Hạn chế tai nạn trên biển

VIỆT NGUYỄN 05/09/2019 11:26

Thời tiết trên các vùng biển đang diễn biến rất phức tạp, đã có không ít tai nạn thương tâm xảy đến, vì thế đảm bảo an toàn đối với ngư dân và tàu cá là hết sức cấp thiết.

Tàu chìm gây thiệt hại nặng nề đối với ngư dân. Ảnh: QUANG VIỆT
Tàu chìm gây thiệt hại nặng nề đối với ngư dân. Ảnh: QUANG VIỆT

Báo động

Người dân xã đảo Tam Hải (Núi Thành) hết sức lo lắng khi tàu cá QNa-91928 do ngư dân Bùi Văn Quốc (thôn Tân Lập, xã Tam Hải, Núi Thành) làm thuyền trưởng cùng 44 ngư dân đã bị chìm ở vùng biển Trường Sa. Đến nay, 3 ngư dân bị mất tích vẫn chưa được tìm thấy, chưa xác định tên tuổi, địa chỉ cụ thể. Trước đó, ngày 2.9, trên đường vào bãi Thuyền Chài (quần đảo Trường Sa) để tránh trú gió, khi đến tọa độ 9,12 độ vĩ Bắc - 113,26 độ kinh Đông thì tàu QNa-91928 bị mất liên lạc. Phát hiện sự việc, các tàu đang tránh trú ở bãi Thuyền Chài đã điều tàu tìm kiếm. Đến 8 giờ ngày 3.9 thì phát hiện nhiều vật dụng là bình gas, thực phẩm... trôi cách vị trí tàu mất liên lạc khoảng 20 hải lý về hướng đông nam. Đến 14 giờ 30, các ngư dân tìm thấy tàu gặp nạn và cứu vớt được 41 ngư dân, 3 người mất tích. Hiện tại, tàu cá QNa-90622 do ngư dân Bùi Ngọc Quang (xã Tam Giang, Núi Thành) làm thuyền trưởng và tàu cá QNg-90817 do ngư dân Bùi Văn Dân (tỉnh Quảng Ngãi) đang đưa các ngư dân bị nạn trên tàu cá QNa-91928 về bờ. Tàu kiểm ngư 420 của Vùng 4 Hải quân đang tiếp cận các tàu cá để hỗ trợ, tiếp ứng lương thực, thực phẩm, y tế...

Cách đây chưa lâu, tàu cá QNa-90266 do ngư dân Đỗ Công (thôn Đông Tuần, xã Tam Hải, Núi Thành) làm thuyền trưởng cũng đã bị sóng mạnh đánh chìm khi đang trên đường từ vùng biển Hoàng Sa về bờ. Rất may là thuyền trưởng và 11 thuyền viên trên tàu cá QNa-90266 đã được tàu cá của ngư dân tỉnh Bình Định cứu được. Tuy nhiên, tàu bị chìm, toàn bộ ngư lưới cụ, hải sản đánh bắt được đều bị biển cuốn trôi, thiệt hại lên đến hàng tỷ đồng. Ông Nguyễn Tấn Hùng - Phó Chủ tịch UBND xã Tam Hải cho rằng, biển giả rất thất thường, nhất là mùa biển động, khi tai nạn xảy đến thì thiệt hại, mất mát là khó lường được. Vẫn còn rất nhiều tàu cá và ngư dân địa phương đang hoạt động trên các vùng biển xa. Hy vọng mọi người đều an toàn.

Xã Tam Giang hiện vẫn còn 21/30 tàu câu mực khơi đang hiện diện trên biển. Ông Phạm Văn Châu - Phó Chủ tịch phụ trách UBND xã Tam Giang cho biết, câu mực khơi với đặc thù mỗi chuyến biển kéo dài 2 - 3 tháng, mỗi ngư dân câu mực riêng lẻ từ đêm đến sáng trên mỗi thuyền thúng nên rất nguy hiểm, tai ương rình rập mỗi khi biển thất thường. Thực tế đã cho thấy, hầu hết tai nạn xảy đến với ngư dân trong mùa biển động là nghề câu mực. “Chúng tôi luôn tuyên truyền, vận động ngư dân câu mực khơi nói riêng, sản xuất xa bờ nói chung luôn mở máy liên lạc để kịp thời thông báo tình huống bất thường đến các tàu cá cùng ngư trường và về bờ để có cách ứng phó phù hợp. Công tác đăng ký, đăng kiểm, đảm bảo an toàn kỹ thuật cho tàu cá luôn được các chủ tàu triển khai tốt” - ông Châu nói.

