Quảng Nam sẽ được tăng thêm hạn ngạch tàu xa bờ, chúng tôi đang đề xuất Sở Tài chính xem xét, tham mưu UBND tỉnh cấp bổ sung vốn điều lệ, trước mắt là 15 tỷ đồng, để quỹ hoạt động thiết thực hơn trong thời gian đến” - bà Thương nói.

Về điều này, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Đình Tùng cho rằng, đề xuất của Quỹ Hỗ trợ ngư dân là xác đáng, phù hợp với thực tiễn. “Sở Tài chính nghiên cứu tham mưu UBND tỉnh bổ sung nguồn vốn ngân sách hoặc điều chuyển nguồn vốn tạm cấp bố trí cho Quỹ Bảo lãnh tín dụng doanh nghiệp nhỏ và vừa qua Quỹ Hỗ trợ ngư dân để sử dụng. Như vậy vừa giúp ngư dân vay vốn đóng tàu xa bờ vừa phát huy tối đa hiệu quả nguồn vốn ngân sách cũng như năng lực hoạt động của Quỹ Hỗ trợ ngư dân” - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Đình Tùng nói.

VIỆT NGUYỄN