Báo động tàu cá gặp nạn trên biển

VIỆT NGUYỄN 04/10/2019 13:27

Liên tiếp các vụ tàu cá của ngư dân trên địa bàn tỉnh gặp nạn xảy ra gần đây đã báo động về công tác đảm bảo an toàn cho người và phương tiện khi sản xuất trên biển.

Tàu cá QNa-90569 được lai dắt về bờ an toàn. Ảnh: VIỆT NGUYỄN
Tàu cá QNa-90569 được lai dắt về bờ an toàn. Ảnh: VIỆT NGUYỄN

Gãy trục lắp, hỏng máy...

Tối 2.10, tàu cá QNa-90569 hành nghề lưới vây do ngư dân Phan Bá Tín (thôn An Hải Tây, xã Tam Quang, Núi Thành) làm thuyền trưởng đã được tàu cá QNa-91636 của ngư dân Nguyễn Thanh Thành (thôn Sâm Linh Đông, xã Tam Quang) lai dắt về bờ an toàn. Ông Tín cho biết, từ khi gặp nạn vào tối 25.9, thuyền trưởng cùng 12 thuyền viên luôn nơm nớp lo âu vì tàu cá bị gãy trục lắp, tự trôi ở khu vực đảo Bạch Quy (quần đảo Hoàng Sa). “Có 2 lần tàu Trung Quốc tiếp xúc với tàu chúng tôi nhưng không cứu hộ, cứu nạn mà còn bắt chúng tôi ký vào biên bản đã xâm phạm vùng biển của Trung Quốc để đánh bắt hải sản trái phép” - ông Tín nói. Qua máy liên lạc tầm xa, ngư dân Phan Bá Tín đã kết nối, thông báo tình trạng của tàu về Đồn Biên phòng cửa khẩu cảng Kỳ Hà (xã Tam Quang). Sau đó, Bộ đội Biên phòng tỉnh đã chỉ đạo cơ quan chức năng liên lạc với các tàu cá cùng ngư trường đến cứu giúp. “Qua máy Icom, chúng tôi đã bắt được liên lạc với tàu cá QNa-91636 và đề xuất lai dắt tàu gặp nạn về bờ và nhận được sự đồng ý. Phải mất 2 ngày, 2 đêm, tàu cá QNa-91636 mới tiếp cận được tàu QNa-90569 vì cách xa nhau đến 200 hải lý. Phải mất thêm 2 ngày 2 đêm, tàu cá bị nạn mới được đưa về bờ an toàn” - Đại úy Nguyễn Đức Hòa, cán bộ phụ trách thông tin của Đồn Biên phòng cửa khẩu cảng Kỳ Hà nói.

Ngư dân Nguyễn Thanh Thành cho biết, tàu cá của mình mới chỉ ra khơi được vài ngày, đánh bắt chưa được bao nhiêu hải sản nhưng khi tiếp nhận thông tin tàu cá QNa-90569 bị gãy trục lắp thì đến ứng cứu ngay, lai dắt về bờ. “Chuyến biển đã lỗ tổn nhưng điều quan trọng là cứu trợ tàu bạn kịp thời. Nghề biển vất vả lắm nên ngư dân chúng tôi rất gắn bó, hỗ trợ nhau” - anh Thành nói. Còn ngư dân Phạm Văn Kiện (thôn An Hải Tây, xã Tam Quang) - bạn biển gắn bó 6 năm qua với tàu cá QNa-90569 nói: “Trong nhiều ngày, tàu cá bị trôi trong điều kiện sóng gió cấp 5 chứ nếu cấp 7 trở lên thì không ai biết trước chuyện gì xảy ra. Trong cái rủi có cái may, chúng tôi sẽ lại vươn khơi bám biển sau khi tàu khắc phục xong sự cố, đảm bảo an toàn”.