Ứng phó

Chủ tịch UBND tỉnh Đinh Văn Thu vừa có công văn yêu cầu các đồn biên phòng tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát tàu cá, không cho xuất bến nếu chủ tàu thiếu các thủ tục đăng ký, đăng kiểm, thiếu các thiết bị an toàn đồng thời luôn trong tâm thế sẵn sàng để kịp thời hỗ trợ, ứng cứu ngư dân và phương tiện trong các tình huống khẩn cấp. Các ngành chức năng, các địa phương phối hợp chặt chẽ, tuyên truyền, tập huấn giúp ngư dân trang bị đầy đủ kiến thức về ứng phó sự cố, tai nạn trên biển. Phương châm “4 tại chỗ” cần được áp dụng hiệu quả trong phòng chống lụt bão, tìm kiếm cứu nạn trên biển.

Ông Ngô Tấn - Phó Giám đốc Sở NN&PTNT cho rằng, bão, áp thấp nhiệt đới đang hoành hành trên biển, rất nguy hiểm nên các địa phương có nghề cá, ngư dân cần phối hợp chặt chẽ với ngành thủy sản, biên phòng để ứng phó, hạn chế tai nạn xảy đến. Theo đó, các huyện, thị xã, thành phố có nghề cá cần thông báo kịp thời đến các chủ tàu cá đang hoạt động trên biển biết diễn biến, hướng di chuyển và vị trí của bão, áp thấp nhiệt đới để chủ động đưa phương tiện vào bờ hoặc tìm nơi trú ẩn an toàn tại các khu neo đậu tàu cá ở vùng biển Trường Sa. Theo ông Tấn, các địa phương cần liên tục kiểm đếm tàu cá, số lượng ngư dân còn đang hoạt động ở ngoài khơi, thường xuyên báo cáo về Ban chỉ huy Phòng chống lụt bão và tìm kiếm cứu nạn của tỉnh để theo dõi, hướng dẫn phương án phòng chống tai nạn trên biển. Đối với các tàu, thuyền đã vào bờ hoặc neo đậu ở khu neo đậu tránh trú bão cho tàu cá, cần tổ chức sắp xếp, hướng dẫn ngư dân neo đậu chắc chắn, an toàn nhằm tránh va đập gây hỏng tàu, chìm tàu. Căn cứ tình hình diễn biến của áp thấp nhiệt đới, bão, ngành nông nghiệp phối hợp với các cơ quan chức năng của tỉnh tham mưu cấp trên cấm biển để đảm bảo an toàn cho tàu cá và ngư dân.

Ông Trần Quang Kiến - Phó Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản kiêm Chủ tịch Hội nghề cá Quảng Nam cho rằng, qua kiểm tra, giám sát việc thực hiện các quy định về đảm bảo an toàn cho tàu cá khi hoạt động trên biển của ngư dân, chưa phát hiện các vi phạm. Các trạm bờ được bố trí ở Chi cục Thủy sản cùng các máy Icom, máy liên lạc tầm xa ở các địa phương luôn hoạt động 24/24 giờ để tiếp nhận thông tin, hướng dẫn ngư dân chủ động ứng phó với gió, bão thất thường trong mùa biển động. Các phao tiêu báo hiệu, luồng cảng cá, đèn đã được duy tu, bảo dưỡng, trợ giúp ngư dân đưa tàu cá đi neo đậu, tránh trú bão được an toàn. “Các ngư dân cần nương tựa vào các tổ, đội đoàn kết sản xuất trên biển để tương ứng, hỗ trợ nhau ứng phó kịp thời với các tình huống bất trắc. Các lực lượng chức năng luôn đồng hành, sẵn sàng hỗ trợ, ứng cứu ngư dân trong các tình huống khẩn cấp” - ông Kiến nói.

VIỆT NGUYỄN