Nhiều tàu cá của ngư dân trên địa bàn tỉnh cũng gặp sự cố do hỏng máy, trôi tự do trên biển và được tàu cá của ngư dân cùng ngư trường đến ứng cứu, lai dắt về bờ trong thời gian gần đây. Ông Nguyễn Văn Việt - Trưởng phòng Quản lý tàu cá (Chi cục Thủy sản Quảng Nam) cho biết, các tàu cá gặp nạn đều còn thời gian đăng kiểm, vì nếu hết hạn đã không được xuất bến. “Các công đoạn kiểm tra kỹ thuật của tàu cá được chúng tôi thực hiện đúng quy trình, quy định. Có thể tàu cá gặp nạn do va đập với các vật thể trên biển khiến bị hỏng. Việc này không thể lường trước được nhưng quan trọng là các chủ tàu cần thường xuyên bảo dưỡng tàu cá, kiểm tra thật kỹ các yếu tố kỹ thuật, máy móc trước khi ra khơi. Đăng kiểm có thời hạn 1 năm nên sau khi chúng tôi kiểm tra, các chủ tàu vẫn phải thường xuyên duy tu để hạn chế sự cố, tai nạn đáng tiếc” - ông Việt nói.

Liên tục cháy tàu

Ngày 26.9, tàu QNa-91289 do ông Nguyễn Tấn Vinh (thôn Hòa An, xã Tam Giang, Núi Thành) làm thuyền trưởng đã bị cháy khi đang hành nghề chụp mực tại vùng biển cách mũi An Hòa 85 hải lý về hướng đông đông nam. Tàu cá bị chìm ngay sau đó, 6 ngư dân trên tàu may mắn được ngư dân Đặng Thanh Yên (ở thôn Hòa An) điều tàu cá đến ứng cứu kịp thời. Liên tục trong thời gian qua, nhiều tàu cá của ngư dân huyện Núi Thành bị cháy, cả khi đang sản xuất trên biển lẫn khi neo đậu gần bờ. Theo Phòng NN&PTNT huyện Núi Thành, nguyên nhân gây ra cháy tàu hầu hết là do hệ thống điện và các thiết bị sử dụng điện công suất lớn lắp trên tàu không đảm bảo an toàn. Hầu hết hệ thống điện, thiết bị điện được chính các chủ tàu - những người chưa được trang bị kỹ thuật lắp đặt điện bài bản thực hiện, không đúng trình tự, không đảm bảo kỹ thuật, an toàn. Riêng đối với các tàu câu mực khơi, do bảo quản mực khô trên tàu không được bài bản nên chuột cắn dây điện, gây chập điện, cháy tàu. Do các tàu đánh bắt hải sản xa bờ sản xuất dài ngày nên trữ lượng dầu trên tàu cá rất lớn, hễ khi cháy tàu thì lửa bùng phát dữ dội.

Theo ông Nguyễn Văn Thịnh - Phó Chủ tịch UBND huyện Núi Thành, các cơ quan chức năng của tỉnh, huyện thường xuyên tổ chức các lớp tập huấn, trang bị các kỹ năng phòng cháy, chữa cháy, giúp ngư dân ứng phó sự cố cháy tàu cá. Các chủ tàu cá cũng luôn được các cấp, ngành tuyên truyền, vận động, khuyến cáo lắp đặt hệ thống điện, các thiết bị điện đúng quy chuẩn. Ông Phạm Văn Châu - Phó Chủ tịch phụ trách UBND xã Tam Giang cho biết, ở hầu hết các vụ cháy tàu, ngư dân đều được bảo hiểm nên có thể huy động vốn để đóng tàu cá mới, lại vươn khơi sản xuất. “Đáng tiếc là các sự cố cháy tàu vẫn diễn ra và là vấn đề nan giải đến thời này. Các chủ tàu cá tổ chức, chịu trách nhiệm với quá trình đánh bắt hải sản của họ nên chủ yếu cơ quan chức năng tuyên truyền, vận động ngư dân đảm bảo an toàn cho phương tiện” - ông Châu nói.

VIỆT NGUYỄN